.

Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS

.
14:57, Thứ Ba, 12/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, thời gian quan, tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khống chế tỷ lệ nhiễm HIV và hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS ổn định sức khỏe, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, việc duy trì bền vững các thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
 
Bác sỹ Nguyễn Anh Đông, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 1.390 người nhiễm HIV/AIDS và đã có 140 bệnh nhân AIDS tử vong. 8/8 huyện, thành phố, thị xã, 116/159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Tỷ lệ nhiễm HIV ở nam giới chiếm 60%, tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 21 đến 39. Đáng nói là, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm trên 76%.
 
Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngành Y tế mà đơn vị chức năng là Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó, chú trọng hoạt động truyền thông trực tiếp hướng đến những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao (người nghiện chích ma túy, người bán dâm và người có quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV/AIDS và gia đình của họ)...
 
Từ hoạt động này, cán bộ y tế đã trang bị cho người dân những biện pháp cơ bản để phòng, chống lây nhiễm HIV; đồng thời, cung cấp địa chỉ các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, điều trị ARV, điều trị Methadone và các dịch vụ y tế có liên quan khác.
Cán bộ y tế Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đang kiểm tra hồ sơ bệnh án của bệnh nhân AIDS tham gia điều trị ARV.
Cán bộ y tế Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đang kiểm tra hồ sơ bệnh án của bệnh nhân AIDS tham gia điều trị ARV.
Cùng với đó, ngành Y tế còn chủ động phối hợp với các địa phương trong việc triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, như: vận động các đối tượng là người nghiện chích ma túy, người bán dâm sử dụng bơm kim tiêm, bao cao su sạch và đẩy mạnh chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
 
Hiện tại, toàn tỉnh đang duy trì, củng cố hoạt động của 6 nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng-hỗ trợ điều trị với 17 thành viên tại các huyện: Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới. Các nhân viên tiếp cận cộng đồng là cán bộ y tế nghỉ hưu, những người tâm huyết với công tác phòng, chống HIV và cả người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS nên họ có điều kiện tiếp cận với những đối tượng có hành vi nguy cơ cao để tuyên tuyền, vận động các đối tượng thực hiện hành vi an toàn nhằm phòng tránh lây nhiễm HIV cho bản thân và cộng đồng.
 
Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện đang thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia. Để nâng cao hiệu quả hoạt động này, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã bố trí cán bộ có năng lực và đầu tư khá đầy đủ trang thiết bị, tài liệu phục vụ cho công tác tư vấn, truyền thông. Cán bộ y tế đảm nhận nhiệm vụ này thực sự trở thành những người bạn của bao cảnh đời không may mắn hoặc những người lầm lỗi để họ có thể nói lên tình trạng sức khỏe của bản thân và tự nguyện tham gia xét nghiệm HIV.
 
Chỉ tính riêng năm 2018, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã thực hiện 12.976 mẫu xét nghiệm, phát hiện 39 trường hợp nhiễm HIV.  Điều đáng mừng là nhiều bạn trẻ đã tự nguyện đến trung tâm để được cán bộ y tế tư vấn sức khỏe, giải đáp những thắc mắc liên quan đến HIV/AIDS và cách phòng, chống để chủ động bảo vệ sức khỏe.
 
Công tác chăm sóc, điều trị cho điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS từng bước được đẩy mạnh. Các bệnh nhân trước khi điều trị đều được khám sàng lọc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và khi đủ tiêu chuẩn điều trị ARV đều được cán bộ y tế tư vấn kỹ kiến thức về HIV/AIDS và lợi ích của việc tuân thủ điều trị.
 
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên số người nhiễm HIV chủ động tiếp cận dịch vụ điều trị thuốc kháng virus ARV ngày càng cao. Qua đó, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ, giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng.
 
Song song với nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh còn triển khai tốt các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, nhằm tạo cơ hội cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS có thể sinh con hoàn toàn khỏe mạnh.
 
Đây là một trong những chương trình được đơn vị đặc biệt chú trọng bằng việc giới thiệu cặn kẽ các gói dịch vụ, như: tư vấn, xét nghiệm HIV cho bà mẹ mang thai; cung cấp thuốc điều trị dự phòng cho bà mẹ; chăm sóc, xét nghiệm và theo dõi điều trị cho trẻ sau khi sinh đến 18 tháng tuổi... Nhờ vậy, không ít trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV tham gia chương trình đã sinh con khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
 
Những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát. Nguyên nhân là do hiện nay, nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa được tiếp cận với các dịch vụ y tế trong chăm sóc, điều trị, nhất là ở những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hoạt động mại dâm cũng có nhiều diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Và thực tế là có trên 76% số người bị lây nhiễm HIV qua đường tình dục không an toàn trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế.
 
Bên cạnh đó, sự cắt giảm về các nguồn lực viện trợ quốc tế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS vẫn đang là vấn đề khá phổ biến. Đây chính là rào cản khiến không ít người nhiễm HIV che dấu tình trạng bản thân, gây khó khăn cho việc phát hiện, kiểm soát dịch HIV.
 
Từng bước khắc phục khó khăn, ngành Y tế đang nỗ lực triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Một trong những nhiệm vụ được chú trọng là bảo đảm đủ nguồn thuốc để phục vụ cho việc điều trị ARV và thực hiện các chương trình dự phòng lây nhiễm HIV, đồng thời, đẩy mạnh hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và một số nhiệm vụ liên quan khác.
 
                                                                                      Nhật Văn
,