.

Những quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá: Chưa được chú trọng thực hiện

Thứ Năm, 22/12/2016, 16:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Trước những tác hại khôn lường của thuốc lá đối với sức khỏe con người, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định về phòng chống tác hại thuốc lá. Đã chính thức có hiệu lực trong một thời gian dài nhưng những quy định này vẫn không được chú trọng thực hiện. Tình trạng người dân vô tư hút thuốc lá nơi công cộng, nhiều cơ sở kinh doanh thuốc lá chưa được cấp phép vẫn bày bán công khai vẫn diễn ra như “chuyện thường ngày ở huyện”.

Vi phạm nhiều...

Có mặt tại ga Đồng Hới vào giờ cao điểm khi có đoàn tàu về ga, chúng tôi được dịp chứng kiến cảnh phì phèo thuốc lá của không ít người đàn ông ở đây bất chấp nhà ga đang đông người kể cả người già, trẻ em. Đa số họ là các tài xế taxi, xe ôm đang đợi đón khách. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hầu như ngày nào tình trạng này cũng diễn ra. Khi được hỏi, một tài xế xe ôm cho biết: “Tôi làm nghề xe ôm ở đây lâu rồi, chưa bao giờ nghe đến quy định cấm hút thuốc hay có ai nhắc nhở gì nên thèm là hút”.

Tại khuôn viên Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới và nhiều bệnh viên khác, chúng tôi nhiều lần bắt gặp hình ảnh bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vô tư hút thuốc lá tại khu vực hành lang dù đã có biển cấm, còn ở ngoài hành lang phòng chờ khám bệnh vẫn xuất hiện nhiều người thản nhiên hút thuốc, nhả khói mù mịt, rất đông người bệnh đang ngồi và tỏ vẻ rất khó chịu với việc này. Việc hút thuốc diễn ra công khai như vậy mà không thấy lực lượng bảo vệ, nhân viên của bệnh viện nhắc nhở, xử lý.

Ngoài ra, phần lớn người dân khi được hỏi vẫn ngơ ngác chưa biết gì về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực và sẽ xử phạt những người hút thuốc lá nơi công cộng. Đang hút thuốc tại hành lang bệnh viện, anh Minh, người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện cho rằng: “Tác hại của thuốc lá thì tôi đã biết nhưng hút thuốc mà bị xử phạt thì chưa thấy ai nói gì. Để tránh không ảnh hưởng đến người khác nên ra tôi ngoài hành lang hút thuốc”.

Không hề hay biết gì về quy định bán thuốc lá phải được cấp giấy phép, nhiều người vẫn bày bán thuốc lá công khai mà không bị xử lý.
Không hề hay biết gì về quy định bán thuốc lá phải được cấp giấy phép, nhiều người vẫn bày bán thuốc lá công khai mà không bị xử lý.

Nghị định số 176/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá quy định rõ: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại những địa điểm được phép hút thuốc lá. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi...

Thực chất, quy định cấm hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng đã có từ năm 2005, rất lâu trước khi Nghị định 176 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 31-12-2013, nhưng xem ra, điều luật này đã và đang bị không ít người phớt lờ. Bằng chứng là tại các địa điểm công cộng như nơi làm việc, bệnh viện, nhà ga, trường học, bến xe, công viên... vẫn nhan nhản người hút thuốc một cách công khai, “tự nhiên”. Không ít trường hợp bị nhắc nhở, người hút thuốc lá ở nơi cấm còn trả lời tỉnh bơ "thấy thèm thì hút, có ai phạt đâu mà lo!”. Bất chấp việc đã được ban hành và có hiệu lực, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định nhưng rất nhiều người vẫn tỏ phớt lờ rồi tiếp tục vi phạm.

Liên quan đến thuốc lá còn có quy định về các điều kiện kinh doanh thuốc lá cũng đang bỏ ngỏ. Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-8-2013, nhưng Nghị định 67/NĐ-CP về việc thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá vẫn chỉ là quy định... trên giấy. Nghị định này nêu rõ để được bán sản phẩm thuốc lá, thì các thương nhân phải có giấy phép kinh doanh; có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải từ 3m2 trở lên; có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá... Chưa đề cập đến các điều kiện khác, chỉ riêng điều kiện phải có giấy phép kinh doanh thuốc lá cũng đủ thấy rất hiếm cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc lá đáp ứng được.

Dù luật đã có hiệu lực đã lâu, nhưng hiện các điểm bán lẻ thuốc lá ở tỉnh ta vẫn hoạt động như cũ và dường như rất ít người biết đến quy định này. Một chị bán hàng tạp hóa ở đường Võ Thị Sáu (TP.Đồng Hới) tỏ ra khá ngạc nhiên: “Giờ tôi mới nghe chuyện để bán vài bao thuốc lá mà phải thực hiện các quy định như vậy. Nhưng nếu luật đã thi hành thì sao tôi không thấy cơ quan chức năng nào nhắc nhở, hướng dẫn. Tôi cứ bán hàng hóa kèm bán lẻ thuốc lá như trước nay vẫn làm vậy thôi”.

...Nhưng khó xử lý

Ai phạt? Phạt như thế nào? Đó là băn khoăn mà không ít người đã bày tỏ về việc thi hành các quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Thực tế cho thấy các cơ quan chức năng tỉnh ta đang gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc thi hành các quy định, điều luật mà nguyên nhân là do những bất cập, “khe hở” ngay trong chính các văn bản quy phạm pháp luật này.

Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP, ngày 14-11-2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì những người có quyền được phạt gồm: Chủ tịch UBND các cấp xã, phường, thị trấn, tỉnh/thành phố; thanh tra y tế, thanh tra viên, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ; Chánh thanh tra Sở Y tế và Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế; Chánh thanh tra thuộc Bộ và Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình... Nhiều lực lượng như vậy, nhưng xem ra việc xử phạt hút thuốc nơi công cộng gặp rất nhiều khó khăn, bởi không có lực lượng nào chuyên trách. Trong khi đó, nhân viên ở các bệnh viện, bến xe lại không có thẩm quyền xử phạt. Đa số bảo vệ ở các bệnh viên trên địa bàn tỉnh đều chia sẻ: Khi phát hiện người hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện, họ chỉ nhắc nhở, nhưng khi chúng tôi quay lưng đi, họ tiếp tục hút. Mà lực lượng bảo vệ ở bệnh viện không nhiều, nên không thể nhắc nhở tất cả mọi người hút thuốc.

Hiện ở các bệnh viện, nhà ga hay bến xe chỉ được lắp đặt biển cấm hút thuốc, yêu cầu bảo vệ theo dõi, nhắc nhở, còn việc xử phạt người hút thuốc ở những nơi công cộng, thì những đơn vị này lại không có thẩm quyền vì thế rất khó dẹp tình trạng hút thuốc ở nơi đây. Hơn nữa, số người vi phạm đông, diễn ra trên địa bàn rộng, việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, khó kiểm soát, để xử phạt được phải bắt tận tay, trong khi lực lượng có quyền xử phạt người hút thuốc lá không đúng nơi quy định lại rất mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc nên không thể thường xuyên theo dõi, xử phạt được. Việc xử phạt không nghiêm khiến người dân thờ ơ với quy định.

Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp nhằm nhanh chóng đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, lãnh đạo nhiều ngành, địa phương cho rằng khi chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt các trường hợp vi phạm thì vấn đề nằm ở nhận thức của chính người dân. Do đó, khâu tuyên truyền vẫn được xem là chủ yếu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân lại không được coi trọng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chỉ một số ít địa phương “thỉnh thoảng có đề cập đến trong các buổi họp dân tại khu dân cư”, còn lại đa phần đều xem nhẹ việc tuyên truyền để bà con trên địa bàn hiểu rõ những quy định của pháp luật được ban hành, thậm chí nhiều nơi “không hề đả động” gì đến vấn đề này.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần nhanh chóng vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Có như thế tình trạng vi phạm các điều luật, quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá mới mong có được chuyển biến tích cực.

T.A