.

Cần nhìn nhận đúng phản ứng sau tiêm vắc-xin ComBe Five

.
08:17, Thứ Tư, 10/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Năm 2017, Tập đoàn vắc-xin Jassen tại Hàn Quốc thông báo ngừng cung ứng vắc xin Quinvaxem trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five thay thế cho Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại các địa phương được xem là cần thiết để tăng cường khả năng phòng bệnh cho trẻ nhỏ. Vắc-xin ComBE five có nguồn gốc từ Ấn Độ, với công dụng phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Sau 3 tháng triển khai triển khai thực hiện tiêm vắc-xin ComBE Five, tỉnh ta đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
 
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Để triển khai tốt việc đưa vắc-xin ComBE Five thay thế cho Quinvaxem trong chương trình TCMR, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở và tăng cường công kiểm tra, giám sát hỗ trợ trước, trong, sau tiêm chủng.
 
Bên cạnh đó, trung tâm còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân những kiến thức cơ bản về vắc-xin mới và lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh cũng như những rủi ro có thể gặp phải để người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác tiêm chủng phòng bệnh chủ động.
 
Đơn vị cũng đã tăng cường công tác chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố thực hiện đúng quy định về hoạt động tiêm chủng, đặc biệt là công tác khám sàng lọc, tư vấn cho bà mẹ, theo dõi phát hiện sớm phản ứng sau tiêm ở trẻ nhỏ.
 
Đến nay, toàn tỉnh đã có 6.579 trẻ được tiêm vắc-xin ComBE Five. Qua theo dõi phản ứng sau tiêm của cán bộ y tế cho thấy, có 4,9% tổng số trẻ được tiêm có phản ứng sốt.
Cán bộ y tế đang tiêm vắc-xin ComBe Five cho trẻ nhỏ.
Cán bộ y tế đang tiêm vắc-xin ComBe Five cho trẻ nhỏ.
Hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp tục tiếp nhận và phân bổ vắc-xin ComBe Five đến các địa phương trên địa bàn tỉnh và tích cực chỉ đạo các đơn vị triển khai tiêm cho trẻ trong độ tuổi trên phạm vi toàn tỉnh trong tháng 4-2019.
 
Để bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ khi tiêm chủng, bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm.
 
Trước khi tiêm, các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình (trẻ có đang bị ốm hoặc đang dùng thuốc, trẻ có tiền sử dị ứng đặc biệt và có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước hay không…). 
 
Sau tiêm chủng, ngoài việc cho trẻ nghỉ ngơi tại cơ sở y tế ít nhất là 30 phút, các bậc phụ huynh cần tiếp tục theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1-2 ngày để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
 
Thông thường, các phản ứng sau tiêm chủng sẽ xuất hiện trong vòng 24-48 giờ, chủ yếu là sốt và sưng, đau tại nơi tiêm, cần phải cho trẻ uống nước hoặc bú mẹ nhiều hơn, có thể uống thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau theo chỉ định của cán bộ y tế.
 
Khi trẻ có biểu biện bất thường về sức khỏe như sốt cao từ 390C trở lên và có các biểu hiện, như: co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú...  phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế theo dõi, điều trị kịp thời.
 
Theo các bác sỹ, không có vắc-xin nào là an toàn tuyệt đối nhưng vắc-xin hiện nay vẫn là công cụ hữu hiệu nhất để phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ. Nếu trẻ không được tiêm vắc-xin thì có thể mắc những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
 
Với những trẻ đã có phản ứng nặng với lần tiêm chủng trước thì các bà mẹ cần chia sẻ với cán bộ y tế để trẻ được tư vấn sử dụng loại vắc-xin khác có thành phần tương tự; các trường hợp khác (cháu bé đang ho, sốt…) thì hoãn tiêm. Vì vậy, các bậc phụ huynh khi đưa con đi tiêm vắc-xin cần mô tả đầy đủ tình trạng sức khỏe của trẻ với bác sỹ, cán bộ tiêm chủng để được tư vấn đúng.
 

Vắc-xin ComBE Five do Công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất và được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định từ năm 2012. Tính đến nay, có trên 400 triệu liều đã được sử dụng ở 43 quốc gia vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, vắc-xin này đã được thử nghiệm lâm sàng và đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ năm 2017. Mỗi lô vắc-xin về Việt Nam, trước khi đưa ra tiêm chủng đều được kiểm định về chất lượng cũng như tính an toàn bởi Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế. Khi có giấy xuất xưởng về tính an toàn, lô vắc-xin đó mới được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

                                                                   Nh.V
,