Tập trung phòng, chống dịch bệnh sau lũ

  • 10:24 | Thứ Tư, 25/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau một thời gian mưa lũ kéo dài, ngập úng cục bộ, các loại dịch bệnh, như: đau mắt đỏ, viêm da, sốt xuất huyết…, có nguy cơ bùng phát. Trước vấn đề này, ngành y tế huyện Lệ Thủy đang tích cực triển khai các biện pháp để phòng, chống.
 
Trong trận lũ lịch sử vừa qua, toàn huyện Lệ Thủy có 20 xã với trên 24.000 nhà dân, 8.200 giếng nước và hàng chục nghìn nhà vệ sinh bị ngập trong nước lũ. Mưa lũ cũng đã làm hầu hết các trạm y tế lẫn Trung tâm y tế huyện bị ngập, gây thiệt hại ước tính trên 3,4 tỷ đồng. Đặc biệt, sau lũ, lượng rác thải khá nhiều, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh.
 
Trước khó khăn đó, Trung tâm y tế huyện Lệ Thủy cùng các trạm y tế quyết tâm nỗ lực để hoàn thành tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là công tác phòng, chống các loại dịch bệnh sau lũ.
 
Ngay sau khi lũ rút, đơn vị đã khẩn trương khắc phục, sửa chữa trụ sở làm việc, khu vực khám bệnh và bắt tay ngay vào công tác phòng, chống dịch bệnh.
 
Trung tâm đã tiếp nhận và cấp 20 cơ số thuốc chữa bệnh cho các trạm y tế; 450kg Cloramin B và 50.000 viên Cloramin B, trên 110.000 viên Aquatab, 1.000 gói chế phẩm để các trạm y tế giúp nhân dân xử lý nguồn nước. Trong đợt lũ trước, Trung tâm cũng đã cấp 150kg Cloramin B, 2 cơ số thuốc về hỗ trợ các xã. Ngoài ra, một số đơn vị trên địa bàn cũng được cấp các loại hóa chất để hỗ trợ bà con xử lý nguồn nước sinh hoạt kịp thời.
 
Lực lượng cán bộ, y bác sỹ của Trung tâm đã tổ chức thành từng nhóm về phun hóa chất khử trùng môi trường cho gần 50 trường học, điểm trường, chợ, trụ sở cơ quan Nhà nước…
Trung tâm y tế huyện Lệ Thủy tích cực triển khai khử trùng, vệ sinh môi trường sau lũ.
Trung tâm y tế huyện Lệ Thủy tích cực triển khai khử trùng, vệ sinh môi trường sau lũ.
Bác sĩ Nguyễn Công Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy cho biết: “Mưa lũ kéo dài gây ngập úng cục bộ là điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh bùng phát. Để ứng phó, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm cũng đã tập trung xử lý môi trường, nhất là những nơi tập trung đông người, như: trường học, chợ, trụ sở làm việc”.
 
Cô giáo Phạm Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Thủy cho hay: “Thời gian qua, nhà trường đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lực lượng y tế về tuyên truyền, hướng dẫn cách vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử trùng trong khu vực trường và xử lý nguồn nước. Nhờ đó, trường đã có nguồn nước sạch để sinh hoạt và yên tâm tổ chức cho học sinh đến trường học tập".  
 
Hiện các trạm y tế trên địa bàn huyện Lệ Thủy đang đồng loạt xử lý nguồn nước giếng khơi bằng hóa chất Cloramin B bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn sau lũ. Ngoài ra, công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp, phụ khoa…, được thực hiện với tần suất cao hơn.
 
Bác sỹ Lê Quang Ninh, Trưởng trạm Y tế xã Xuân Thủy cho biết: “Để phòng, chống dịch bệnh sau lũ, Trạm cùng đội ngũ y tế thôn và các lực lượng thường xuyên tuyên truyền cho người dân vệ sinh môi trường, lật úp các vật dụng chứa nước để hạn chế khả năng sinh sôi của muỗi; tổ chức đến từng gia đình hướng dẫn việc bơm nước làm sạch giếng, sau đó khử trùng nguồn nước bằng Cloramin B để tránh các bệnh liên quan. Trên địa bàn có một số trường hợp mắc bệnh ngoài da đã được chúng tôi cấp thuốc điều trị kịp thời”.
 
Nhờ sự nỗ lực của Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế xã trong việc xử lý môi trường, nguồn nước và tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh nên đến nay, bà con vùng lũ huyện Lệ Thủy đủ nước sạch để sử dụng với trên 8.000 cái giếng khơi, hàng chục nghìn bể chứa nước của gia đình đã được xử lý bằng hóa chất. Riêng các loại dịch bệnh thường xuất hiện sau lũ đang được khống chế thành công, tình hình sức khỏe người dân vùng lũ cơ bản ổn định…
Xuân Vương