.

Thêm một bước tiến "thần kỳ" của ngành vi phẫu Việt Nam

Thứ Ba, 20/12/2016, 14:48 [GMT+7]

Ngày 20-12, theo thông tin từ Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), các bác sỹ của bệnh viện đã tiến hành một ca phẫu thuật ghép dây thần kinh chéo ngực giúp cánh tay phải bị liệt của một chiến sỹ công an bị tai nạn trên đường làm nhiệm vụ có thể vận động trở lại bình thường.

Các bác sỹ của Bệnh viện 19-8 thực hiện ca ghép dây thần kinh chéo ngực cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các bác sỹ của Bệnh viện 19-8 thực hiện ca ghép dây thần kinh chéo ngực cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ca phẫu thuật do giáo sư Nguyễn Việt Tiến - một trong những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về kỹ thuật vi phẫu và êkíp các bác sỹ Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện 19-8 thực hiện.

Bệnh nhân được phẫu thuật thành công tên N.T.Châu (26 tuổi), công an tỉnh Quảng Trị. Sau khi bị tai nạn, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu, kiểm tra ban đầu, chẩn đoán chỉ bị gãy xương, không có vết thương. Nhưng sau đó, toàn bộ tay phải của anh không có cảm giác, không cử động được.

Sau đó, anh Châu có đi kiểm tra lại, các bác sỹ cho biết cánh tay phải của anh đã bị liệt hoàn toàn. Chấp nhận số phận, anh Châu đã bắt đầu tập làm mọi việc, từ những công việc sinh hoạt đơn giản hàng ngày, cho đến việc cầm bút viết, lái xe... bằng tay trái.

Sau gần 6 tháng bị tai nạn, nghe thông tin từ một trường hợp bị tương tự giống anh đã được mổ thành công tại Bệnh viện 19-8, anh Châu đã quyết định tới điều trị, chỉ với hy vọng có thể phục hồi được phần nào chức phận của chi thể.

Đến nay, sau hơn một năm được phẫu thuật ghép dây thần kinh chéo ngực, kết hợp tập các bài tập phục hồi chức năng theo chỉ dẫn của các bác sỹ, chức phận tay phải của anh Châu đã phục hồi đạt gần 90% và anh đã trở lại với cuộc sống sinh hoạt và công tác trong ngành công an. Không chỉ vậy, anh Châu còn có thể chơi một số môn thể thao không vận động quá mạnh.

Ca phẫu thuật thành công đã khẳng định bước tiến “thần kỳ” của kỹ thuật vi phẫu Việt Nam, vốn đã được ghi danh vào nền y học thế giới. Đây là một phẫu thuật khó mà hiện chưa có nhiều bệnh viện ở Việt Nam triển khai thành công.

Cho đến nay, giáo sư Nguyễn Việt Tiến đã thực hiện hàng trăm ca ghép thần kinh chéo ngực, hơn 40 ca chuyển ngón chân thành ngón tay và hàng trăm ca nối chi thể đứt lìa, hàng trăm ca chuyển vạt tự do để điều trị những khuyết hổng phức tạp ở chi thể (nhiều chi thể đứng trước nguy cơ cắt cụt) với tỷ lệ thành công và phục hồi chức năng đều đạt trên 95%.

Theo giáo sư Tiến, khi bị tai nạn, do tay bị giằng giật mạnh và đột ngột nên làm các rễ thần kinh của đám rối thần kinh cánh tay bị nhổ khỏi tủy sống cổ. Đây là nguyên nhân làm toàn bộ tay bị mất vận động và cảm giác. Vì tổn thương thần kinh này ở sâu bên trong nên người bệnh không biết được tình trạng thực của bệnh ngay sau tai nạn, do nhiều trường hợp da không bị rách và xương không bị gãy hoặc chỉ thấy được gãy xương nếu có.

Do đó, nhiều người bệnh sau khi gặp tai nạn này đã để muộn quá 6 tháng mới đến cơ sở bệnh viện có đủ khả năng thực hiện phẫu thuật hoặc không đến tiến hành phẫu thuật mà đi châm cứu, khiến kết quả phục hồi vận động và cảm giác của cánh tay đạt tỷ lệ thấp, thậm chí có thể bị liệt suốt đời.

Giáo sư Tiến khuyến cáo, trong đời sống lao động và sinh hoạt thường ngày, do nhiều sơ suất nên những trường hợp bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, đứt rời chi thể, hoặc di chứng cụt mất ngón tay, hoặc những khuyết hổng phức tạp ở chi thể xảy ra khá nhiều. Đây đều là những tổn thương gây ảnh hưởng lớn tới chức năng của chi thể và rất khó điều trị. Vì vậy, người bệnh cần tới những bệnh viện có đủ khả năng giải quyết để được điều trị kịp thời./.

Theo Thùy Giang (Vietnam+)