.

'Công thức' sống thọ của nữ điều dưỡng 102 tuổi

.
07:52, Thứ Sáu, 18/05/2018 (GMT+7)
Bước qua tuổi 102, bà Ngô Thị Hai - một trong những nữ điều dưỡng đầu tiên ở Việt Nam - vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ở tuổi xưa nay rất hiếm, “công thức” nào kéo dài tuổi thọ của bà?
Ngoài việc chăm sóc sức khỏe thể chất, bà Ngô Thị Hai rất chú trọng đến sức khỏe tinh thần. Trong ảnh: bà đang sửa soạn lẵng hoa trước khi đến Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM) chúc mừng Ngày quốc tế điều dưỡng - Ảnh: XUÂN MAI
Ngoài việc chăm sóc sức khỏe thể chất, bà Ngô Thị Hai rất chú trọng đến sức khỏe tinh thần. Trong ảnh: bà đang sửa soạn lẵng hoa trước khi đến Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM) chúc mừng Ngày quốc tế điều dưỡng - Ảnh: XUÂN MAI
Hiện nay, bà sống trong một căn nhà nhỏ nép sau khu nhà thờ tại quận 5, TP.HCM với một người đồng hương để phụ bà các công việc nặng nhọc và một chú chó. "Cô Hai vô khuẩn", "Cô Hai vô trùng" là những biệt danh mà các thế hệ học trò gọi bà, bởi vì khi làm việc, bà rất nghiêm túc.
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Hai cho rằng "bí quyết" sống thọ và khỏe thực tế không cao siêu như mọi người nghĩ. Bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể áp dụng được. Vấn đề là có thật sự kiên trì thực hiện mỗi ngày hay không.
 
Bước ngoặt thay đổi thể trạng
 
Sinh năm 1916 tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Theo nguyện vọng của bố, học xong lớp đệ tứ (lớp 9), bà lên Sài Gòn học Tây y với hi vọng "ngành y có thể giúp đời".
 
Với những nỗ lực không ngừng trong suốt quá trình học tập tại Trường Hồng thập tự Pháp, cũng như công tác tại Bệnh viện Lalung Bonnaire (nay là Bệnh viện Chợ Rẫy), năm 1960 bà và một số người bạn được chọn đi du học Canada.
 
Lúc đó, cân nặng của bà chỉ vỏn vẹn ở con số 37kg nên các cơ quan an ninh kiểm tra rất gắt gao. "Họ nói tôi ốm quá, sợ qua đó rồi không chịu nổi khí hậu lạnh giá vì lúc bấy giờ có nhiều người đã chết do viêm phổi nặng" - bà Hai nhớ lại.
 
Không cam chịu thân hình nhỏ bé, ốm yếu của mình lúc bấy giờ, bên cạnh việc học, bà tiến hành đi tìm hiểu sâu chế độ dinh dưỡng và tập luyện của người bản xứ.
 
"Sau vài tháng, tôi tăng được 10kg và giữ những tiêu chuẩn ăn uống, vận động, nghỉ dưỡng cho đến nay" - bà Hai chia sẻ.
 
Về nước, bà Hai không ngừng chia sẻ, hướng dẫn chi tiết với đồng nghiệp, người thân, bạn bè, bệnh nhân về chế độ dinh dưỡng, tập luyện, cách chế biến món ăn - một điều rất lạ lẫm lúc bấy giờ.
 
Một ngày của "Cô Hai vô khuẩn"
 
Hằng ngày, bên cạnh việc ăn uống đúng giờ, đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường trái cây và rau xanh, cũng như duy trì vận động mà bà duy trì áp dụng, bà còn có "công thức" sống khá khác biệt với mọi người mà bà cho rằng đã giúp bản thân sống khỏe đến bây giờ. Bà tiết lộ "liệu trình":
 
1. Sáng đi bộ, ăn cơm nóng:
 
Đều đặn mỗi ngày, sau khi vệ sinh cá nhân, khoảng 4h30 là bà đi bộ đến nhà thờ. Bà cho rằng đi bộ đến nhà thờ là "cơ hội" để cơ thể luôn vận động, giảm thiểu tối đa các bệnh về cơ - xương - khớp ở người già.
 
Trong khoảng thời gian làm nghề điều dưỡng, vì tính chất công việc phải đi lại thường xuyên nên lượng thời gian làm việc là lượng thời gian tập thể dục của bà.
 
Thực đơn mỗi buổi sáng của bà là cơm nóng và thức ăn được nấu từ tối qua. "Cuộc sống ngày càng vội vã nên mọi người không đủ thời gian chuẩn bị nấu một bữa ăn sáng tại nhà. Do đó mua thức ăn đường phố là lựa chọn hàng đầu, trong khi thức ăn đường phố thường không đảm bảo vệ sinh mặc dù rất ngon. Theo tôi, nếu không đủ thời gian nấu bữa sáng thì mọi người nên chuẩn bị từ bữa tối hôm trước" - bà Hai nói.
 
2. Trưa ngủ 1 tiếng đồng hồ, xế đọc sách:
 
Sau khi dùng bữa trưa, bà chợp mắt 1 tiếng đồng hồ. Trong một ngày, bà không nhất thiết phải đọc sách vào buổi nào. Tuy nhiên, bà thường đọc vào buổi xế chiều sau khi ngủ dậy vì phù hợp với các hoạt động của bà. "Đọc sách không chỉ mang lại kiến thức và sự hiểu biết mà còn giúp tôi rèn luyện trí não mỗi ngày. Thói quen này tôi đã duy trì từ khi còn trẻ" - bà Hai kể.
 
3. Chiều dạo sân vườn, chơi thú cưng:
 
Khoảng sân nhà thờ nơi bà đang sống rất nhiều cây xanh, bà thường đi dạo nhẹ nhàng tại đây vào mỗi buổi chiều vì thời tiết cuối ngày mát mẻ.
 
Bên cạnh bà lúc nào cũng có một chú chó. Bà cho hay ngoài việc nuôi chó để giữ nhà, chó còn làm bạn của bà trước cuộc sống neo đơn.
 
4. Tối ngủ vào lúc 22h30 và bắt đầu ngày mới lúc 4h:
 
Tuổi già đôi khi làm bà khó ngủ nhưng thường ngày bà đi ngủ vào lúc 10h30 và dậy lúc 4h. Ngủ đủ giấc nhưng khoa học (ngủ sớm, dậy sớm) sẽ giúp bà tỉnh táo và bắt đầu một ngày mới khỏe khoắn.
Hãy cười nhiều hơn
 
Bà Hai rất chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng cách cười nhiều hơn, tham gia các câu lạc bộ tình nguyện, thỉnh thoảng kéo đàn violon cùng ban nhạc nhà thờ vào những ngày lễ lớn.
Sống được đến bao nhiêu tuổi tùy thuộc vào chính bạn
Dù 102 tuổi nhưng bà Ngô Thị Hai vẫn duy trì thói quen đọc sách - Ảnh: XUÂN MAI
Dù 102 tuổi nhưng bà Ngô Thị Hai vẫn duy trì thói quen đọc sách - Ảnh: XUÂN MAI
Tuổi thọ của một người thông thường có khoảng 15% phụ thuộc di truyền, nhưng có tới 60% được quyết định bởi chính cá nhân người đó. Do vậy, từ khi còn nhỏ bạn cần phải biết đến việc chăm sóc sức khỏe.
 
20 tuổi là bạn đã phải nên tự biết cách chăm sóc sức khỏe một cách cẩn thận. 40 tuổi, các chỉ số sức khỏe nên ở mức bình thường. Trước 60 tuổi, người chưa có bệnh. 80 tuổi nếu còn bơi lội thì người chưa già. 90 tuổi vẫn còn có thể chạy những bước nhẹ nhàng. Thì cứ như vậy nhẹ nhàng sống lên trăm tuổi.
 
GS.TS Trần Khả Kỳ (quốc y đại sư ưu tú Trung Quốc)
Theo XUÂN MAI (Tuổi trẻ)
,