Sẵn sàng thực hiện thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

  • 14:28 | Thứ Sáu, 26/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với đặc thù là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, thực hiện khám, chữa bệnh (KCB) theo phương pháp kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền, những năm qua, Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh đã nỗ lực tạo được niềm tin cho người dân khi đến KCB tại đây, nhất là những người bệnh mắc các bệnh lý về thần kinh, cơ xương khớp và các bệnh mạn tính.
 
Năm 2021, thực hiện thông tuyến tỉnh trong KCB bảo hiểm y tế, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
 
Theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật BHYT, từ ngày 1-1-2021, người tham gia BHYT khi đi KCB không đúng tuyến tại cơ sở KCB tuyến tỉnh sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp KCB đúng truyến.
 
Bệnh viện Y Dược cổ truyền Quảng Bình là tuyến KCB chuyên khoa Y học cổ truyền cao nhất của tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc cho người bệnh khi thực hiện thông tuyến tỉnh BHYT, từ năm 2020, bệnh viện đã có kế hoạch sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất và đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại. 
Cán bộ Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh đang điều trị bằng laser nội mạch cho bệnh nhân tăng huyết áp, thoái hóa khớp gối và đơn dây thần kinh chi trên.
Cán bộ Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh đang điều trị bằng laser nội mạch cho bệnh nhân tăng huyết áp, thoái hóa khớp gối và đơn dây thần kinh chi trên.
Bệnh viện đã triển khai thêm các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, tranh thủ sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên (như Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương…) để đào tạo tại chỗ, chuyển giao các kỹ thuật mới cho bệnh viện theo Đề án 1816 của Bộ Y tế.
 
Bác sỹ CK II Trần Xuân Phú, Giám đốc Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh cho biết: “Việc thông tuyến tỉnh BHYT sẽ tạo cơ hội cho người bệnh được hưởng dịch vụ y tế tốt hơn, người bệnh được quyền lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào theo đúng nhu cầu của mình, dù thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện, hay bất kỳ cơ sở y tế nào trên toàn quốc. Đối với bệnh viện tuyến tỉnh như chúng tôi, cần có sự đầu tư tương xứng về cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị cũng như nhân lực, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu KCB của người dân.”
 
Bà Hoàng Thị Ty, 67 tuổi, trú tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy bị căn bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và thắt lưng, đã điều trị tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh nhiều đợt cho biết: “Tôi bị căn bệnh này đã lâu, cũng đã điều trị nhiều nơi nhưng bệnh đỡ ít rồi lại tái phát. Sau đó, được bà con giới thiệu nên tôi đến Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh điều trị. Qua quá trình điều trị nay căn bệnh thoát vị đĩa đệm của tôi đã đỡ hẵn, trước đây không thể tự đi lại được nhưng nay tôi đã đi lại, tự phục vụ được bản thân.
 
Đợt trước, để được hưởng BHYT đúng tuyến khi điều trị nội trú tại bệnh viện, tôi phải xin giấy chuyển tuyến từ bệnh viện huyện đến, có đợt do đau quá nên tôi đến thẳng bệnh viện điều trị thì phải chi trả 60% tiền viện phí mặc dù BHYT của tôi được hưởng 100%. Năm nay, biết tin thông tuyến tỉnh BHYT tôi mừng lắm.”
 
“Thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT mới được triển khai từ ngày 1-1-2021 nên nhiều người dân chưa được biết đến, vì thế, thời gian tới, bệnh viện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu, nắm rõ và có sự lựa chọn địa chỉ KCB đúng theo nhu cầu của mình”, bác sỹ Trần Xuân Phú, Giám đốc Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh cho biết thêm.
 
Thực tế, khi thực hiện thông tuyến tỉnh, thì số lượng người dân đến Bệnh viện Y Dược cổ truyền sẽ gia tăng, về lâu dài tình trạng quá tải có thể xảy ra. Vì thế, bệnh viện đã có sự chuẩn bị trước để đáp ứng nhu cầu người bệnh. Về cơ sở vật chất, bệnh viện đã mở thêm bàn khám, kê thêm giường bệnh nội trú, đồng thời, đã đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị nhất là các máy điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng như: điện xung, sóng ngắn, từ trường, laser chiếu ngoài, laser nội mạch…
 
Bệnh viện sẽ phát huy thế mạnh chữa trị bằng các phương pháp y học cổ truyền như: châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động kết hợp điều trị bằng vật lý trị liệu-phục hồi chức năng. Song song với việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại, bệnh viện còn chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng về trình độ, tay nghề, thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật những thông tin, kiến thức mới về việc kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân nặng, bệnh mãn tính được điều trị đạt kết quả khả quan.
 
Bác sỹ CKI, Lê Thị Loan, Trưởng khoa Châm cứu-Phục hồi chức năng Bệnh viện Y Dược cổ truyền cho biết: “Hiện tại, bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa có khoảng 80% bệnh nhân trái tuyến, chủ yếu là người cao tuổi ở các huyện xa về điều trị. Vì vậy, việc thông tuyến tỉnh BHYT đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều về mặt chi phí điều trị cho bệnh nhân, giúp họ an tâm ở lại điều trị nội trú tại bệnh viện”.
 
Với sự chuẩn bị đồng bộ về cơ sở vật chất cũng như nhân lực, chuyên môn, tin tưởng rằng Bệnh viện Y Dược cổ truyền Quảng Bình sẽ đáp ứng tốt nhu cầu KCB ngày càng tăng của người dân trên địa bàn tỉnh.
 
                                                                                            Hoàng Loan