.

Thức ăn đường phố: An toàn vệ sinh đang bị thả nổi?!

.
10:57, Thứ Ba, 18/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Tiện lợi, tiết kiệm thời gian và hợp túi tiền nên những năm gần đây, thói quen sử dụng thức ăn đường phố (TĂĐP) trở nên khá phổ biến đối với người dân, nhất là người dân ở khu vự đô thị. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, TĂĐP luôn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), có thể gây ngộ độc và các dịch bệnh liên quan. Tuy nhiên, việc quản lý các cơ sở kinh doanh TĂĐP còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
 
Khó kiểm soát
 
TĂĐP đáp ứng một phần nhu cầu ăn uống của người dân và được xem là nét văn hóa ẩm thực riêng của mỗi vùng miền. Tuy nhiên, việc bày bán TĂĐP ở nơi đông người qua lại như các đầu mối giao thông, chợ, bệnh viện, bãi biển… luôn tiềm ẩn nguy cơ mất VSATTP.
 
Mặc dù Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 5-12-2012 của Bộ Y tế và Kế hoạch số 50/KH-BCĐ ngày 25-3-2014 của Ban chỉ đạo VSATTP tỉnh đã quy định rõ về điều kiện VSATTP đối với các cơ sở kinh doanh TĂĐP và trách nhiệm của từng ban, ngành, đơn vị liên quan trong việc quản lý TĂĐP, nhưng đến nay tình hình cũng chưa có nhiều chuyển biến. Thức ăn bày bán trên vỉa hè, đường phố không bảo đảm VSATTP vẫn còn rất nhiều.
 
Khảo sát tại một số đường phố tập trung đông hàng quán kinh doanh TĂĐP như: Hữu Nghị, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trương Pháp, Thanh Niên, Mẹ Suốt…, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm về điều kiện VSATTP. Nhiều thức ăn bày bán không được che đậy cẩn thận, quán ăn lại nằm ven đường khiến thức ăn dễ dàng bị bám bụi.
 
Đường Hữu Nghị vào mỗi buổi chiều đến tối khuya có rất nhiều quán bún, phở, cháo bày bán trên vỉa hè. Khách nườm nượp ra vào nhưng hầu như không một ai quan tâm đến việc quán có hợp vệ sinh hay không. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề VSATTP, đa số những người bán hàng ở đây đều khẳng định chất lượng bảo đảm và chưa nghe ai phàn nàn về việc thức ăn kém chất lượng hay có biểu hiện gì của việc ngộ độc.
 Rất nhiều quán hàng kinh doanh thức ăn đường phố còn xem nhẹ vấn đề bảo đảm VSATTP.
Rất nhiều quán hàng kinh doanh thức ăn đường phố còn xem nhẹ vấn đề bảo đảm VSATTP.
Theo bà Đỗ Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới), trên địa bàn phường hiện có 72 cơ sở kinh doanh TĂĐP; trong đó, có rất nhiều hộ gia đình buôn bán hàng rong không có mặt bằng cố định nên rất khó quản lý. Đa số các hộ này đều chưa được cấp giấy chứng nhận VSATTP, chưa được khám sức khỏe...
 
“Hiện phường Bắc Lý chưa có cán bộ chuyên trách về vấn đề VSATTP nên cán bộ trạm y tế phường vừa làm nhiệm vụ chuyên môn vừa kiêm nhiệm thêm công việc này. Lực lượng kiêm nhiệm này thường thiếu trang thiết bị, dụng cụ, thiếu năng lực nghiệp vụ… nên việc kiểm tra các sai phạm trong vấn đề liên quan đến VSATTP chưa bảo đảm”, bà Ngân chia sẻ.
 
Ông Trần Quyết Thắng, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho hay: Toàn tỉnh hiện có 2.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có hơn 70% cơ sở là kinh doanh TĂĐP. Theo phân cấp, TĂĐP thuộc UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý. Việc quản lý loại hình TĂĐP đang gặp nhiều khó khăn do số lượng lớn, nhiều cơ sở không cố định, chủ yếu kinh doanh ngoài giờ hành chính...
 
Còn nhiều bất cập
 
Theo Thông tư 30 của Bộ Y tế, cơ sở kinh doanh TĂĐP cần bố trí ở điểm cách xa các nguồn ô nhiễm. Thức ăn ngay, thực phẩm chín phải được để trong tủ kính, thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi nhặng, bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại và phải cao hơn mặt đất ít nhất 60 cm. Nơi chế biến, nơi bán thức ăn ngay, thực phẩm chín phải sạch sẽ, thoáng mát và không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản, trang bị găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thức ăn ngay, thực phẩm chín. Nguyên liệu dùng để chế biến phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn theo quy định… Người bán TĂĐP phải được tập huấn về an toàn thực phẩm (ATTP) và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP".
 
Quy định là thế song thực tế vẫn còn không ít người kinh doanh TĂĐP, nhất là người bán hàng rong kinh tế còn khó khăn, không có điều kiện để thực hiện các quy định trên.
 
Ông Thắng nhận định, bên cạnh sự chuyển biến trong nhận thức của người kinh doanh và người tiêu dùng về VSATTP thì việc quản lý các cơ sở kinh doanh TĂĐP trên địa bàn tỉnh ta còn rất nhiều bất cập. Việc quy hoạch các khu kinh doanh TĂĐP gặp nhiều khó khăn bởi rất nhiều hộ gia đình buôn bán quy mô nhỏ, địa điểm không cố định, việc tập trung các quán hàng này lại một nơi là điều không dễ dàng. Công tác tập huấn, khám sức khỏe cho chủ cơ sở và nhân viên kinh doanh TĂĐP có triển khai nhưng chưa đồng bộ. 
Chi cục VSATTP tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về ATTP các xã, phường, thị trấn.
Chi cục VSATTP tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về ATTP các xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, quy định và chế tài xử phạt cũng là một vướng mắc lớn trong quản lý các cơ sở kinh doanh TĂĐP. Điển hình như thực phẩm tại cơ sở kinh doanh TĂĐP tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh, thế nhưng quy định lại không bắt buộc lưu mẫu trong ngày. Vì thế, khi cán bộ tới kiểm tra sẽ khó biết chính xác nguồn gốc mẫu nào bị ôi thiu, bảo đảm VSATTP. Điều này đồng nghĩa với việc khó kiểm tra, xử lý tận gốc các cơ sở chế sản xuất thực phẩm bẩn.
 
Bên cạnh đó, dù gây ra ngộ độc nặng, nhưng cơ sở vi phạm chỉ bị tạm thời đình chỉ cho đến khi khắc phục và kiểm tra lại, nếu thấy bảo đảm được các tiêu chuẩn quy định về VSATTP, thì cho tiếp tục hoạt động. Mức xử phạt cơ sở kinh doanh TĂĐP ở cấp xã, phường còn thấp nên không có tính răn đe đối với các cơ sở vi phạm. Đối với những hàng quán nhỏ thì cơ quan chuyên trách muốn xử phạt cũng rất khó hoặc phạt xong rồi đâu lại vào đó, các hàng quán này lại mọc lên ở vị trí khác.
 
"Một nguyên nhân quan trọng tạo "lỗ hổng" trong công tác quản lý TĂĐP là các cấp, các ngành chức năng thiếu cương quyết, chưa mạnh tay xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Chính vì vậy, UBND các xã, phường, thị trấn là đơn vị trực tiếp quản lý TĂĐP cần tăng cường hơn nữa các hoạt động kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh TĂĐP đường phố trên địa bàn, tránh tình trạng qua loa, làm cho có",  ông Thắng nhấn mạnh.
 
Bà Ngân, Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Lý cho rằng, cán bộ y tế đến các cơ sở kinh doanh thức ăn để kiểm tra nhưng không có công cụ, trang thiết bị chuyên dụng mà chỉ nhìn bằng mắt thường nên không thể biết được thực phẩm mà các quán ăn dùng để chế biến có bảo đảm không. Do không có kinh phí, mỗi năm, phường chỉ tổ chức được 1-2 đợt kiểm tra nhưng chưa có trường hợp kinh doanh TĂĐP nào bị xử phạt vì chưa có cơ sở để chứng minh thức ăn họ làm ra không bảo đảm VSATTP.
 
“Để công tác quản lý TĂĐP thực sự hiệu quả, nên giao cho Chi cục VSATTP trực tiếp quản lý. Cấp xã, phường chỉ nên phối hợp với chi cục trong các đợt thanh tra, kiểm tra”, bà Ngân đề xuất.
 
Từ thực trạng trên, thiết nghĩ, bên cạnh các giải pháp của ngành chức năng, để bảo đảm VSATTP đối với TĂĐP, bảo đảm cho sức khỏe cộng đồng, việc quan trọng hơn cả là tập trung nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
 
Cùng với đó, người tiêu dùng cũng cần trang bị những kiến thức về vấn đề VSATTP, nên tẩy chay những quán ăn vỉa hè, đường phố không bảo đảm điều kiện; đồng thời, thông báo cho cơ quan quản lý phát hiện và xử lý kịp thời các quán ăn đường phố không tuân thủ và bảo đảm điều kiện VSATTP.
 
Lan Chi
,