Thị xã Ba Đồn: Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

  • 09:45 | Thứ Tư, 13/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thị xã Ba Đồn đang diễn biến khá phức tạp, có nguy cơ lan rộng. Trước tình hình này, ngành Y tế thị xã Ba Đồn đã triển khai nhiều biện pháp khống chế không để dịch bệnh bùng phát diện rộng, đồng thời kêu gọi cộng đồng chung tay phòng, chống dịch bệnh.
 
Theo số liệu từ Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn, từ đầu năm đến ngày 31-10-2019, toàn thị xã có 1.549 ca bệnh SXH, riêng tháng 10-2019 có 390 ca bệnh SXH dương tính với tets nhanh NS1 (trong đó có 1 ca tử vong). Các xã, phường có số lượng người bệnh mắc SXH nhiều nhất là: Ba Đồn, Quảng Thọ, Quảng Long, Quảng Phong, Quảng Thuận, Quảng Minh, Quảng Sơn...
 
Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn đã phối hợp với chính quyền địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn. Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ y tế giám sát định kỳ và đột xuất các chỉ số bọ gậy, muỗi vằn, vectơr truyền bệnh và các ca bệnh tại các xã, phường. Đặc biệt, chú trọng các địa phương có ca bệnh và yếu tố dịch tể có nguy cơ cao để kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống.
 Cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn tiến hành phun thuốc diệt muỗi tại các xã, phường trên địa bàn.
Cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn tiến hành phun thuốc diệt muỗi tại các xã, phường trên địa bàn.
Ông Trương Thanh Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn cho biết, tình hình bệnh SXH trên địa bàn thị xã có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp do thời tiết thay đổi theo mùa. Để phòng, chống dịch bệnh SXH hiệu quả, trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông lưu động để nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong phòng, chống SXH tại các gia đình và huy động cả cộng đồng tham gia phòng, chống bệnh SXH.
 
Trung tâm Y tế thị xã đã chỉ đạo các trạm y tế phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) nhằm phòng, chống dịch bệnh SXH; phun hóa chất phòng, chống dịch, xây dựng các đội phòng, chống dịch; phát thuốc và dịch truyền hỗ trợ các trạm y tế xã, phường trong công tác phòng, chống bệnh SXH. Trung tâm Y tế thị xã phối hợp với các địa phương và trạm y tế xã, phường tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các xã, phường có nguy cơ bùng phát bệnh SXH, như: Quảng Sơn, Quảng Thọ, Ba Đồn, Quảng Hòa, Quảng Thuận, Quảng Tân, Quảng Long…
 
Theo bác sỹ Nguyễn Viết Thái, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 3.000 ca bệnh mắc SXH và những tháng gần đây, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải vì bệnh nhân đến điều trị SXH. Bệnh viện đã phải huy động tất cả nguồn nhân lực, tận dụng giường bệnh ở các phòng, ban, kể cả hành lang để tập trung điều trị cho bệnh nhân. Thời điểm hiện tại, bệnh viện đang điều trị 190 ca bệnh SXH.
 
Hiện nay, thời tiết thay đổi thất thường, bệnh SXH có nguy cơ bùng phát rất cao. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng bằng cách tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để phòng, chống bệnh. Biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất là vệ sinh môi trường xung quanh nhà sạch sẽ, khơi thông cống rãnh để tránh nước tù đọng, dọn dẹp các chai lọ, lu, bình có chứa nước, phát quang bụi rậm; thực hiện ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
 
“Hiện tại, chúng tôi đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống SXH; chủ động nắm chắc tình hình và triển khai công tác dập dịch tại các nơi có ca mắc và nơi có nguy cơ cao. Tuy nhiên, việc phòng, chống dịch SXH trên địa bàn còn một số khó khăn nhất định. Công tác diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành chưa triệt để; tập quán lưu trữ nước ở một số vật dụng sinh hoạt của người dân còn khá phổ biến, tạo cho muỗi vằn có môi trường sinh sôi, phát triển. Công tác vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương chưa thật sự vào cuộc, xem công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ của ngành Y tế; kinh phí, nguồn hóa chất để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế, trung tâm chủ yếu tranh thủ sự hỗ trợ của thị xã và hóa chất cấp từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh”, ông Tân cho hay. 
Người dân xã Quảng Lộc (thị xã Ba Đồn) dọn dẹp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh SXH.
Người dân xã Quảng Lộc (thị xã Ba Đồn) dọn dẹp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh SXH.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình bệnh SXH tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, Trung tâm Y tế thị xã tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khống chế và kiểm soát dịch bệnh SXH, không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc, tử vong do dịch bệnh SXH, khoanh vùng và xử lý triệt để 100% ổ dịch SXH. Thị xã huy động tất cả các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cùng chung tay tổ chức diệt bọ gậy nhằm ngăn chặn sự lây lan và bùng phát dịch bệnh SXH trên địa bàn; tăng cường tổ chức công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống SXH tại các xã, phường, cơ quan, đơn vị…
 
Bên cạnh nỗ lực của ngành Y tế và chính quyền các địa phương, người dân cần tuân thủ khuyến cáo mà ngành Y tế đưa ra, đồng thời chủ động tìm hiểu thông tin về tình hình dịch bệnh SXH để có thái độ đúng đắn đối với căn bệnh này. Theo đó, trước tiên, người dân cần nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh để có hướng điều trị kịp thời. Khi bị SXH, bệnh nhân sẽ bị sốt cao kèm theo triệu chứng đau nhức cơ thể, chán ăn. Sốt kéo dài từ 2-5 ngày, sau đó sẽ xuất hiện các nốt phát ban, chảy máu chân răng, nếu bệnh nặng thì có thể dẫn đến chân tay lạnh, đau bụng, trụy mạch, vã mồ hôi, có biểu hiện xuất huyết nội tạng. Khi nghi ngờ bị SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.
 
L.Chi