.

Để y tế cơ sở 'níu chân' người bệnh

.
08:23, Thứ Bảy, 18/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Theo BHXH tỉnh, năm 2017, số lượng bệnh nhân vượt tuyến khám, điều trị là 54.803 lượt với số tiền chi phí 228,449 tỷ đồng và thâm hụt quỹ BHYT 197,341 tỷ đồng.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2018, số lượng bệnh nhân vượt tuyến là 29.040 lượt với số tiền chi phí 120,738 tỷ đồng và thâm hụt quỹ 109,4 tỷ đồng. Trong đó, 50% bệnh nhân vượt tuyến, khám và điều trị chủ yếu các bệnh viện lớn tại Hà Nội và Huế; 50% còn lại vượt tuyến trong tỉnh.
 
Một trong những nguyên nhân của thực trạng này chính là tâm lý của người bệnh. Bởi, người dân thường lo lắng, e ngại, thiếu tin tưởng khi khám, chữa bệnh ở tuyến tế cơ sở, trong khi hiện nay, không ít cơ sở y tế địa phương đầy đủ năng lực để khám, chẩn đoán và điều trị khỏi nhiều căn bệnh.
 
Nâng cao năng lực khám chữa bệnh
 
Về cơ bản, 159 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có bác sĩ. Trên thực tế, khám bệnh tại tuyến xã, phường, thị trấn cần phải được đặt lên hàng đầu. Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh đóng vai trò quan trọng, do đó, cần được chuẩn hoá từ con người đến trang thiết bị và cơ sở vật chất. Đi liền với đó, cần có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho đội ngũ này. Nếu các đơn vị y tế cơ sở phát triển và cung cấp được các dịch vụ có chất lượng sẽ giúp tiết kiệm rất lớn cho người dân trong chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, đội ngũ này có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh ban đầu, tiêm chủng, triển khai chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình và công tác truyền thông giáo dục sức khỏe...
 
Trong trường hợp đơn vị y tế cơ sở chưa đủ năng lực về con người, cần có sự hỗ trợ chuyên môn của tuyến huyện theo phương thức luân chuyển bác sĩ về cơ sở vừa tham gia khám bệnh vừa chuyển giao kỹ thuật cho nhân viên y tế cơ sở. Tỉnh ta có 7 bệnh viện thuộc tuyến huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có sự chênh lệch về khả năng chuyên môn giữa các bệnh viện, một số bệnh viện thiếu bác sĩ trầm trọng. Với quy định mới của Bộ Y tế về thông tuyến trong khám chữa bệnh, bệnh nhân từ huyện có bệnh viện năng lực chuyên môn kém hơn đến khám bệnh viện có năng lực chuyên môn cao hơn. Hiện tượng này làm quá tải cục bộ và chi phí đa tuyến tăng cao, làm thâm hụt quỹ BHYT.
 
Do vậy, nâng cao chất lượng, phát triển chuyên môn, tăng cường thu hút bác sĩ về công tác, đầu tư trang thiết bị cho tuyến huyện là điều rất cần thiết. Đặc biệt, đối với một số bệnh viện có năng lực chuyên môn yếu hơn. Nâng cao trình độ chuyên môn bằng nhiều giải pháp, như: cử bác sĩ tham gia các lớp đào tạo dài hạn tại các trường đại học y trong nước; cử bác sĩ học theo phương thức "cầm tay chỉ việc" tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, hình thức này có hiệu quả cao đối với các bác sĩ. Tại đây, các bác sĩ có cơ hội thực hành và hướng dẫn nhiều hơn các cơ sở khác. Ngoài ra, bệnh viện tuyến huyện phải có kế hoạch tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật  theo Đề án 1816 và chương trình chỉ đạo tuyến của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới.
 
Theo đó, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới thường xuyên có phản hồi thông tin hai chiều về bệnh nhân ở tuyến huyện chuyển lên, để cùng nhau chia sẻ nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho tuyến dưới. Mặt khác, hiện nay, có nhiều phần mềm trên điện thoại thông minh cho phép các bác sĩ hội chẩn trực tuyến và không cần chuyển bệnh lên tuyến trên. Qua đó, giảm được nhiều chi phí cho người bệnh.
Người dân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới.
Người dân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới.
Đối với Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới là bệnh viện tuyến Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, bệnh viện xác định vai trò của mình là bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn. Bệnh viện đã không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển chuyên sâu trên mọi lĩnh vực. Đội ngũ bác sĩ thường xuyên cập nhật kiến thức mới, kỹ thuật mới thông qua các hình thức gửi bác sĩ đào tạo ở nước ngoài và các trung tâm lớn trong nước. Bệnh viện tích cực mời các chuyên gia Cu Ba sang tham gia khám chữa bệnh, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ của bệnh viện.
 
Được sự đồng ý của Bộ Y tế, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới là bệnh viện vệ tinh của 4 bệnh viện hạt nhân gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Trung ương Huế. Đây là cơ hội tốt nhất cho đội ngũ bác sĩ bệnh viện vệ tinh được nhận chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, hiện đại của bốn bệnh viện hạt nhân.
 
Ngoài những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới cần nỗ lực hơn nữa, nhất là vấn đề hợp tác quốc tế, phát triển các chuyên sâu, như: phẫu thuật, hoá trị và xạ trị ung thư, mổ tim, ghép tạng, thụ tinh trong ống nghiệm... Đó là những mặt bệnh khi chuyển lên tuyến trên đã tiêu tốn rất nhiều quỹ BHYT của tỉnh.
 
Hiện tại, tỉnh ta chưa có bệnh viện tư nhân. Các phòng khám đa khoa tư nhân đang còn manh mún, một số tham gia khám chữa bệnh BHYT ban đầu, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân do tình trạng nhân lực. Nhìn ra các tỉnh bạn, có rất bệnh viện tư nhân ra đời, trình độ chuyên môn cao, thái độ cung cách phục vụ tốt đã thu hút nhiều người dân, doanh nghiệp, cơ quan... đăng ký khám và điều trị theo BHYT. Do vậy, tỉnh ta cần kêu gọi, thu hút đầu tư 1 đến 2 bệnh viện đa khoa tư nhân và một số bệnh viện chuyên khoa. Lúc đó, người dân có quyền lựa chọn nơi mình khám và chữa bệnh không phải đi các tuyến cao hơn ngoài tỉnh.
 
Ngoài ra, cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực là con em địa phương. Đối với Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới cần có chính sách đãi ngộ cho bác sĩ có trình độ chuyên môn cao là con em Quảng Bình công tác tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh về khám chữa bệnh vào các ngày thứ 7 và chủ nhật. Các bệnh viện tuyến huyện thu hút con em huyện nhà đang công tác tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới. Tuyến xã cũng làm tương tự. Tin tưởng rằng, lượng số lượng bệnh nhân vượt tuyến sẽ giảm.
 
Thay đổi toàn diện thái độ và phong cách phục vụ người bệnh
 
Tất cả các bệnh viện công lập đang có xu hướng sẽ tự chủ một phần rồi tự chủ hoàn toàn về tài chính, nhân lực. Do vậy, bệnh viện cần được xem như một "doanh nghiệp" cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
 
Nhân viên y tế phải thay đổi từ thái độ "ban ơn" khi khám chữa bệnh cho bệnh nhân chuyển sang phục vụ tận tình chu đáo cho khách hàng của mình, lúc đó mới cạnh tranh được với hệ thống y tế tư nhân và các bệnh viện khác. Cần mạnh dạn xóa bỏ lối tư duy cũ, xây dựng lối tư duy mới. Đồng thời, cần giảm thủ tục hành chính phiền hà cho người bệnh và giảm thủ tục bàn giấy cho bác sĩ, điều dưỡng. Các bệnh viện cần đầu tư phát triển phần mềm quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử để bác sĩ có thời gian chăm sóc người bệnh được nhiều hơn. Việc giảm thời gian chờ khám của người bệnh bằng cách đăng ký qua internet hoặc các phần mềm trên điện thoại thông minh cũng là một giải pháp hữu hiệu. 
 
Công tác quảng bá, truyền thông đóng vai trò quan trọng để truyền tải mọi thông điệp của bệnh viện đến mỗi người dân. Nhiều kỹ thuật cao các bệnh viện đã thực hiện tốt nhưng người dân vẫn chưa biết, hoặc chưa đặt trọn niềm tin. Do vậy, mạng xã hội, báo chí là hình thức truyền tải nhanh nhất, hiệu quả nhất để người dân biết đến và tin tưởng.
 
Trần Ánh Dương
,
  • Khởi động ngày mới đúng cách

    Khi thức giấc vào mỗi buổi sáng, nhiều người thường ngồi dậy ngay, thậm chí bật dậy một cách vội vã vì sợ trễ giờ học, giờ làm.
     
    17/08/2018
    .
  • Trung tâm y tế huyện Bố Trạch: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

    (QBĐT) - Những năm qua, đội ngũ y, bác sỹ của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Bố Trạch luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, khám và chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Nhờ đó, Trung tâm đã tạo được sự tin tưởng của người dân khi đến khám và điều trị.

    16/08/2018
    .
  • Rụng tóc có phải do thiếu chất?

    Em năm nay 25 tuổi, gần đây tóc em bị rụng rất nhiều, mặc dù em đã thay dầu gội bằng nước bồ kết và là sả, lá bưởi nhưng không cải thiện. Xin bác sĩ giúp em cách gì để tóc không rụng?
    15/08/2018
    .
  • Bộ trưởng Y tế: Không thể để bệnh nhân đợi khám bệnh đến 4 tiếng

    "Không thể để bệnh nhân phải chờ đợi đến 4 giờ đồng hồ để khám bệnh, các bệnh viện cần giảm bớt thủ tục phiền hà, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân..." là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y dược - hai bệnh viện đầu ngành tại thành phố Hồ Chí Minh, chiều 13-8. 
     
    14/08/2018
    .
  • Tăng cường xã hội hóa các phương tiện tránh thai

    (QBĐT) - Thời gian qua, cùng với việc bảo đảm hậu cần các phương tiện tránh thai, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã chỉ đạo các Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh xã hội hóa các phương tiện tránh thai nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ.

    14/08/2018
    .
  • Quảng Ninh: Tập huấn các văn bản pháp luật về hành nghề dược

    (QBĐT) - Huyện Quảng Ninhvừa tổ chức hội nghị tập huấn các văn bản pháp luật liên quan về hành nghề dược cho 50 chủ quầy dược, cán bộ phụ trách dược ở các đơn vị liên quan.

    14/08/2018
    .
  • Phường Hải Đình: Triển khai hiệu quả công tác dân số

    (QBĐT) - Trong những năm qua, phường Hải Đình, TP. Đồng Hới luôn triển khai thực hiện hiệu quả công tác truyên truyền, vận động người dân thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch, nâng cao chất lượng dân số. Nhờ đó, phường trở thành một trong những điểm sáng của thành phố Đồng Hới trong thực hiện các chỉ tiêu về công tác DS - KHHGĐ.

    14/08/2018
    .
  • 'Bảo đảm đủ vắc xin phòng chống bệnh dại cho người dân'

    (QBĐT) - Đó là khẳng định của bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trước một số thông tin cho rằng, tỉnh ta đang thiếu hụt vắc xin phòng chống bệnh dại.

    13/08/2018
    .