Vì quyền lợi của người tiêu dùng

  • 07:37 | Thứ Tư, 21/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân, ngành Y tế và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Qua đó, góp phần ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng lưu hành trên thị trường.
 
Bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Thời gian qua, toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP. Qua hoạt động này, cơ quan chức năng đã kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở thực hiện những biện pháp bảo đảm ATTP, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm điều kiện về ATTP, góp phần ổn định thị trường, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
 
Từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và các đơn vị liên quan đã triển khai xét nghiệm 2.677 mẫu thực phẩm, trong đó xét nghiệm tại labo 61 mẫu, test nhanh 2.616 mẫu, đa số các mẫu đều đạt yêu cầu về ATTP. Các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành cấp 524 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP; đồng thời tiếp nhận 29 hồ sơ tự công bố chất lượng.
Cán bộ y tế Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Cán bộ y tế Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Hoạt động hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến được tập trung đẩy mạnh, nhất là việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, tạo sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa người nông dân và doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều sản phẩm an toàn của tỉnh được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trong cả nước và hướng đến xuất khẩu.
 
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, số người thực hiện cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Vì vậy, công tác bảo đảm ATTP tại các khu cách ly tập trung cũng được các đơn vị thực hiện nghiêm túc.
 
Trung tá Đinh Hữu Thanh (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh), phụ trách khu cách ly y tế tập trung Trường Quân sự tỉnh (cũ) đóng tại phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới cho biết: Ngoài việc chú trọng thực hiện các giải pháp an toàn trong khu cách ly, đơn vị còn quan tâm đến việc bảo đảm ATTP cho cán bộ làm việc tại khu cách ly và công dân thực hiện cách ly y tế.
 
Đơn vị đã bố trí khu nhà chế biến thực phẩm rộng rãi và chú trọng các điều kiện về ATTP như: chọn mua sử dụng những sản phẩm tươi mới, rõ nguồn gốc và công bố thực đơn hàng tuần, bảo đảm hài hòa dinh dưỡng, có thịt, cá, tôm, rau, củ các loại… Nhờ vậy, đa số công dân đều bày tỏ sự hài lòng về chế độ ăn, nghỉ tại trong thời gian cách ly.
 
Ở khu cách ly y tế tập trung huyện Bố Trạch đóng tại trụ sở UBND xã Hoàn Trạch (cũ), việc chuẩn bị bữa ăn cho công dân cũng được các cơ quan chức năng làm việc tại đây hết sức chú trọng. Anh Trần Phương Thảo ở TP. Đồng Hới, trở về từ Lào, từng thực hiện cách ly y tế tại đây cho hay: "Suốt thời gian ở khu cách ly, chúng tôi không chỉ được theo dõi sức khỏe, mà còn được bố trí nơi nghỉ hợp lý, đặc biệt, bữa ăn do bộ phận hậu cần Ban chỉ huy Quân sự huyện Bố Trạch nấu rất ngon, thức ăn phong phú, bảo đảm dinh dưỡng. Vì vậy mà trong thời gian cách ly, nhiều người tăng cân rõ rệt…"
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo đảm ATTP còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Theo bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, một trong những rào cản hiện nay là ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng ATTP và trách nhiệm của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng còn nhiều hạn chế. Việc kiểm tra thực phẩm kinh doanh chủ yếu bằng trực quan, bằng mắt thường vì chưa được trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, thiết bị phù hợp nên hiệu quả chưa cao….   
 
Từng bước khắc phục khó khăn, vướng mắc, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm bảo đảm ATTP, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, các cơ sở giết mổ tự phát, không bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP; đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, tập trung vào nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất.
 
Một trong những nhiệm vụ được tập trung chú trọng là tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp áp dụng thực hành nông nghiệp tốt; tổ chức liên kết, kết nối thị trường tiêu thụ giữa các nhà sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói thực phẩm đã được chứng nhận sản xuất thực phẩm an toàn, tạo cơ hội cho sản phẩm có chất lượng được bày bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài tỉnh.
 
Toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo đảm ATTP, có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn nhằm nhằm nâng cao vai trò, phát huy trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh.
 
BOX: Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã phối hợp triển khai thanh tra, kiểm tra 3.533 lượt cơ sở. Qua đó, phát hiện 397 cơ sở vi phạm các điều kiện về ATTP. Đa số các cơ sở vi phạm đều kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về bảo quản thực phẩm...
 
Hoạt động hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến được đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 43 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn). Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 13 điểm kinh doanh được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông-lâm-thủy sản an toàn với 20 sản phẩm được chứng nhận...
 
                                                            Nh. V