Tuyên Hóa và những bước tiến trong công tác dân số

  • 09:02 | Thứ Ba, 24/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2019, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của huyện miền núi Tuyên Hóa đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Theo đó, tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm; chênh lệnh giới tính cũng đã giảm đáng kể; các mô hình nâng cao chất lượng DS được nhân rộng và hoạt động ngày càng hiệu quả...
 
Tuyên Hóa là huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tư tưởng “đông con hơn đông của” vẫn còn hiện hữu, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ vẫn còn thiếu thốn… Tuy nhiên, bằng những giải pháp kịp thời và cách làm phù hợp, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Theo đó, năm 2019, tỷ suất sinh thô đạt 12,97‰, giảm 0,56 ‰ so với năm 2018; số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên chiếm tỷ lệ 16,86%, giảm 0,6% so với năm 2018; chênh lệch giới tính khi sinh là 106 nam/100 nữ (năm 2018:108 nam/100 nữ). Tổng số người mới áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 112,8 % kế hoạch. Để có được kết quả đó, ngoài sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đội ngũ làm công tác DS từ chuyên trách đến các cộng tác viên không ngại khổ, ngại khó đến tận thôn, bản, gia đình để tuyên truyền về SKSS-KHHGĐ.
"Đi từng nhà, ra từng đối tượng" là cách tuyên truyền hiệu quả của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số huyện Tuyên Hóa.
Điển hình như xã Đồng Hóa. Toàn xã hiện có 827 hộ, 3.909 nhân khẩu, trong đó, đồng bào công giáo chiếm 23%. Những năm trước đây, chuyện những gia đình có tới 5-6 đứa con được xem là bình thường, thậm chí có nhà lên tới 9-10 người con vì quan niệm “đông con hơn đông của” còn hiện hữu trong mỗi gia đình. Thế nhưng, những năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên nơi đây giảm một cách rõ rệt. Năm 2015, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã là 41%, năm 2017 là 32% thì năm 2018 giảm xuống còn 21,7% và năm 2019 còn 17,5%. Đây là nỗ lực không nhỏ của đội ngũ cán bộ DS địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động.
 
Chị Hoàng Thị Thanh Tâm, cán bộ DS xã Đồng Hóa cho biết: "Để từng bước thay đổi nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ, quan trọng nhất vẫn là khâu tuyên truyền. Đội ngũ làm công tác DS chúng tôi phải “đến tận nhà, rà từng đối tượng”, nhất là những gia đình sinh con một bề để tuyên truyền, vận động; đồng thời, còn lồng ghép nội dung DS-KHHGĐ vào các buổi họp thôn, sinh hoạt Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân để tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, phương pháp và nội dung tuyên truyền của chúng tôi cũng thường xuyên được đổi mới để thu hút sự quan tâm của người dân". 
 
Bên cạnh các chỉ tiêu luôn vượt kế hoạch, các mô hình nâng cao chất lượng DS ở Tuyên Hóa cũng thường xuyên được duy trì và phát triển; trong đó, mô hình sàng lọc trước sinh, sơ sinh được triển khai và thực hiện hiệu quả trên toàn huyện. Hàng năm, Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa ký hợp đồng với Bệnh viện đa khoa huyện Tuyên Hóa để thực hiện mô hình. Năm 2019, đã có 183 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, đạt 20,6%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao 0,4%; 161 trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh, đạt 39,8%, vượt 19,6% kế hoạch tỉnh giao.
 
Đặc biệt, nhờ sàng lọc trước sinh và sơ sinh nên đã phát hiện 13 trẻ có nguy cơ cao thiếu men G6PD, 3 trẻ nguy cơ cao suy giáp bẩm sinh để có hướng xử lý kịp thời. Mô hình “Tư vấn chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” cũng được triển khai đồng bộ. Năm 2019, Tuyên Hóa đã nhân rộng thêm mô hình tại xã Tiến Hóa, Thạch Hóa và thị trấn Đồng Lê. Dự kiến trong thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục nhân rộng để người cao tuổi luôn được tư vấn, chăm sóc sức khỏe.
 
Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ ở Tuyên Hóa vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao, trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ còn nhiều (năm 2019 có 20 trường hợp). Nhận thức của một số bộ phận nhân dân chưa cao nên hiệu quả của việc tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi hành vi về thực hiện DS-KHHGĐ chưa đạt được kết quả như mong muốn. Chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; khả năng tiếp cận thông tin, dịch vụ về SKSS của lứa tuổi vị thanh niên, thanh niên chưa đầy đủ, sự hiểu biết về vấn đề SKSS, sức khỏe tình dục đang còn hạn chế.
 
Ông Vũ Xuân Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa cho biết, công tác DS-KHHGĐ là một chiến lược lâu dài và quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, thời gian tới, huyện mong muốn các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm hơn nữa để tạo chuyển biến trong cộng đồng, đưa ra các giải pháp mang tính thiết thực, vững chắc, từ đó, triển khai hiệu quả công tác DS-KHHGĐ nói chung và hạn chế việc sinh con thứ 3 trở lên nói riêng trên địa bàn huyện. 
 
Thanh Hoa