Quảng Bình đã xuất hiện một số ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết

  • 17:06 | Thứ Ba, 21/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày vừa qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện rải rác một số ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết (SXH). Đặc biệt, có bệnh nhân nhập viện điều trị với biểu hiện nặng, như: sốt cao và rối loạn tiêu hóa. Để khống chế, không cho dịch bùng phát trên diện rộng, rất cần sự chung tay của người dân, chính quyền, đoàn thể các cấp cùng với ngành Y tế.
 
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình, đến ngày 21/6, toàn tỉnh đã ghi nhận 147 ca mắc SXH. Huyện Bố Trạch là địa phương có số ca mắc cao nhất (39 ca), tiếp đến là huyện Lệ Thủy (35 ca), TP. Đồng Hới (28 ca) và huyện Quảng Ninh (21 ca); còn các địa phương khác cũng rải rác có ca mắc SXH. Đến thời điểm này, Quảng Bình là một trong những tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. 
CDC giám sát, điều tra chỉ số côn trùng khu vực có nguy cơ cao để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH.
CDC giám sát, điều tra chỉ số côn trùng khu vực có nguy cơ cao để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH.
Sáng 21/6, theo chân đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch SXH của CDC Quảng Bình tại xã Đức Trạch (Bố Trạch), chúng tôi được chứng kiến không khí khẩn trương phòng, chống dịch của đội ngũ y tế cơ sở. Dưới thời tiết nắng nóng như đổ lửa, họ lại bịt kín trong những bộ đồ bảo hộ y tế đi vào từng ngõ ngách của nhà dân để phun hóa chất diệt muỗi và hướng dẫn người dân diệt loăng quăng (bọ gậy), không tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, phát triển.
 
Bác sĩ Đỗ Xuân Tính, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế Bố Trạch) mồ hôi nhễ nhại, đang cùng đồng nghiệp phun hóa chất diệt muỗi tại xã Đức Trạch thông tin, mặc dù ở đây chưa ghi nhận ca mắc SXH, nhưng qua điều tra chỉ số côn trùng cao, có nguy cơ bùng phát dịch, nên đơn vị đã cho phun chủ động. Trong hôm nay, 3 thôn Nam Đức, Đức Trung và Bầu Bàng sẽ được phun xong, như vậy, toàn xã Đức Trạch được phun chủ động phòng chống SXH.  
Trung tâm Y tế Bố Trạch phun hoá chất chủ động diệt muỗi tại Đức Trạch.
Trung tâm Y tế Bố Trạch phun hoá chất chủ động diệt muỗi tại các hộ dân ở xã Đức Trạch (Bố Trạch).
“Bố Trạch đã xuất hiện một số ổ dịch nhỏ SXH ở xã Vạn Trạch, thị trấn Hoàn Lão, bản Rào Con (thị trấn Phong Nha) và rải rác các ca mắc trong cộng đồng. Để ngăn chặn dịch bùng phát, những ngày vừa qua, Trung tâm Y tế huyện đã tập trung lực lượng phun chủ động ở 3 xã nguy cơ cao, gồm: Trung Trạch, Đại Trạch, Đức Trạch và phun trực tiếp tại các địa phương xuất hiện ổ dịch nhỏ”, bác sĩ Tính cho biết thêm.
 
Rời Đức Trạch, chúng tôi đến Bệnh viện đa khoa Bố Trạch, đơn vị  hiện đang điều trị nhiều ca mắc SXH nhất trong các bệnh viện tuyến huyện. Tại Khoa Truyền nhiễm, bác sĩ Hoàng Minh Từ vừa khám xong cho một bệnh nhân SXH thể nặng, sốt cao, rối loạn tiêu hóa chia sẻ, từ cuối tháng 5, khoa tiếp nhận điều trị rải rác từ 3-5 ca mắc SXH, nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, số ca nhập viện liên tục gia tăng và rộ lên trong những ngày gần đây. Ngay trong sáng nay, tại khoa có 38 bệnh nhân đang điều trị, thì có hơn 20 ca nghi SXH và 5 ca đã xét nghiệm dương tính với SXH. Có 1 số gia đình ở xóm Rẫy, xóm Mới của xã Vạn Trạch có tới 3-4 người nhập viện.  
Lấy mẫu xét nghiệm SXH cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Bố Trạch.
Lấy mẫu xét nghiệm SXH cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Bố Trạch.
“Các bệnh nhân khi tới đây đa phần đều có triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ, khớp đơn thuần; nhưng đợt này, có một số bệnh nhân xuất hiện thêm triệu chứng mới về đường tiêu hóa, như nôn ói, đi ngoài… và trong thời tiết nắng nóng này làm cho bệnh nhân có nguy cơ mất nước rất cao. Chúng tôi phải theo dõi thường xuyên để có phác đồ điều trị tích cực, không để bệnh nhân trở nặng thêm, hạn chế đến mức thấp nhất những diễn biến xấu có thể xảy ra”, bác sĩ Từ trao đổi.
 
Bệnh nhân Trần Thị Dung (52 tuổi, ở thôn Khương Hà 4, xã Hưng Trạch) nhập viện 2 ngày, bộc bạch: “Trong gia đình không ai mắc SXH, tôi cũng không đi đâu tiếp xúc với nguồn lây, nhưng mấy ngày trước bị sốt cao và đau mỏi khắp người, uống thuốc hạ sốt không đỡ và thêm rối loạn tiêu hóa nên rất lo lắng. Người nhà đã đưa tôi nhập viện và được chẩn đoán mắc SXH”.  
Lãnh đạo CDC Quảng Bình kiểm tra, giám sát công tác điều trị SXH tại Bệnh viện đa khoa Bố Trạch.
Lãnh đạo CDC Quảng Bình kiểm tra, giám sát công tác điều trị SXH tại Bệnh viện đa khoa Bố Trạch.
Còn em Hoàng Thị Như Ý (ở thôn Đông, xã Vạn Trạch) vẻ mặt còn mệt mỏi sau những ngày sốt cao, em chia sẻ: “Em vừa thi xong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thì bị sốt cao, đau đầu dữ dội. Em nằm điều trị ở trạm y tế xã 2 ngày không đỡ nên gia đình chuyển em lên bệnh viện huyện. Hôm nay là ngày thứ 5 em điều trị tại đây, được các y bác sĩ chăm sóc chu đáo em đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, như: hết sốt, đỡ đau đầu và có thể tự ngồi dậy đi vào phòng bên thăm mẹ (mẹ em cũng mắc SXH sau em 2 ngày)”.
 
Trong ngày 21/6, cùng với công tác phun hóa chất diệt muỗi phòng SXH tại các địa bàn trọng điểm, Trung tâm Y tế Bố Trạch đã phối với Bệnh viện đa khoa Bố Trạch lấy mẫu bệnh nhân SXH gửi CDC Quảng Bình làm xét nghiệm xác định chính xác các ca bệnh để có phương án điều trị và dập các ổ dịch kịp thời không để bùng phát trong cộng đồng.
 
Theo bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình: Sau dịch Covid-19 đã xuất hiện tâm lý chủ quan không chỉ trong người dân mà ở một số địa phương chính quyền cũng đã lơ là công tác phòng, chống dịch, nên nguy cơ các loại dịch bệnh mùa hè bùng phát là hiện hữu, đặc biệt là dịch SXH, tay chân miệng. Vừa qua, CDC đã phân bổ hóa chất cho 8 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH. 
 
“Tuy nhiên, trước diễn biến cực đoan của thời tiết, cùng với dịch Covid-19 thì nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh khác là hiện hữu. Hiện tại, nguồn hóa chất và vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch CDC vẫn đủ khả năng hỗ trợ cho các địa phương, nhưng nếu dịch bệnh bùng phát trên diện rộng sẽ thiếu và gặp rất nhiều khó khăn…Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống các loại dịch bệnh, trước hết cho bản thân và gia đình, sau nữa là góp phần chung tay bảo vệ cộng đồng an toàn”, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp nhấn mạnh. 
 
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp nhận định: Thường chu kỳ của một đợt dịch SXH bùng phát mạnh là 3-4 năm. Đợt dịch bùng phát gần đây nhất vào năm 2019, vì vậy khả năng năm nay có thể sẽ bắt đầu một đợt dịch SXH mới. Hiện SXH đang bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, tỉnh ta cũng có nguy cơ cao nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
 
Để hạn chế số ca mắc SXH, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan cần dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, không để vật chứa đọng nước cho muỗi đẻ trứng làm phát sinh lăng quăng…
 
Khi trong gia đình có người sốt liên tục từ 2-3 ngày cần nghĩ đến SXH và khi xác định mắc SXH có thể theo dõi, chăm sóc tại nhà nhưng phải nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo, như: Sốt li bì, chân tay lạnh, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục, xuất huyết niêm mạc, nôn ra máu...

 

Một số hình ảnh phòng, chống SXH ở huyện Bố Trạch trong ngày 21/6:

 
Nội Hà 

tin liên quan

Tăng cường kiểm tra, giám sát kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế Bộ, ngành yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú.

Số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết đều tăng cao so với năm ngoái

Đến nay, cả nước đã có 29 ca tử vong do sốt xuất huyết, số ca mắc tăng cao tại nhiều địa phương.

Mỹ duyệt tiêm vaccine mRNA ngừa COVID-19 cho trẻ 6 tháng đến 5 tuổi

Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên cho phép sử dụng vaccine công nghệ mRNA cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi, các bậc cha mẹ tại Mỹ có thể đặt lịch hẹn để đưa trẻ đi tiêm ngừa COVID-19 vào tuần tới.