.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết trong cả nước

.
16:41, Thứ Tư, 17/07/2019 (GMT+7)
Trong 5 tuần gần đây số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh tại 34 tỉnh, thành phố của các khu vực như miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, đã có 6 trường hợp tử vong.
Tiến sỹ Lê Xuân Luật khám cho bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm Nhiệt đới. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Tiến sỹ Lê Xuân Luật khám cho bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm Nhiệt đới. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện tại hầu hết các tỉnh thành và có nhiều dấu hiệu cho thấy nếu không tích cực phòng chống dịch thật sớm, mùa dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ gia tăng mạnh.
 
Bệnh nhân 2 năm liên tiếp mắc sốt xuất huyết
 
Tại tại Trung tâm Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh nhân nữ N.T.T (40 tuổi) ở Ba Đình, Hà Nội nguy kịch vì mắc bệnh sốt xuất huyết.
 
Chị T. kể, năm ngoái đã phải vào viện vì bệnh sốt xuất huyết, chị không ngờ năm nay lại tái diễn, tiếp tục mắc bệnh sốt xuất huyết lần nữa.
 
Bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng men gan tăng cao, tăng 20 lần so với người bình thường. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh táo nhưng mệt mỏi, sốt cao, giảm tiểu cầu.
 
Tiến sỹ Lê Xuân Luật - Trung tâm Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, men gan của bệnh nhân T. cao gấp 20 lần người bình thường do sử dụng thuốc hạ sốt tại nhà quá nhiều. Bệnh nhân đã dùng 8 đến 10 viên một ngày.
 
Bác sỹ Luật phân tích, việc bệnh nhân sốt cao triền mien thấy không hạ, trong khi đó lạm dụng việc dùng thuốc hạ sốt liên tục, dùng quá nhiều với số lượng lớn sẽ làm tăng men gan, dẫn tới nguy cơ hoại tử gan. Bệnh nhân đã nhập viện kịp thời để điều trị. Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân mới dần hồi phục và ổn định.
 
Một trường hợp khác là Bệnh nhân Trần Văn Dũng, 22 tuổi, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải (quê ở Hà Nam) mắc sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). Bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện như sốt liên tục, sốt nóng kèm sốt lạnh, tiểu cầu giảm mạnh, chảy máu chân răng, gan to.
 
Bệnh nhân điều trị tại viện đang ngày thứ 5 của bệnh. Qua theo dõi, Dũng đã hết sốt nhưng đang ở giai đoạn nguy hiểm sau khi mắc bệnh sốt xuất huyết với nguy cơ chảy máu, xuất huyết nội tạng. Bệnh nhân đang được các bác sỹ theo dõi sát sao.
 
Từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho hơn 60 bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết. Bác sỹ Luật chỉ rõ, sốt xuất huyết có thể gây biến chứng nguy hiểm như tình trạng thoát mạch, gây truỵ mạch và sốc, hai là biến chứng giảm tiểu cầu gây chảy máu.
 
Diễn biến tự nhiên của bệnh sốt xuất huyết trong ba ngày đầu tiên thường sốt cao nhưng ít có biến chứng, từ cuối ngày thứ ba trở đi, sốt có thể hạ nhưng lại có nguy cơ xảy ra những biến chứng kể trên.
Vì vậy, người bệnh khi thấy sốt, cần đi xét nghiệm để xem có phải mắc bệnh sốt xuất huyết hay không để có các tình huống lưu ý. Bởi đối với những bệnh nhân không có người chăm sóc bên cạnh, người sống đơn thân, trẻ em, bệnh nhân không nên chủ quan khi thấy sốt đã giảm và có những biểu hiện mệt lả, đau bụng, buồn nôn, tiểu ít hoặc chảy máu bất thường, thì cần đến bệnh viện ngay để xác định tình trạng biến chứng và có xử lý kịp thời, tránh tình trạng sốc hoặc chảy máu nặng mà không được phát hiện và xử trí kịp thời.
 
Theo thống kê mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 178 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 77 xã, phường của 23 quận, huyện.
 
Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố Hà Nội có gần 1.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue và không có trường hợp nào tử vong.
 
Cao điểm sốt xuất huyết
 
Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người mà thông qua muỗi truyền. Muỗi có thể hút máu của người mắc bệnh khi đốt sang người khác sẽ truyền bệnh hoặc truyền virus cho đời con cháu của muỗi để tiếp tục truyền bệnh sang người.
 
Bộ Y tế đưa ra nhận định, hiện nay đang là cao điểm sốt xuất huyết hàng năm, nguy cơ số mắc bệnh tăng cao trong thời gian tới nếu không chủ động phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
 
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận 87.806 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 6 trường hợp tử vong tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh. So với cùng kỳ năm 2018 số ca mắc bệnh tăng 3,1 lần (năm 2018 số mắc cùng kỳ là hơn 28.000 trường hợp, tử vong là 8 trường hợp).
 
Đặc biệt, trong 5 tuần gần đây số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh tại 34 tỉnh, thành phố của các khu vực như miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết với những nốt phát ban nổi trên da. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết với những nốt phát ban nổi trên da. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Đó là các tỉnh như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…
 
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới diễn biến phức tạp, đang gia tăng nhanh tại nhiều quốc gia trong khu vực. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắcxin phòng bệnh.
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tình hình dịch đang gia tăng ở các nước châu Mỹ La tinh và châu Á-Thái Bình Dương.
 
Đặc biệt, các nước xung quanh Việt Nam như Philipines, số mắc sốt xuất huyết đã tăng 2 lần so với cùng kỳ, với gần 100.000 trường hợp mắc, gần 400 trường hợp tử vong. Malaysia với hơn 60.000 trường hợp mắc, gần 100 trường hợp tử vong. Lào, Campuchia, Trung Quốc, Australia cũng đang gia tăng mạnh và chưa có xu hướng dừng lại. Tình trạng trên được cho là do hiện tượng biến đổi khí hậu và nóng lên lên toàn cầu, làm cho véc-tơ truyền bệnh sinh sôi và phát triển mạnh.
 
Tại Việt Nam, thời tiết trong tuần vẫn được nhận định duy trì ở mức 26 đến 37 độ C, dự báo có nhiều ngày mưa trong tuần. Đây là điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue và thực tế kết quả giám sát véc-tơ các tuần gần đây đều có xu hướng tăng cao.
 
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, việc diệt muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt quan trọng hơn rất nhiều so với việc giữ gìn, cách ly người bệnh./.
Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới, ngành y tế khuyến cáo:  1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.  2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn.  3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vô xe cũ, hốc tre, bẹ lá…  4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.  5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.  6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế dễ được khám và tư vấn điều trị. Không tự điều trị tại nhà.

Theo Thùy Giang (Vietnam+)

 

,