.

Tập trung các giải pháp để phòng chống dịch bệnh mùa đông-xuân

.
09:01, Thứ Bảy, 05/01/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời điểm giao mùa đông-xuân thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm, như tay chân miệng, viêm đường hô hấp, bệnh sởi... Đối tượng dễ mắc các loại bệnh trên là trẻ nhỏ. Vậy làm thế nào để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm một cách hiệu quả? Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cung cấp cho bạn đọc Báo Quảng Bình những thông tin, kiến thức quan trọng liên quan đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh mùa  đông-xuân.
 
- Mùa đông-xuân, nhất là trong thời điểm giao mùa, số người mắc các bệnh truyền nhiễm (sốt do vi rút, viêm phế quản, viêm phổi, tay chân miệng…) trên địa bàn tỉnh ta có chiều hướng gia tăng. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trên, thưa bác sĩ?
 
- Mùa đông-xuân, thời tiết ở tỉnh ta thường lạnh, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển nên nhiều người đã mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp. Ngoài các bệnh như tay chân miệng, cúm mùa…, nhiều địa phương vẫn còn xảy ra dịch sốt xuất huyết. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta đã có trên 960 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với các năm trước, năm nay, dịch sốt xuất huyết xảy ra muộn hơn do sự thay đổi của thời tiết, khí hậu.
Cán bộ y tế thăm hỏi, tư vấn các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ.
Cán bộ y tế thăm hỏi, tư vấn các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ.
- Được biết, tỉnh ta đang tập trung triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Bác sĩ có thể nói rõ hơn về điều này?
 
- Để góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tập trung triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm, vận động người dân tiêm phòng đối với những loại bệnh đã có vắc xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường công tác giám sát tại nhiều địa bàn để phát hiện sớm những điểm có nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh và xử lý môi trường bằng hóa chất nhằm hạn chế sự phát triển của vi rút truyền bệnh.
 
Với phương châm “lấy dự phòng làm giải pháp ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông-xuân”, các đơn vị làm công tác y tế dự phòng toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, từ tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch tại cộng đồng, nhất là các trường học, khu vực biên giới, những nơi tập trung đông dân cư và chuẩn bị đầy đủ thuốc men, hóa chất, xây dựng các phương án cụ thể để ứng phó kịp thời khi phát hiện có dịch bệnh xảy ra.
 
Các đơn vị đã phát huy vai trò của lực lượng cán bộ y tế cơ sở và đội ngũ y tế thôn bản trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh mùa đông-xuân nói riêng, hướng dẫn người dân cách giữ gìn vệ sinh môi trường và chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý để tăng sức đề kháng cho cơ thể nhằm hạn chế lây nhiễm các bệnh thường gặp trong mùa lạnh.
 
Nhờ có kế hoạch chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở nên tỉnh ta đã kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, không để xảy ra các ổ dịch lớn. Những trường hợp mắc bệnh, như sốt xuất huyết, tay chân miệng và các dịch bệnh truyền nhiễm khác đều được điều trị hiệu quả. Tại các cơ sở y tế, chưa xảy ra các trường hợp bị biến chứng hoặc tử vong do mắc bệnh truyền nhiễm.
 
- Để giúp người dân có kiến thức trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, bác sĩ có thể đưa ra vài lời khuyên đối với việc chăm sóc sức khỏe?
 
- Để chủ động phòng, chống các dịch bệnh trong mùa đông-xuân, mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp như sau:
 
1. Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh, như: sởi, rubella, ho gà, cúm mùa…)
 
2. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi ra ngoài trời; lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
 
3. Tránh tiếp xúc hoặc tiếp xúc an toàn (có sử dụng khẩu trang) với những người đang có dấu hiệu mắc các bệnh truyền nhiễm, như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… và nên hạn chế đến những chỗ đông người.
 
4. Ăn uống đủ chất, bảo đảm dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Mọi người cần thực hiện chế độ ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và uống nước ấm; tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
 
5. Cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày; giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh nơi ở, nơi sinh hoạt…
 
7. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần đến các cơ sở y tế để được cán bộ y tế thăm khám, điều trị kịp thời. Khi mắc bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà nhằm tránh các biến chứng có thể xảy ra.
 
- Xin cảm ơn bác sĩ.
                                                                   Nhật Văn (thực hiện)
,