Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy: Tích cực phòng, chống dịch sốt xuất huyết

  • 21:56 | Chủ Nhật, 08/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian gần đây, dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Nhằm khống chế và ngăn dịch không lây lan mạnh, Trung tâm Y tế huyện đã tích cực triển khai công tác phòng, chống như: phun thuốc diệt muỗi, điều trị bệnh và kết hợp tuyên truyền cho người dân.
 
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy, dịch sốt xuất huyết (SXH) xuất hiện trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay với 27/28 xã có người mắc bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát mạnh vào tháng 10 và tháng 11. Riêng trong hai tháng này, toàn huyện có trên 1.000 ca bệnh. Các địa phương có người mắc bệnh nhiều tập trung ở các xã vùng giữa và vùng quốc lộ 1A. 
 
Bác sỹ Lại Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy lý giải: “Những tháng cuối năm, thời tiết mưa nhiều, nước đọng đã tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn thiếu ý thức về công tác phòng, chống đã dẫn đến dịch bệnh bùng phát”.
 
Để đối phó với dịch bệnh SXH, ngày từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy đã lập kế hoạch phòng, chống như: thành lập ban chỉ đạo, dự trù thuốc men, hóa chất; chủ động giám sát các ổ dịch từ những năm trước ở các xã An Thủy, Lộc Thủy, Cam Thủy, Thanh Thủy… Hàng tháng, đơn vị cũng chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các cơ sở y tế trên địa bàn điều tra côn trùng tại các xã trọng điểm để đưa ra nhận định tình hình, giám sát ca bệnh nghi mắc SXH.
 
Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại xã Thanh Thủy, trung tâm đã cho điều tra côn trùng để xác định nguồn, làm công văn thông báo cho các xã, thị trấn; hướng dẫn, chỉ đạo các trạm y tế làm vệ sinh môi trường, tổ chức công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, điều tra xã hội học để hiểu được nhận thức của người dân cũng như chính quyền địa phương về tác hại của SXH đến mức độ nào. 
Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy phun hóa chất diệt muỗi.
Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy phun hóa chất diệt muỗi.
Trung tâm cũng đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ trạm y tế các địa phương về công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc bệnh và nghi mắc bệnh; hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng, chống SXH; lập kế hoạch cấp phát thuốc, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi. Đến nay, trung tâm đã sử dụng 200 lít hóa chất phun phòng, chống dịch cho 15.000 hộ gia đình và một số cơ quan trên địa bàn với 52.500 lượt người được bảo vệ.
 
Bác sỹ Nguyễn Thị Nhung, Trưởng trạm y tế xã Liên Thủy chia sẻ: “Thời gian vừa qua, trạm y tế xã thường xuyên nhắc nhở bà con dọn dẹp vệ sinh khu vực quanh nhà, phát quang bờ bụi rậm ven đường để muỗi không có nơi trú ngụ; tuyên truyền cách phòng tránh và các dấu hiệu nhận biết về bệnh SXH trên loa đài truyền thanh của khu dân cư. Đến thời điểm này đã hoàn thành công tác phun phòng dịch trên địa bàn”.
 
Xã Liên Thủy là địa phương có người mắc bệnh SXH cao nhất của huyện Lệ Thủy. Riêng trong tháng 10 và tháng 11-2019, cả xã có 184 ca mắc bệnh. Xã có đặc thù trũng thấp, nhiều ao hồ, kênh rạch là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, lây lan, nhất là dịch bệnh SXH.
 
Chị Mai Thị Hồng, một bệnh nhân SXH ở thôn Quy Hậu chia sẻ: “Do lơ là trong công tác phòng, chống SXH nên tôi bị mắc bệnh. Sau khi điều trị xong, tội được cán bộ y tế về tuyên truyền, phun hóa chất diệt muỗi nên tôi cũng đã yên tâm phần nào”. Nhận thức được tác hại của SXH, chị Hồng đã chủ động làm vệ sinh quanh vườn nhà bằng cách phát hết cỏ, đậy những vật dụng đọng nước trong nhà lẫn ngoài vườn, thường xuyên đập muỗi ở những nơi có bóng tối trong nhà.
 
Bác sỹ Lại Văn Hải nhận định: “Hiện, thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, tạo thuận lợi cho muỗi sinh sôi, gây bệnh cho người dân. Để phòng, chống dịch, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường giám sát tình hình, không để dịch bùng phát. Trung tâm cũng tiếp tục tổ chức điều tra côn trùng tại các nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tuyền truyền cho người dân làm vệ sinh môi trường, phun hóa chất để chủ động phòng dịch”.
 
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, chỉ đạo phòng, chống nên tỷ lệ người mắc bệnh SXH trên địa bàn huyện Lệ Thủy ít hơn so với nhiều địa phương trong tỉnh. Thời điểm này, huyện Lệ Thủy cũng đang kiểm soát tốt dịch bệnh, giám sát chặt chẽ các đối tượng mắc và nghi mắc bệnh, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan…
 
Xuân Vương