Ngã gãy tay, mới hay… tiểu đường

  • 14:18 | Thứ Tư, 03/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bệnh tiểu đường tiềm ẩn và âm thầm phát triển trong nhiều người. Đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện với các biến chứng thực thể hoặc được phát hiện một cách tình cờ vì một cú… ngã, hay qua đi khám một căn bệnh nào đó khác. Điều đáng nói là khi được phát hiện tình cờ thì phần lớn những biến chứng  đã xuất hiện, gây khó khăn cho việc chữa trị trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay…
 
Tại Phòng khám đa khoa ở TP Đồng Hới (Quảng Bình), ông Nguyễn Tấn T., 56 tuổi, cho biết từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay ông phải đều đặn mỗi tuần một lần đến khám theo dõi tiểu đường. Ông kể đã phát hiện mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sau cú trượt ngã trẹo đầu gối trong phòng tắm. Vậy là thay vì đến phòng khám để chữa khớp gối thì ông lại phải nhập viện để chữa tiểu đường…
 
Bệnh ẩn giấu đã lâu mà không biết
 
Cũng như ông T., bà Phan Thị N., 60 tuổi, được Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới biết mình mắc bệnh tiểu đường sau một tình huống khá đau đớn: bà bị ngã rất mạnh trên vỉa hè đường do một cơn choáng váng bột phát… Bà N. được người đi qua phát hiện và kịp thời gọi xe đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng không còn tỉnh táo vì đầu bị đập xuống đường, cánh tay trái gãy hẳn, xương sườn rạn đến 3, 4 cái… Qua xét nghiệm máu để xếp lịch mổ sắp lại chỗ xương gãy, bác sĩ cho biết bà đã bị mắc bệnh tiểu đường khá nặng, với chỉ số Glucose huyết tương ở thời điểm sau ăn bữa trưa hai giờ của bà lên tới 33,1 mmol/L, chỉ số xét nghiệm HbA1c là 18 mmol/mol.
 
Vậy là thay vì được mổ chỉ vài ngày vào viện, bà N, lại phải chuyển từ khoa ngoại lên khoa nội tổng hợp để điều trị tiểu đường. Sau hơn 10 ngày điều trị cho chỉ số đường huyết giảm, bà lại trở về khoa ngoại chờ mổ. Oái ăm thêm nữa là cũng do căn bệnh tiểu đường nên cánh tay gãy của bà cứ sưng phù mãi không chịu xẹp xuống. Vậy là bà buộc phải nằm thêm 10 ngày nữa để cho tay đỡ sưng. Trước sự băn khoăn của bà N. về nguyên nhân khiến bà bị ngã như vậy, các bác sĩ chẩn đoán có thể bà bị ngã là do đường máu lên cao quá nên gây choáng nặng, hoặc bị hôn mê do hạ đường huyết…
 
Bà N. cho biết, khi bà đang đi xuống cầu thang của một khách sạn thì bỗng thấy trời đất tối sầm. Khi nhận thấy được mọi điều xung quanh thì bà đã nằm trong bệnh viện với sự đau nhức ghê gớm khắp cả người. Bà N. kể cách đây gần 20 năm, trong một lần đi khám bệnh có xét nghiệm máu, bà đã được bác sĩ cảnh báo là bà đang ở dạng tiền đái tháo đường. Vì vậy sau khi về nhà, bà theo chỉ dẫn của bác sĩ thực hiện chế độ ăn kiêng khá bài bản và nghiêm ngặt.
 
Từ đó, hằng năm bà cũng có làm các xét nghiệm máu lúc đói và sau ăn để tầm soát bệnh tiểu đường. Do không thấy chỉ số đường máu lên cao nên bà khá yên tâm. “Hơn ba năm qua tôi bẵng đi chuyện tầm soát đường máu vì tưởng đã lâu như vậy rồi thì chắc chắn mình không còn bị mắc bệnh tiểu đường nữa. Ai ngờ lại ra nông nỗi này…” - bà N. lo lắng nói.
Bà Phan Thị N. phải điều trị bệnh tiểu đường trước khi được mổ sắp lại cánh tay bị gãy.
Bà Phan Thị N. phải điều trị bệnh tiểu đường trước khi được mổ sắp lại cánh tay bị gãy.
Cùng cảnh ngộ với bà N. là ông Trần Văn H., 67 tuổi. Ông H. được bệnh viện phát hiện mắc bệnh tiểu đường cũng trong một hoàn cảnh oái ăm không kém bà N.. Ông đang đi bộ thể dục trên vỉa hè thì một chiếc xe máy lao lên, đâm sầm vào. Ông được đưa vào bệnh viện với một vết bầm khá to nơi bắp chân và một vệt xước rớm máu ở cánh tay. Sau những xét nghiệm máu cơ bản nhất, ông H. được bệnh viện thông báo đã mắc bệnh tiểu đường. Thay vì chỉ thăm khám vết thương bầm dập và chụp phim đầu để kiểm tra não rồi về nhà, thì ông bắt đầu một đợt tiêm insulin với tần suất ba lần/ngày ở bệnh viện.
 
Ông H. cho biết từ trước đến nay ông luôn thấy mình khoẻ mạnh, không có biểu hiện gì của bệnh tiểu đường. Nhưng khi bác sĩ hỏi cặn kẽ hơn về mọi điều thì ông mới nhớ ra và “khai” là gần đây ông thấy hay khát nước hơn trước và luôn muốn đi tiểu đêm. Ông hết sức ngỡ ngàng khi được bác sĩ khẳng định khát nước nhiều là biểu hiện của bệnh tiểu đường. Ông H. thừa nhận: “Từ trước đến nay tôi chưa hề nghĩ là bệnh tiểu đường sẽ vận vào mình, nên chưa làm tầm soát đường máu lần nào cả”.
 
Bất cứ ai cũng nên tầm soát thường xuyên
 
Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Dương, trưởng khoa Nội tổng hợp - lão khoa Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, trong cuộc sống thường ngày mọi người ít nghĩ đến căn bệnh tiểu đường. Vì biểu hiện ban đầu của căn bệnh này là khá mờ nhạt, khiến mọi người dễ quên việc cần phải tầm soát đường máu thường kỳ hay thường niên. Đến khi bệnh đã có những biểu hiện nặng hoặc có biến chứng thì các chỉ số đường máu thường đã lên rất cao, thậm chí nhiều người đã ở vào giai đoạn bị biến chứng nặng.
 
Nhằm tránh để xảy ra tình trạng đến khi bị ngã mới lòi ra… bệnh tiểu đường nặng như ở bệnh nhân T., N. và H., mọi người cần làm một việc hữu ích cho bản thân là tầm soát đường máu định kỳ trong năm theo khuyến cáo cụ thể của bác sĩ hoặc khuyến cáo chung của ngành y. Việc này có thể làm ở bất kỳ phòng khám bệnh nào có giấy phép hoạt động và có trang bị máy xét nghiệm. Khi sớm phát hiện ra đã mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân dễ được chữa trị và thời gian đưa đường máu về mức an toàn, ổn định nhanh hơn.
 
Các dấu hiện nhận biết có thể mắc bệnh tiểu đường, đó là đi tiểu thường xuyên, luôn cảm thấy khát nước, thường xuyên cảm thấy đói, tình trạng mệt mỏi thường xuyên (dù không vận động quá sức), có vấn đề về mắt (nhìn mờ), dễ bị nhiễm trùng và các tình trạng nhiễm trùng da thường kéo dài và có xu hướng tái phát như nhọt, loét; tê và ngứa đầu chi, giảm hoặc tăng cân không lí do, chậm lành vết thương… Khi nhận thấy nếu có các triệu chứng như vậy thì phải kiểm tra đường máu sớm.
 
Sau khi đã phát hiện mắc bệnh tiểu đường qua tầm soát bằng xét nghiệm đường máu đó, thì mọi người phải kiểm soát tốt đường máu, huyết áp và các rối loạn khác kèm. Theo bác sĩ Lê Thị Dương, khi đó ba vấn đề mọi người phải tuân thủ là dinh dưỡng, vận động và dùng thuốc đúng chỉ định. Điều này cũng nhằm tránh các biến chứng của bệnh tiểu đường gây ra.
 
Đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 như hiện nay, người bệnh tiểu đường cần lưu ý là phải tuân thủ thực hiện 5K để tránh bị lây nhiễm dịch, tăng sức đề kháng, kiểm soát đường máu thật tốt là vấn đề cốt lõi, phải chuẩn bị đủ các loại thuốc trị, thuốc điều trị biến chứng. Hãy chắc chắn có đầy đủ địa chỉ, số điện thoại liên lạc khi cần (của bệnh viện, hiệu thuốc, bác sĩ, người thân, cửa hàng thực phẩm...), phải chú ý hơn đến chế độ ăn uống, luyện tập, tự kiểm tra đường máu thường xuyên hơn. Trong thời kỳ dịch không đi ra được khỏi nhà thường xuyên thì nếu không kiểm tra được đường trong máu tại nhà, hãy chú ý đến các dấu hiệu đi tiểu nhiều hơn (đặc biệt là vào ban đêm), rất khát nước, đau đầu, mệt mỏi, thờ ơ, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt... Nếu các triệu chứng trên tăng lên, hãy liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn xử trí kịp thời.
 
Bác sĩ Lê Thị Dương cũng muốn mọi người xét nghiệm sàng lọc bệnh tiểu đường cho mình nhằm phát hiện những người tiểu đường không triệu chứng hoặc tiền tiểu đường để có thể được quản lý sớm hơn, hợp lý hơn. Đó là những người có hơn một trong số các nguy cơ sau: ít hoạt động thể lực, có người thân đời thứ nhất bị tiểu đường, phụ nữ đẻ con >4kg hoặc được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, người tăng hyết áp, người có chỉ số xét nghiệm HbA1c ≥5,7 %, RLDN Glucose hoặc tăng đường máu đói ở những lần xét nghiệm trước và người có tiền sử bệnh tim mạch…
 
                                                                             Lam Giang

tin liên quan

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người

Ngày 29/7, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người.

Vaccine dạng dán thế hệ mới có thể chống lại các biến thể của SARS-CoV-2 hiệu quả hơn

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Queensland (Australia) tin rằng vaccine dạng dán thế hệ mới sẽ hiệu quả hơn so với các loại vaccine dạng tiêm truyền thống trong việc phòng ngừa các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng sau 20 năm

Dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em những năm qua có nhiều cải thiện, Chiều cao trung bình của người Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.