Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3:

"Giảm thiểu tác động của Covid-19-Tập trung nguồn lực-Tăng cường phát hiện bệnh lao"

  • 07:13 | Thứ Năm, 24/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 hàng năm là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh lao; đồng thời, kêu gọi các quốc gia cùng chung tay nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Quảng Bình cùng với cả nước hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2022 với chủ đề “Giảm thiểu tác động của Covid-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao” nhằm kêu gọi sự quan tâm, hành động của các cấp, ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội để chiến thắng bệnh lao.
 
Gia tăng số ca tử vong
 
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao nhưng bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khoẻ cộng đồng chính trên toàn cầu. Đại dịch Covid-19 đã làm đảo ngược nhiều năm tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu, tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện. Cùng với đó, việc giảm khả năng tiếp cận với chẩn đoán và điều trị lao đã dẫn đến gia tăng số ca tử vong do lao trên toàn cầu. Ước tính riêng trong năm 2020 có 1,3 triệu ca tử vong do lao (tăng 1,2 triệu ca so với năm 2019). Việc giảm tỷ lệ mắc bệnh lao đạt được trong những năm trước gần như đã dừng lại.  
CDC Quảng Bình khám sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao cho đồng bào dân tộc thiểu số xã biên giới Dân Hóa (Minh Hóa).
CDC Quảng Bình khám sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao cho đồng bào dân tộc thiểu số xã biên giới Dân Hóa (Minh Hóa).
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong số 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
 
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình - đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lao và là đầu mối triển khai các hoạt động của Chương trình chống lao (CTCL) Quốc gia trên địa bàn tỉnh chia sẻ, kể từ thời điểm bắt đầu làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 tại Việt Nam (tháng 4/2021), sự ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm gián đoạn các hoạt động của CTCL. 
 
Thời điểm đó, CDC Quảng Bình là tuyến đầu phòng, chống dịch nên đã cùng các cơ sở y tế trong tỉnh tăng ca làm việc, đặc biệt là thời điểm từ tháng 8/2021. CDC tập trung mọi nguồn lực để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Với nguồn nhân lực có hạn nên cũng như nhiều đơn vị đều lâm vào tình trạng thiếu nhân lực cho mọi hoạt động, trong đó có CTCL.
 
Một số hoạt động thường quy của CTCL không thể triển khai theo kế hoạch (khám phát hiện chủ động, xét nghiệm, chẩn đoán, giám sát, kiểm soát ...) do việc thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương trong tỉnh. Số lượng người đến khám, chữa bệnh (KCB) lao giảm mạnh… Vì vậy, tình hình phát hiện bệnh nhân, công tác điều trị, bảo đảm việc tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ, giám sát, bệnh nhân lao tái khám, nhận thuốc… đều bị ảnh hưởng và chưa được thực hiện một cách đầy đủ.
CDC khám phát hiện bệnh lao cho người dân xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa).
CDC khám phát hiện bệnh lao cho người dân xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa).
Riêng tại phòng khám lao (thuộc Phòng khám đa khoa-CDC Quảng Bình), số bệnh nhân lao đến khám chỉ đạt 65,3% kế hoạch, dẫn đến số bệnh nhân lao phát hiện giảm nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Tại các cơ sở KCB khác trong tỉnh, tình hình cũng tương tự khi số người nghi lao đến khám, xét nghiệm đều giảm mạnh. Trong năm 2021, cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, CTCL tỉnh đã phát hiện và thu nhận được 638 bệnh nhân lao các thể, đạt 85% kế hoạch, giảm 23,96% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030
 
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp cho biết, từ 1/1/2020, CTCL tỉnh thay đổi mô hình hoạt động từ Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội sang mô hình CDC. Từ Khoa Lao riêng, hiện nay nằm trong Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm nên đầu mối để triển khai các hoạt động gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, vấn đề nhân lực làm công tác chống lao còn thiếu, cùng những ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19...
 
Tuy nhiên, đ­ược sự quan tâm, hỗ trợ của Bệnh viện Phổi Trung ương, sự phối hợp linh hoạt của trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố vừa chống dịch Covid-19 vừa phòng, chống lao, tiếp tục củng cố, duy trì mạng l­ưới chống lao từ tỉnh xuống xã; triển khai các hoạt động phát hiện bệnh nhân lao, lao kháng thuốc và lao tiềm ẩn... nên thời gian qua, hoạt động phòng, chống lao của tỉnh cũng đã đạt đư­ợc những kết quả đáng ghi nhận. 
Được Bệnh viện phổi Trung ương hỗ trợ xe chụp X-quang kỹ thuật số di động, CDC Quảng Bình đã triển khai khám phát hiện bệnh lao chủ động cho người dân vùng sâu vùng xa ngay tại địa phương, không phải di chuyển xa.
Được Bệnh viện Phổi Trung ương hỗ trợ xe chụp X-quang kỹ thuật số di động, CDC Quảng Bình đã triển khai khám phát hiện bệnh lao chủ động cho người dân vùng sâu vùng xa ngay tại địa phương.
Năm 2020, CTCL tỉnh đã phát hiện và đưa và điều trị 839 bệnh nhân lao các thể, tương đương 94,54ca/100.000 dân. Năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chỉ phát hiện và đưa và điều trị được 638 bệnh nhân lao các thể, tương đương 71,16 ca/100.000 dân, trong khi dịch tễ khoảng 176/100.000 dân. Qua đó cho thấy, còn một số rất lớn bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là một mối nguy cơ cao cho cộng đồng.
 
Cụ thể, trong năm 2021, tổng số người khám lao là 11.742/12.000 (đạt 97,85% kế hoạch); tổng số bệnh nhân lao được phát hiện là 638/750 (đạt  85% KH), trong đó bệnh nhân lao kháng đa thuốc (MDR) thu nhận được 7/20 (đạt 35% KH). Tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao: 811/839 người, đạt 96,66%.
 
Đặc biệt, cuối năm 2021, khi dịch bệnh được khống chế, Quảng Bình chuyển trạng thái “bình thường mới“, được sự hỗ trợ của Dự án Phòng chống lao khu vực, CDC đã tập trung nhân lực triển khai hoạt động khám phát hiện chủ động bệnh lao cho người dân tại địa bàn 12 xã miền núi vùng biên giới của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Kết quả, đã có gần 10.000 người được khám sàng lọc và chụp XQ; gần 1.200 người được xét nghiệm Expert và đã phát hiện được 192 bệnh nhân lao các thể.
 
Sau các xã miền núi, CDC Quảng Bình tiếp tục triển khai khám phát hiện bệnh lao cho 500 phạm nhân mới nhập trại tại Trại giam Đồng Sơn (thuộc Cục C10, Bộ Công an) và cũng đã phát hiện được 15 bệnh nhân lao các thể để sớm đưa vào quản lý điều trị, tránh lây lan trong các khu giam giữ. 
CDC Quảng Bình khám sàng lọc bệnh lao cho phạm nhân mới tại Trại giam Đồng Sơn.
CDC Quảng Bình khám sàng lọc bệnh lao cho phạm nhân mới tại Trại giam Đồng Sơn.
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp khẳng định: ​Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dễ dàng lây lan ra cộng đồng nếu người bệnh không được chữa trị đúng cách. Việt Nam hiện vẫn là 1 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Do vậy, bệnh lao đang thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Thời gian qua, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nên hoạt động khám phát hiện bệnh nhân lao mới bị giảm sút rõ rệt, đây cũng là tình hình chung của cả nước. Số bệnh nhân lao phát hiện và thu nhận điều trị của Quảng Bình chỉ đạt 85% kế hoạch giao.
 
Vì vậy, hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay, với chủ đề “Giảm thiểu tác động của Covid-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”, Quảng Bình tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 phối hợp với công tác phòng, chống lao; duy trì mạng lưới phòng, chống lao 3 cấp từ tỉnh đến huyện và 100% xã, phường; triển khai các hoạt động phòng, chống lao, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn và lao/HIV, nhằm đạt đ­ược và duy trì hiệu quả ở các tuyến, bảo đảm các mục tiêu phòng, chống lao giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 của CTCL Quốc gia. 
Người dân cần được khám, phát hiện sớm bệnh lao để được quản lý và điều trị nhằm bảo vệ sức khỏe và giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Người dân cần được khám, phát hiện sớm bệnh lao để được quản lý và điều trị nhằm bảo vệ sức khỏe và giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Đồng thời, triển khai khám, điều trị bệnh nhân lao tại các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh từ tháng 7/2022 cho người bệnh có thẻ BHYT. Tăng cư­ờng công tác phát hiện bệnh nhân lao bằng hoạt động khám phát hiện chủ động tại cộng đồng, vùng sâu, vùng xa nơi người dân khó tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật cao trong chẩn đoán bệnh lao bằng chiến lược 2X (xét nghiệm Gene Xpert và hệ thống Xquang kỹ thuật số di động). Triển khai hoạt động lao, lao tiềm ẩn cho các đối tượng nguy cơ cao, như: Người già, người bệnh đái tháo đường, người nghèo, người hút thuốc lá, người sống trong trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm Methadol, trại giam, trại tạm giam và các nhà tạm giữ…; tăng cường giám sát, theo dõi bệnh nhân MDR, tuyệt đối không để bệnh nhân MDR bỏ điều trị.
 
Cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ y tế, nếu công tác phòng, chống lao nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, sự chung tay của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng xã hội thì mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 của Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được.
 
Ngày 24/3 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng, chống lao để đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử y học, khi vào ngày này năm 1882, Tiến sĩ Robert Koch (người Đức) phát hiện nguyên nhân gây ra bệnh lao, đó là trực khuẩn lao. Thủ phạm của một trong “tứ chứng nan y” từng gây kinh hoàng cho cả thế giới đã được tìm thấy. Đó là bước đầu tiên hướng tới chẩn đoán và chữa trị bệnh lao.

Nội Hà

tin liên quan

F0 test nhanh một vạch liệu đã an toàn, không lây cho người khác?

Sau 10 ngày kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng đầu tiên, bệnh nhân Covid-19 mới được coi là an toàn.
 

Những giọt máu hồng yêu thương

(QBĐT) - Nhằm bổ sung nguồn máu dự trữ, khắc phục tình trạng thiếu máu, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai hiệu quả công tác hiến máu tình nguyện (HMTN). 

Bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao mắc tiểu đường tuýp 2

Ngay cả những người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng cũng có thể phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Nguy cơ này gia tăng tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.