Vững vàng nơi tuyến đầu chống dịch

  • 07:52 | Chủ Nhật, 07/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, những “chiến sỹ áo trắng” luôn phải đối mặt với nhiều nhiều khó khăn, thách thức. Thế nhưng, bằng bản lĩnh nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, họ đã không quản ngại gian nan, vất vả để mang lại sức khỏe, niềm vui cho mỗi người dân, mỗi gia đình, cộng đồng xã hội.
 
Có những hy sinh…
 
21 năm gắn bó với công tác y tế dự phòng, bác sỹ Huỳnh Công Hùng, phụ trách Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình chưa bao giờ phải căng mình vì công việc như năm 2020 bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Điện thoại thường trực, lương khô, mì tôm luôn chuẩn bị sẵn, bác sỹ Hùng sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào nhận được thông tin có trường hợp liên quan đến người mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh, không kể ngày nghỉ, ngày lễ, sáng sớm hay đêm khuya. 
Bác sỹ Phạm Thị Lệ Quyên thực hiện xét nghiệm Covid-19 tại đơn vị.
Bác sỹ Phạm Thị Lệ Quyên thực hiện xét nghiệm Covid-19 tại đơn vị.

Vất vả nhất là quãng thời thời gian từ cuối tháng 1 đến hết tháng 4, khi lượng người nhập cảnh về Cửa khẩu quốc tế Cha Lo tăng lên hàng ngày, các khu cách ly tập trung hầu như quá tải, bác sỹ Hùng cùng những đồng nghiệp của mình phải liên tục đi cơ sở để điều tra, tiếp xúc các đối tượng nhằm phân loại và đưa về các khu cách ly. 

Công việc nhiều nhưng đòi hỏi phải đáp ứng nhanh nên lực lượng ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 như bác sỹ Hùng hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, có hôm phải bỏ bữa mới có thể hoàn thành công việc. Với bề dày kinh nghiệm trong công tác y tế dự phòng và bằng sự tận tâm với công việc, bác sỹ Hùng đã bám sát các địa bàn, truy vết chặt chẽ hầu hết các trường hợp có liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
 
Khi dịch bệnh tạm thời lắng xuống, bác sỹ Hùng tự thưởng cho mình bằng việc tham gia kỳ nghỉ dưỡng tại Vinpearl Phú Quốc do Tập đoàn Vingroup cùng Vietnam Airlines tổ chức nhằm tri ân lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng, vừa đặt chân đến Vinpearl Phú Quốc, bác sỹ Hùng nhận được điện thoại là phát hiện 1 trường hợp tái dương tính với Covid-19 tại Quảng Bình nên anh đã phải trở về trong đêm, đến ngay hiện trường và bắt tay vào công việc.
 
Không chỉ vất vả vì áp lực công việc, anh cũng như nhiều đồng nghiệp khác còn trải qua những khó khăn nhất định, như người dân kỳ thị, xa lánh bởi biết anh tiếp xúc với nhiều người có nguy cơ mắc bệnh. “Chúng tôi luôn xác định công việc dự phòng đòi hỏi phải đi trước, về sau, có đi tận nơi, tiếp xúc đúng đối tượng mới có thể kiểm soát tốt dịch bệnh. Chúng tôi đã chọn nghề này thì chắc chắn phải chấp nhận có sự hy sinh…”, bác sỹ Hùng trải lòng.
 
“Bởi chúng tôi là lính”
 
“Thành Covid-19” là biệt danh mà anh em chiến sỹ thường gọi bác sỹ Phan Văn Thành, Chủ nhiệm Quân y Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó ban Quân-Dân y kết hợp tỉnh. Sở dĩ có biệt danh trên là bởi trong suốt cả năm 2020, người bác sỹ áo lính này luôn sát cánh cùng đội ngũ cán bộ y tế và các chiến sỹ triển khai các hoạt động đón, cách ly tập trung cho các đối tượng có liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Bác sỹ Thành tâm sự: Thực hiện nhiệm vụ cách ly y tế là nhiệm vụ mới, lần đầu tiên quân đội tham gia nên bước đầu các anh gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. 
 
Bác sỹ Phan Văn Thành sơ cứu cho một trường hợp ngay tại khu cách ly.
Bác sỹ Phan Văn Thành sơ cứu cho một trường hợp ngay tại khu cách ly.
Nhưng với quyết tâm cao, các đơn vị đều triển khai tốt mọi hoạt động, được các cấp, ngành và nhân dân đánh giá cao. Cũng giống như bác sỹ Huỳnh Công Hùng, bác sỹ Thành luôn mất ăn, mất ngủ vì dịch bệnh, thường xuyên đi cơ sở, bám địa bàn và túc trực tại các khu cách ly để kiểm tra theo dõi sức khỏe các đối tượng. Suốt mấy tháng trời không được về nhà, bác sỹ Thành và đồng đội của mình luôn động viên nhau, hỗ trợ nhau để triển khai tốt công việc.
 
Anh kể: “Có những lúc mệt nhoài vì cường độ làm việc liên tục song vì bà con kiều bào về rất đông, có người già, trẻ em đang chờ đợi để thực hiện cách ly y tế nên chúng tôi phải cố gắng giải quyết một cách nhanh nhất nhưng phải bảo đảm an toàn, đúng quy định. Chứng kiến cảnh bộ đội phải vào rừng đào hầm tạm trú để nhường doanh trại cho người cách ly, hay nhiều người dân ở các địa phương tình nguyện vào các khu cách ly nấu cơm giúp bộ đội phục vụ bà con và cả những món quà "cây nhà lá vườn" do bà con mang đến…, chúng tôi rất cảm động, thấy yêu hơn màu áo và công việc mà mình đang làm.
 
Chúng tôi cảm nhận được rằng, trong khó khăn, tình quân dân càng thêm gắn kết và chính điều đó tạo động lực cho chúng tôi vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện tại, chúng tôi đang kích hoạt hệ thống cách ly tập trung nhằm dự phòng số người trở về tăng trong dịp Tết Nguyên đán và tăng cường công tác giám sát, truy vết các trường hợp nhập cảnh trái phép nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh, góp phần bảo đảm cho người dân được vui xuân, đón Tết an toàn, vui tươi. Chúng tôi không ngại khổ bởi chúng tôi là lính mà.”, bác sỹ Thành chia sẻ.
 
Hoa giữa đời thường
 
Trong bộ quần áo bảo hộ và tấm khẩu trang kín mít, những cán bộ làm công tác xét nghiệm của Khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh-Thăm dò chức năng thuộc CDC Quảng Bình vẫn toát lên vẻ đẹp đời thường, vẻ đẹp của người cán bộ tận tuỵ, hết lòng vì công việc. Bác sỹ Phạm Thị Quyên, một cô gái trẻ nhưng rất bản lĩnh, tự tin khi đối diện với công việc không hề đơn giản chút nào, đó là hàng ngày đến các khu cách ly, những nơi có người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 để lấy mẫu rồi thận trọng thực hiện các thao tác trong phòng xét nghiệm để đưa ra kết quả sớm, chính xác. 
Lực lượng quân đội và y tế đã phối hợp triển khai tốt các nhiệm vụ cách ly y tế tập trung cho người dân.
Lực lượng quân đội và y tế đã phối hợp triển khai tốt các nhiệm vụ cách ly y tế tập trung cho người dân.
Quyên tâm sự: "Tôi về công tác tại CDC chưa lâu thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới và một số tỉnh, thành phố của Việt Nam. Là dịch bệnh mới, lây nhiễm nhanh nên ban đầu chúng tôi cũng có chút lo lắng nhưng vì tinh thần trách nhiệm với công việc nên chúng tôi luôn tuân thủ các theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, các quy định về an toàn sinh học để thực hiện tốt nhiệm vụ."
 
Âm thầm phía sau cánh cửa phòng xét nghiệm, Quyên và các đồng nghiệp luôn phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh và áp lực công việc. Thế nhưng, mỗi cán bộ y tế của CDC luôn lạc quan và làm việc với tinh thần “gọi lúc nào có mặt lúc đó” để hoàn thành tốt công việc được giao.
 
Từ khi đưa vào sử dụng hệ thống xét nghiệm Realtime RT-PCR (11-4-2020) đến nay, CDC đã thực hiện được 4.296 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 (tính đến ngày 13-1-2021), trong đó, phát hiện có 1 mẫu tái dương tính với SARS-CoV-2. Với sự nỗ lực đó, ngày 12-1-2021, Khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh của CDC Quảng Bình đã được Viện Pasteur Nha Trang trao Quyết định số 94/QĐ-IPN về việc được phép xét nghiệm khẳng định các trường hợp SARS-CoV-2 dương tính trên địa bàn tỉnh và thực hiện khẳng định cho các địa phương khác khi có yêu cầu.
 
Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực của cả tập thể CDC Quảng Bình trong đó có vai trò to lớn của những cán bộ làm công tác xét nghiệm. Họ là những bông hoa đời thường, là những điển hình của ngành Y tế trong công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
 
Đến thời điểm này, tỉnh ta là một trong những địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Để có được thành quả đó chính là nhờ sự chung tay của nhiều lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Chính sự dấn thân và những hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch này đã mang lại niềm vui cho mỗi người dân, góp phần tạo nên thành quả chung của cả nước trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
 
Nh.V