Số mắc COVID-19 gia tăng trở lại, nhiều ca trong tình trạng nặng

  • 14:39 | Thứ Hai, 22/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Xu hướng gia tăng ca mắc COVID-19 đã tăng lên trong những ngày đầu tháng 8/2022, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các trường hợp nặng và tử vong chưa tiêm vaccine chiếm 23-25% ở các tuyến.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Trong một tháng qua, đã có hơn 45.000 ca mắc mới COVID-19 trên toàn quốc. Trung bình hơn 1.500 ca/ngày, riêng ngày 18/8 đã có trên 3.000 ca mắc.
 
Xu hướng gia tăng ca mắc COVID-19 đã tăng lên rõ rệt trong những ngày đầu tháng 8/2022. Do đó, các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác.
 
Ca bệnh trong tình trạng nặng tăng
 
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, xu hướng gia tăng ca mắc COVID-19 trở lại đã rõ ràng, theo đó ca trong tình trạng nặng cũng tăng. Hiện các trường hợp nặng và tử vong chưa tiêm vaccine COVID-19 chiếm 23-25% ở các tuyến. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tỉ lệ tử vong chưa tiêm vaccine là 50%.
 
Số liệu tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trong hơn hai tháng (từ 10/5-16/7) bệnh viện không có bệnh nhân COVID-19 điều trị. Nhưng trong 1 tháng qua có 32 bệnh nhân (31 người nhập viện trong tháng 8), trong đó có 19 bệnh nhân ở mức độ nặng, nguy kịch, đã có 6 ca tử vong.
 
Trong số 30 ca đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế hiện nay, số các ca nặng, nguy kịch là 6 trường hợp, có 5 ca phải thở máy. 
 
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong hơn 232 bệnh nhân nhập viện tháng 8 có đến 46% bệnh nhân trên 65 tuổi; số bệnh nhân chưa tiêm phòng vaccine điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chiếm 24,3%. Có 3 ca tử vong. Hiện tại bệnh viện đang điều trị 123 ca, trong đó có 26 ca thở máy, 1 ca chạy tim phổi nhân tạo (ECMO)…
 
Do đó, tại một cuộc họp của Hội đồng chuyên môn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã yêu cầu các địa phương cần rà soát, lập danh sách quản lý, theo dõi và tiêm vaccine cho đối tượng có tuổi, mắc bệnh nền đúng thời gian để đảm bảo hiệu lực của vaccine.
 
Với các biến chủng mới xuất hiện, Thứ trưởng Sơn đề nghị các bệnh viện phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur theo dõi biến thể, biến chủng ở các ca bệnh nặng và tử vong, đề nghị các địa phương đánh giá lại nhân lực, thiết bị, vật tư hóa chất, chuẩn bị mô hình 4 tại chỗ.
 
Hiện tại Bộ Y tế chưa yêu cầu các địa phương thành lập mô hình bệnh viện dã chiến.
 
Đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19
 
Theo đánh giá của Bộ Y tế, tiến độ tiêm vaccine COVID-19 ở một số địa phương không đạt yêu cầu đề ra, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
 
Về tiêm mũi 3, đến nay cả nước đạt tỷ lệ 75,2%, tuy nhiên có những địa phương tiêm rất thấp, chưa đạt 50%.
 
Đối với tiêm mũi 4, đến hết ngày 20/8 đạt tỷ lệ 68,3%, nhưng có địa phương mới tiêm đạt 2/3 tỷ lệ chung của cả nước.
 
Về tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, sau hơn 4 tháng triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đến nay, tỷ lệ mũi 1 trung bình cả nước là 80,1%; mũi 2 là 50,5%.
 
Về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tổng số mũi tiêm đến nay là 14.635.155, trong đó mũi 1: 8.963.969 trẻ (đạt tỷ lệ 80,3%).
 
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 1 thấp dưới 61% là: Đà Nẵng (50%); Quảng Nam (50%); Bình Thuận (61%); Thành phố Hồ Chí Minh (53%); Bình Dương (60%). Ba tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (96,2%); Vĩnh Long (96,6%), Cà Mau (95,9%).
 
Các tỉnh, thành trong top có tỷ lệ tiêm mũi 1 ở mức thấp và cao:
Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, vẫn có nhiều tỉnh, thành phố tiêm rất chậm cả 2 mũi, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước rất nhiều, thậm chí có địa phương như Quảng Nam tỷ lệ tiêm mũi 2 mới 17%, chỉ bằng gần 1/3 mức chung mũi 2 của cả nước.
 
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc trên thế giới và tại Việt Nam. Trong nước ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh. Thời gian gần đây, cả nước ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại, trung bình tuần qua có gần 18.000 ca mắc mới.
 
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ tuyến dưới đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
 
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Theo T.G (Vietnam+)

tin liên quan

"Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững"

(QBĐT) - Sáng 21/8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối đến hàng trăm điểm cầu trên toàn quốc về "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững". 
 

Nghiên cứu: Thuốc lá và rượu là nguyên nhân chính gây bệnh ung thư

Theo kết quả một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet ngày 19/8, gần 50% số ca mắc bệnh ung thư trên toàn cầu bắt nguồn từ một yếu tố nguy cơ đã biết (chủ yếu là thuốc lá hoặc rượu), trong khi số ca tử vong do ung thư vì những nguyên nhân này chiếm tới 44,4%.

Sử dụng AI để tái tạo giọng nói cho bệnh nhân ung thư

CoeFont, một công ty có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) đang thu hút sự chú ý với dịch vụ độc đáo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tái tạo giọng nói cho những người mất giọng do phẫu thuật ung thư.