Đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng hàng hóa sức khỏe sinh sản

  • 10:02 | Thứ Hai, 11/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/chăm sóc sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/CSSKSS) (Đề án 818) được xem là một trong những giải pháp huy động đóng góp của xã hội cho công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng các PTTT, các dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS từ miễn phí sang tự chi trả.
 
Những năm trước đây, người dân sử dụng PTTT và hàng hóa SKSS hoàn toàn được miễn phí. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, các dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS chỉ cấp miễn phí cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống tại các xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng có mức sinh cao, người đi biển dài ngày... có nhu thực hiện các biện pháp tránh thai. Những đối tượng còn lại chi trả dịch vụ. 
 
Tại tỉnh ta, Đề án 818 được triển khai từ năm 2016 trên toàn tỉnh và hiện vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Để đề án phát huy hiệu quả, Chi cục DS-KHHGĐ đã tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 24-2-2017 về việc phê duyệt Đề án 818 tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020. Ngoài ra, Chi cục DS-KHHGĐ đã ban hành Công văn số 272/CCDS ngày 26-9-2016 về việc hướng dẫn thực hiện phân phối sản phẩm PTTT, hàng hóa SKSS gửi Trung tâm  DS-KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố; Công văn 1096/SYT-CCDS ngày 10-6-2019 về việc tiếp tục triển khai Đề án 818 đáp ứng tình hình mới. 
Vai trò của đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số trong công tác xã hội hóa PTTT và hàng hóa SKSS là rất lớn.
Vai trò của đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số trong công tác xã hội hóa PTTT và hàng hóa SKSS là rất lớn.
Hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Dân số các huyện, thị xã, thành phố tích cực truyền thông, giới thiệu sản phẩm, tư vấn, nâng cao hiểu biết và khả năng lựa chọn của đối tượng để từng bước thay đổi nhận thức của người dân về việc chủ động mua sản phẩm thay vì sử dụng miễn phí các dịch vụ DS-KHHGĐ, thực hiện xã hội hóa các PTTT. Để đa dạng hóa các sản phẩm PTTT và hàng hóa SKSS, tăng khả năng tiếp cận của người dân trên địa bàn tỉnh, Phòng Dân số các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức lồng ghép các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về tiếp thị xã hội các PTTT vào các hội nghị truyền thông qua các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số.
 
Nếu như trước đây, Đề án 818 được thực hiện thí điểm tại 25 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố thì hiện nay, đề án đã được triển khai tại 135/159 xã, phường, thị trấn và đã cung ứng được nhiều PTTT như: bao cao su, viên uống tránh thai... 
 
Huyện Bố Trạch là địa phương triển khai khá thành công các nội dung của Đề án 818. Từ đầu năm đến nay, Phòng Dân số huyện đã đạt 100% kế hoạch được giao. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch cho biết: Để có được thành quả này là nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là sự đóng góp của đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số. Họ tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm bắt tâm lý, nhu cầu của đối tượng để có cách tiếp thị hiệu quả, mạnh dạn lồng ghép hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm tiếp thị xã hội các PTTT vào các hoạt động CSSKSS-KHHGĐ qua các buổi sinh hoạt tại khu dân cư.
 
Tuy nhiên, công tác xã hội hóa PTTT và dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS được triển khai bước đầu cũng còn gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Y tế, phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong công tác xã hội hóa PTTT và dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS là do một bộ phận người dân chưa thoát khỏi tư tưởng “bao cấp” PTTT, dịch vụ KHHGÐ/CSSKSS. Một số ít địa phương chưa thật sự tập trung triển khai cung ứng hàng tiếp thị xã hội và xã hội hóa các PTTT tại đơn vị nên kết quả đạt được rất thấp so với chỉ tiêu được giao.
 
Mặt khác, giá bán lẻ các mặt hàng PTTT và hàng hóa SKSS khá cao; một số sản phẩm cung ứng còn mới chưa được truyền thông, quảng bá rộng rãi trên thị trường nên người tiêu dùng chưa biết đến và còn e ngại khi sử dụng sản phẩm...
 
Do đó, để thực hiện hiệu quả kế hoạch đề án theo Quyết định số 818/QÐ-BYT của Bộ Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ và Phòng Dân số các huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích bằng nhiều hình thức như: cấp, phát tài liệu; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; trực tiếp gặp gỡ đối tượng…nhằm tạo cơ hội cho người dân tiếp cận các sản phẩm thuộc chương trình tiếp thị xã hội của Đề án 818. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai.
 
Phạm Hà