.

Giúp phụ nữ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng cao

.
08:11, Thứ Ba, 23/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Được triển khai từ năm 2015, chương trình “Tăng cường năng lực y tế công trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2018-2020” (gọi tắt là PSS) đã giúp phụ nữ tỉnh ta, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng cao của hệ thống y tế công.
 
PSS là chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế, Tổng cục DS -KHHGĐ và tổ chức Marie Stopes International Việt Nam (MSIVN) nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ chất lượng của hệ thống y tế công, góp phần cải thiện sức khỏe phụ nữ và phát triển bền vững chương trình DS - KHHGD. Chương trình được triển khai tại 3.745 xã của 18 tỉnh trên toàn quốc, trong đó có Quảng Bình.
 
Ở tỉnh ta, chương trình được tổ chức tại 99 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố. Chương trình được tổ chức xen kẽ vào giữa các đợt tổ chức chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ), với mục đích tạo thêm các cơ hội tiếp cận các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho phụ nữ ở tỉnh ta hiện nay.
 
Đối tượng của chương trình tập trung được ưu tiên cấp miễn phí phương tiện tránh thai theo quy định của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020.
 
Trong đó, tập trung vào đối tượng là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu cao về các biện pháp tránh thai lâu dài và vĩnh viễn; nhóm dân thu nhập thấp, dân nghèo ở địa bàn có nhu cầu cao chưa được đáp ứng; thanh niên và vị thành niên...
Chương trình PSS không chỉ cung cấp DCTC miễn phí mà còn giúp phụ nữ tiếp cận được với dịch vụ chăm sóc SKSS chất lượng cao
Chương trình PSS không chỉ cung cấp DCTC miễn phí mà còn giúp phụ nữ tiếp cận được với dịch vụ chăm sóc SKSS chất lượng cao.
Từ năm 2015 đến nay, tổng số ca được đặt dụng cụ tử cung (DCTC) ở tỉnh ta là 23.559 ca, riêng năm 2018, có 6.102 ca. Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ cấp phát tài liệu, tư vấn, hướng dẫn CSSKSS/KHHGĐ cho người dân tại các địa bàn triển khai, hỗ trợ tập huấn cho cán bộ cung cấp dịch vụ.
 
Chị Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng DS - KHHGĐ, Chi cục DS - KHHGD tỉnh cho biết: Trong điều kiện kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về dân số ngày càng hạn hẹp, kinh phí đầu tư của tỉnh còn nhiều khó khăn, việc tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức MSIVN là hết sức cần thiết.
 
Chương trình PSS đã góp phần không nhỏ trong việc giúp tỉnh hoàn thành các mục tiêu về DS -KHHGĐ. Những năm gần đây, các chỉ tiêu về dịch vụ KHHGĐ của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch được giao. Riêng năm 2018, chỉ tiêu đặt dụng cụ tử cung đạt 103%, tổng số cặp áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 104% so với kế hoạch.
 
Ngoài ra, chương trình chú trọng việc đánh giá năng lực thực hành của người cung cấp dịch vụ và giám sát chất lượng dịch vụ thường xuyên tại tuyến y tế cơ sở, coi đó là tiêu chí quan trọng để tăng cường năng lực cho đội ngũ cung cấp dịch vụ, bảo đảm cả 2 yêu cầu là kỹ năng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
 
Năm 2018, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật tháo que tránh thai Implanon NXT cho 42 cán bộ cung cấp dịch vụ KHHGĐ tuyến huyện, tuyến xã; ngoài ra, còn phối hợp với tổ chức MSI tổ chúc 4 đợt giám sát hỗ trợ sau đào tạo cho cán bộ cung cấp dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
 
Đặc biệt, hiện nay, mỗi ca đặt DCTC được chương trình hỗ trợ 50.000 đồng, trong đó, chi phí quản lý tuyến tỉnh 8.000 đồng/ca, quản lý tuyến huyện 10.000 đồng/ca, hỗ trợ hậu cần cho trạm y tế là 12.000đồng/ca, hỗ trợ cộng tác viên tư vấn, vận động người dân đến đặt dụng cụ tử cung là 10.000 đồng/ca, hỗ trợ cho người cung cấp dịch vụ đặt vòng là 10.000 đồng/ca. Việc hỗ trợ chi phí trực tiếp cho khách hàng, người vận động, người cung cấp dịch vụ, người tổ chức thực hiện… là nguồn động viên rất lớn cho đội ngũ làm công tác dân số, đặc biệt là các cộng tác viên cơ sở.
 
Năm 2019, trong chương trình PSS, tỉnh ta tiếp tục được miễn phí 8.000 ca đặt DCTC, tăng so với năm 2018, đây cũng sẽ là cơ hội tốt để phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ CSSKSS chất lượng cao, đồng thời tăng cơ hội để cán bộ y tế tham gia nâng cao năng lực thực hành, góp phần bảo đảm chỉ tiêu công tác dân số đã đặt ra.
 
Số ca đặt DCTC trong chương trình này phải đáp ứng được các yêu cầu như: 100% số ca đặt DCTC phải được thực hiện bởi người cung cấp dịch vụ được xác nhận đạt chuẩn năng lực cung cấp dịch vụ độc lập (cấp độ 1 và 2) theo quy định của MSI; các ca đặt DCTC phải được thẩm định chất lượng lâm sàng, quản lý tai biến…
 
Với sự hỗ trợ của chương trình, công tác DS - KHHGĐ đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt ở các địa phương, đặc biệt là các đối tượng của chương trình, những người ít cơ hội và thua thiệt trong việc tiếp cận và hưởng lợi từ phúc lợi xã hội.
 
Tuy nhiên, để việc triển khai chương trình ngày càng mang lại hiệu quả cao, cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ngành dân số đang tập trung vào một số hoạt động như: đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng tư vấn, vận động cho đội ngũ cán bộ dân số sơ sở; mua sắm các trang thiết bị y tế cần thiết; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ; phòng, chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở được chương trình hỗ trợ...
 
T.Hoa-P.Hà
,