.

'Liều thuốc quý' bị nhiều người bỏ qua

Thứ Hai, 28/08/2017, 15:22 [GMT+7]

“Liều thuốc quý” này ai cũng có thể có được, đó là... tập thể dục. Không ít người đã dùng liệu pháp tập thể dục để chữa bệnh. Ngoài ra, vận động cơ thể còn giúp tinh thần thư thái, giảm căng thẳng mệt mỏi...

 Một nhóm bạn trẻ cùng đạp xe - Ảnh: T.T.D.
Một nhóm bạn trẻ cùng đạp xe - Ảnh: T.T.D.

Tập luyện thể dục thể thao không chỉ nâng cao thể lực mà còn có tác dụng phòng bệnh, chữa bệnh.

Chạy bộ để xả stress

Chị Nguyễn Thị Hoài Trang (24 tuổi, ngụ ở Q.3, TP.HCM) chia sẻ rằng cách đây hơn 4 tháng, chị bị stress, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, mệt mỏi, tâm trạng nóng nảy, dễ cáu bẳn. Lúc đó, chị nghĩ đến việc chạy bộ sau mỗi giờ làm. Công ty của chị gần công viên trung tâm Q.1. Mỗi ngày, tầm 18h, sau khi tan sở, chị thay đồ tập thể dục, chạy bộ quanh đây.

"Tôi chạy tầm 3 vòng là 4,5km. Nhờ những buổi chạy bộ như vậy tôi thấy đầu óc nhẹ nhàng, giảm stress hẳn", chị Trang cho biết. Từ đó, chị đã chạy bộ đều đặn 4-5 buổi/tuần. Ngoài ra chị còn đi học nhảy, cũng là một cách vận động.

Công việc văn phòng phải ngồi hằng ngày nên trước đó chị Trang bị mỏi và đau lưng. Từ khi chạy bộ, đi bộ, chị thấy đỡ hẳn, cơ thể nhiều năng lượng, vui vẻ, thoải mái hơn.

Chị bảo chạy bộ máu huyết được lưu thông, mồ hôi ra nhiều nên cảm thấy da dẻ mình cũng hồng hào và đẹp hơn dạo trước. Tập về mệt nên chị ăn nhiều hơn và tăng được cân, có sức bền.

Chị kể về một lần leo núi mới đây: “Phải băng qua gần 60km đường khó đi, nhiều loại địa hình, bạn bè ai cũng lo tôi không đi được nhưng cuối cùng tôi còn đi khỏe hơn nhiều người".

Khởi động cơ thể trước khi tập và tập luyện đúng cách để tránh chấn thương khi tập tạ là lưu ý của bác sĩ - Ảnh: T.T.D.
Khởi động cơ thể trước khi tập và tập luyện đúng cách để tránh chấn thương khi tập tạ là lưu ý của bác sĩ - Ảnh: T.T.D.

Hết đau nhờ yoga

Trong khi đó, chị P.T.K.A. (39 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) nhờ tập luyện yoga mà đã giảm được đau lưng. Chị kể: "Cách đây 2 năm - sau khi sinh con thứ 2, tôi bị đau lưng nặng. Tối đi làm về tôi phải nhờ cậu con đấm thật mạnh vào lưng cho đỡ đau. Có khi cảm tưởng như lưng mất cảm giác, đau quá nên tê".

Rồi chị tham gia lớp yoga do cơ quan tổ chức, đều đặn 3 buổi/tuần. Sau 3 tháng, những cơn đau lưng dần biến mất. Và chị tiếp tục duy trì tập đến nay.

"Từ ngày tham gia lớp yoga, tôi thấy mình yêu đời hơn, giảm mệt mỏi. Cơ thể dẻo dai, nhiều sức sống, có năng lượng hơn để làm việc", chị nói.

Còn chị T.C. cũng nhờ vận động bằng cách đạp xe đạp mỗi ngày mà giảm cân, giảm được chứng đau tĩnh mạch.

Tập luyện để phòng và chữa bệnh

ThS.BS Nguyễn Đức Thành - phụ trách khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết đã có những bằng chứng khoa học chứng minh tác dụng phòng và chữa bệnh của việc tập luyện thể dục thể thao.

Theo ông, tập luyện làm tăng sức mạnh, sức bền của các khối cơ, dây chằng, cột sống. Khi bị bệnh, các cơ bị co rút, thắt lại nên khi luyện tập sẽ giúp kéo giãn ra, hỗ trợ cho việc dùng thuốc giãn cơ khi cần thiết. Ví dụ như đau lưng, khi cúi xuống chạm tay xuống đất, kéo giãn theo chiều gập lại. Còn đứng chống hai tay vào hông, ưỡn ra phía trước thì sẽ kéo giãn theo chiều duỗi ra.

Các bài tập nếu được tập theo thời gian dài sẽ làm gân cơ, dây chằng có sức mạnh, và sức chịu đựng dẻo dai hơn so với những người không tập luyện.

Bên cạnh đó, luyện tập cũng có tác dụng lên hệ tim mạch, hô hấp, hệ tâm thần kinh. Ngoài ra, khi luyện tập, cơ thể sẽ tiết ra morphin nội sinh, làm cho cơ thể sảng khoái, bớt căng thẳng, bớt đau nhức, dễ ngủ hơn.

Bác sĩ Thành cho biết nhiều người chơi thể thao bị “nghiện”, chơi quen rồi bỏ cảm thấy bứt rứt chân tay, buồn bực khó chịu, là do cơ thể tiết ra morphin, khi ngừng chơi thì cơ thể thiếu chất này.

Bên cạnh việc tập luyện các môn thể dục thể thao, bác sĩ Thành khuyên mọi người, nhất là người làm việc văn phòng nên tập các động tác giúp giãn gân, cơ, cột sống cổ, thắt lưng như cúi, ngửa, xoay sang hai bên, gấp duỗi, xoay khớp và phải làm định kỳ, chừng 1-2 tiếng làm một lần.

Các hoạt động đi bộ, bơi lội, đạp xe... đều tốt cho cơ thể. Những người có bệnh chuyên biệt thì phải đi khám để được hướng dẫn cách tập luyện cụ thể với các bài tập riêng, hỗ trợ các phương pháp điều trị 
bệnh khác.

6 lưu ý về chế độ ăn

Ngoài tập thể dục, người bệnh rất cần lưu ý chế độ ăn. Dưới đây là 6 điều cần lưu ý về chế độ ăn dựa vào các nghiên cứu y học:

1. Chọn những thức ăn nhiều màu sắc và chất xơ, hầu hết là dạng tự nhiên, sẽ có giá trị dinh dưỡng cao và hợp khẩu vị.

2. Tránh hoặc hạn chế tối đa những thực phẩm chế biến sẵn. Những thức ăn và thuốc uống như bánh snack, thịt xông khói, bột mì trắng, các thực phẩm và nước uống chứa đường nên được kiêng. Khoa học chứng minh: 7,4% các trường hợp tử vong do tim mạch - chuyển hóa có liên quan thức uống ngọt chứa đường, 8,2% liên quan đến thịt đã qua chế biến.

3. Chọn những chế độ ăn thực tế, có cân đối để giảm cân và duy trì cân nặng. Chế độ thành công nhất là chế độ ăn mà những người bệnh có thể áp dụng dễ dàng. Tùy thuộc vào thể trạng của người bệnh, những thầy thuốc sẽ chọn phương pháp phù hợp để áp dụng. Những chế độ thường được khuyến cáo để giảm và duy trì cân nặng như sau:

- Tăng ăn rau và trái cây.

- Tiêu thụ các thực phẩm nhiều chất xơ.

- Tiêu thụ những thực phẩm ngũ cốc nguyên cám.

- Tăng lượng nước uống.

- Ăn đủ lượng đạm (protein)

- Ăn đủ lượng chất béo có lợi...

4. Tiêu thụ các loại dầu có lợi cho sức khỏe: dầu cá, dầu ôliu, dầu từ trái bơ, dầu hạt chia...

5. Kiêng thịt đỏ để sống thọ hơn. Dù thịt đỏ là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy tiêu thụ nhiều thịt đỏ có liên quan đến ung thư, đái tháo đường và bệnh tim mạch.

6. Tiêu thụ thực phẩm lên men, lợi khuẩn và chất xơ để có sức khỏe đường tiêu hóa tốt hơn.

BS Mai Văn Bôn (Theo Medscape)

 

“Nhịp tim, nhịp thở tăng lên khi luyện tập là cách rèn luyện cho tim, phổi có thể chịu đựng ở mức độ cao hơn. Nếu không luyện tập, khi làm gì phải gắng sức thì tim đập nhanh, phổi thở gấp, sẽ mệt, khó thở

 
BS Nguyễn Đức Thành

 

 

 

 

 

Theo Ngọc Loan - Minh Phượng (Tuổi trẻ)