Chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại TX. Ba Đồn

  • 19:33 | Thứ Năm, 01/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước sự xuất hiện các ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) liên tục tại một số xã, phường của TX. Ba Đồn những ngày gần đây, ngày 1/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đã tăng cường hỗ trợ Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã chủ động phòng, chống dịch. Đồng thời, đề nghị các địa phương trong toàn tỉnh tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, khi Quảng Bình đang bước vào mùa SXH. 
 
TX. Ba Đồn ghi nhận số ca SXH cao nhất trong ngày 1/6
 
Phó Giám đốc TTYT TX. Ba Đồn Nguyễn Phúc Kỳ cho biết: Qua điều tra, theo dõi và giám sát từ ngày 1/1 đến sáng 1/6/2023 trên địa bàn TX. Ba Đồn đã có 5/16 xã, phường có ca mắc SXH và ghi nhận 19 ca SXH dương tính với test nhanh NS1, so với cùng kỳ năm 2022 số ca SXH trên địa bàn tăng cao. Trong đó, có 4 ca bệnh SXH (tại phường Ba Đồn, xã Quảng Thủy và phường Quảng Long) là đuôi dịch của năm 2022.  
Các hộ dân phường Quảng Phúc được phun hóa chất bảo vệ trước  bệnh SXH có nguy cơ bùng phát.
Các hộ dân được phun hóa chất bảo vệ trước bệnh SXH có nguy cơ bùng phát.
Qua nhiều tháng TX. Ba Đồn không ghi nhận ca mắc SXH, nhưng bắt đầu từ ngày 16/4/2023 đến nay, đã xuất hiện số ca SXH rải rác, liên tục tại thôn Tân Đông (xã Quảng Hải) và 3 tổ dân phố (TDP) Đơn Sa, Diên Phúc và Mỹ Hòa (phường Quảng Phúc). Đặc biệt, sáng 1/6, Quảng Bình ghi nhận 5 ca SXH (số ca mắc nhiều nhất kể từ tháng 2/2023 đến nay) đều ở TX. Ba Đồn: phường Quảng Phúc (4 ca) và xã Quảng Hải (1 ca).
 
Phó Giám đốc TTYT Ba Đồn cho rằng: Nguyên nhân do tình hình thời tiết thay đổi thất thường, tình trạng ô nhiễm môi trường và số lượng người dân di cư, qua lại giữa các vùng miền nhiều, phức tạp, khó quản lý. Một số địa phương chưa quyết liệt, sự phối kết hợp, tham gia liên ngành chưa chặt chẽ, chưa huy động được sự vào cuộc của nhân dân. Cùng với lối sống sinh hoạt, ý thức của một bộ phận người dân trong phòng, chống dịch bệnh chưa cao, thiếu tự giác, nên công tác vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn.
 
Từ đó, việc thu vật dụng phế thải, làm sạch các nơi trú ngụ, sinh sản của muỗi truyền bệnh trong mỗi gia đình, công trình, nơi sản xuất, kinh doanh… còn hạn chế. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát, làm cho tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân nhân.
 
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, TTYT TX. Ba Đồn đã chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh công tác phòng, chống các loại dịch bệnh. Đối với dịch bệnh SXH, trung tâm đã tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, ngăn chặn kịp thời không để dịch bùng phát và lây lan. Cùng đó, yêu cầu các trạm y tế xã, phường tiếp tục tăng cường công tác khám, sàng lọc và thu dung điều trị các ca bệnh SXH; bảo đảm đầy đủ thuốc và dịch truyền cho công tác thu dung, điều trị bệnh nhân SXH tại địa bàn phụ trách.
 
CDC tăng cường hỗ trợ địa bàn TX. Ba Đồn phòng, chống SXH
 
Giám đốc CDC tỉnh bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp cho biết: Qua nắm bắt tình hình các đợt giám sát chỉ số muỗi, bọ gậy tại các xã, phường trên địa bàn TX. Ba Đồn, cho thấy các chỉ số côn trùng tại các TDP, thôn, khu phố ở một số xã, phường tăng cao (BI> 30), cụ thể: TDP Đơn Sa, Diên Phúc (phường Quảng Phúc); thôn Tân Đông (xã Quảng Hải)…
 
Trước tình hình đó, CDC chỉ đạo TTYT thị xã phối hợp với chính quyền địa phương, nhân dân trên địa bàn chủ động triển khai thực hiện các đợt chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy trên toàn địa bàn; nhất là tại 2 địa phương xuất hiện liên tục các ca bệnh là phường Quảng Phúc và xã Quảng Hải. Đồng thời, hỗ trợ 17 lít hóa chất cho TTYTTX. Ba Đồn tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống SXH tại TDP Đơn Sa (phường Quảng Phúc) trong các ngày 11-12/5 và tại thôn Tân Đông (xã Quảng Hải) ngày 31/5, với hơn 1.020 hộ dân được bảo vệ.  
CDC Quảng Bình hướng dẫn kỹ thuật phun hóa chất diệt muỗi tại các hộ dân ở phường Quảng Phúc trong ngày 1/6.
CDC tỉnh hướng dẫn kỹ thuật phun hóa chất diệt muỗi tại các hộ dân ở phường Quảng Phúc.
Tuy nhiên, sáng 1/6, TX. Ba Đồn là địa phương duy nhất trong toàn tỉnh ghi nhận 5 ca bệnh SXH, tập trung chủ yếu ở phường Quảng Phúc (12 ca/19 ca toàn thị xã từ đầu năm đến nay). Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng cũng như việc triển khai phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH đạt hiệu quả cao, CDC tỉnh đã cử tổ công tác cùng máy móc, trang thiết bị và 40 lít hóa chất hỗ trợ TTYT TX. Ba Đồn phòng, chống dịch SXH. 
 
Theo đó, trong các ngày từ 1-3/6/2023, CDC tỉnh cùng TTYT TX. Ba Đồn triển khai phun phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống dịch SXH tại các TDP Diên Phúc, Mỹ Hòa, Xuân Lộc, Tân Mỹ (phường Quảng Phúc). Để chiến dịch đạt hiệu quả cao, cán bộ y tế cùng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phường Quảng Phúc tích cực tổng vệ sinh môi trường, thau rửa dụng cụ chứa nước, diệt loăng quăng/bọ gậy, che đậy thức ăn, nước uống, đồ dùng trước khi phun hóa chất và hướng dẫn người dân lau chùi nhà cửa sau khi phun để bảo đảm sức khỏe và phát huy tác dụng bảo vệ lâu dài của hóa chất diệt muỗi.
 
Người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch SXH
 
Theo Giám đốc CDC tỉnh, theo chu kỳ hàng năm, từ tháng 6 trở đi là mùa của dịch bệnh SXH phát triển nếu người dân không quyết liệt kiểm soát các ổ dịch nhỏ ngay từ đầu sẽ lặp lại tình hình dịch như trong năm 2022, đó là dịch SXH xuất hiện từ tháng 6 và kéo dài đến hết năm, đạt đỉnh dịch từ tháng 9, 10, 11 và có những ngày ghi nhận trên 100 bệnh nhân nhập viện đã tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế.
 
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 114 ca mắc SXH. Trong đó, TP. Đồng Hới 24 ca, Quảng Trạch 22 ca, Bố Trạch 20 ca, TX. Ba Đồn 19 ca, Tuyên Hóa 17 ca, Lệ Thủy 10 ca, Quảng Ninh 2 ca. Đến ngày 1/6, Minh Hóa vẫn là địa phương duy nhất của tỉnh chưa ghi nhận ca mắc SXH trong năm 2023.

Năm nay, trước diễn biến bất thường của thời tiết, là điều kiện thuận lợi cho véc tơ muỗi truyền bệnh phát triển, do đó, tình hình dịch bệnh SXH trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với đó, mùa du lịch, nghỉ hè của học sinh, sẽ gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người nên số ca mắc SXH luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu chính quyền địa phương và người dân không thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch.

Vì vậy, CDC đề nghị TTYT các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, nhất là phát huy tác dụng tuyên truyền của hệ thống đài truyền thanh-truyền hình các huyện, thị xã, thành phố và hệ thống loa phát thanh của các xã/phường/thị trấn; truyền thông lưu động về tình hình dịch bệnh SXH, các biện pháp phòng, chống dịch đến từng địa bàn dân cư để toàn thể người dân hiểu và tự giác thực hiện. 

Các tổ dân phố phường Quảng Phúc được phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng chống SXH.
Các TDP phường Quảng Phúc được phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống SXH.
Song song, triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày phòng, chống SXH ASEAN (15/6) năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, cần tập trung tổ chức các đợt chiến dịch diệt loăng quăng và vận động các gia đình duy trì diệt loăng quăng hàng ngày, hàng tuần; hướng dẫn cụ thể cho nhân dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường nơi ở và nơi làm việc; lau chùi và lật úp, thu gom các dụng cụ chứa nước không cần thiết; thường xuyên thay nước các lọ hoa, chậu cảnh ít nhất 5-7 ngày/lần; tăng cường giám sát bệnh nhân và véc tơ truyền bệnh thường xuyên tại các xã/phường ghi nhận nhiều ca mắc và có kế hoạch kịp thời triển khai phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã/phường có bệnh nhân và chỉ số côn trùng cao.
 
“Để công tác phòng, chống dịch bệnh SXH cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác trong những tháng còn lại của năm 2023 đạt hiệu quả, cùng với ngành Y tế rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự phối kết hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể xã hội, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân cùng nâng cao ý thức với phương châm “Không có loăng quăng/bọ gậy, không có dịch sốt xuất huyết”, Giám đốc CDC tỉnh bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp nhấn mạnh.
 
Một số hình ảnh phun hóa chất chủ động phòng, chống SXH tại phường Quảng Phúc ngày 1/6:
Nội Hà

tin liên quan

"Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá"

(QBĐT) - Đó là chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2023, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động.

Vi khuẩn botulinum tồn tại như thế nào trong môi trường?

Để tồn tại, vi khuẩn botulinum đã tạo ra lớp vỏ bọc rất kín bao quanh cơ thể của chúng, rất chắc chắn, bền vững, chống chọi với hầu hết các điều kiện khắc nghiệt bên ngoài. 

Hơn 11,6 nghìn tỷ đồng được huy động vào Quỹ vaccine phòng Covid-19

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, đến hết ngày 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230 nghìn tỷ đồng.