Châu Âu liệu có hạ nhiệt được giá nhiên liệu sau đòn trừng phạt dầu thô Nga?
Lệnh cấm vận dần dần đối với dầu mỏ của Nga đòi hỏi phải tìm ra các nguồn cung cấp thay thế, đặc biệt là đối với dầu diesel. Nhu cầu của Trung Quốc phục hồi sau đại dịch COVID-19 có thể khiến giá cả tăng cao hơn nữa.
Sau lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, một lần nữa, dầu thô đang leo lên mức cao mới. Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 6/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI đứng ở mức 117,80 USD/thùng, tăng 1,57 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent đứng ở mức 121,36 USD/thùng, tăng 1,64 USD/thùng.
Theo ông Vincent Declerck, Giám đốc thương mại của nhà cung cấp năng lượng Octa + : “Về giá cả, rõ ràng là điều này không đi đúng hướng. Thị trường đang trở nên khó khăn hơn, và tất nhiên điều đó khiến chúng tôi lo lắng".
Tháng 4 năm ngoái, theo số liệu từ Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), châu Âu vẫn mua khoảng 3,4 triệu thùng mỗi ngày các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, tức là 2 triệu thùng dầu thô và 1,4 triệu thùng các sản phẩm tinh chế (xăng, dầu diesel, naphtha). Do đó, đến cuối năm, 90% dòng chảy này sẽ phải được thay thế bằng các nguồn cung cấp khác. Một cuộc tìm kiếm mà các quốc gia và tập đoàn dầu mỏ châu Âu đã thực hiện trong vài tuần, đặc biệt là nhằm vào các nhà sản xuất ở Tây Phi như Nigeria, Angola và Bắc Phi (Algeria), Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Mỹ, nơi Tổng thống Joe Biden đã thúc giục các công ty dầu địa phương tăng sản lượng khai thác.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Marc Botenga, Nghị sĩ cánh tả Nghị viện châu Âu cho rằng việc EU áp đặt gói trừng phạt thứ 6 đối với dầu thô của Nga có nguy cơ khiến EU phụ thuộc hơn vào Mỹ về khí đốt hay vào Trung Đông, Arabia Saudi về dầu mỏ. Giá xăng dầu tiếp tục tăng cao ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động. Thậm chí, kế hoạch REPowerEU có mục tiêu đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng, tiết kiệm năng lượng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, cũng rất khó để giúp tăng cường nguồn dự trữ khí đốt của châu Âu.
Cơ chế "tàu liên lạc"
Trên thực tế, các thị trường đang dựa vào cơ chế “các tàu liên lạc”: dầu của Nga có thể tìm thấy các thị trường khác ở châu Á, điều này sẽ giải phóng hàng hóa khác đến châu Âu. Vì thế, người ta đặt cược rằng những khách hàng châu Á này, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ yêu cầu Nga giảm giá lớn để “loại bỏ” lượng dầu thô dư thừa của họ, điều này có thể giúp giữ giá trong sự kiểm soát tương đối. Tuy nhiên, dự đoán này vẫn chưa được đảm bảo.
Nếu việc tìm kiếm dầu thô dường như không phải là một vấn đề không thể vượt qua, thì mối quan tâm lại hướng vào các sản phẩm tinh chế, cụ thể là dầu diesel. Châu Âu sản xuất khoảng 80% lượng dầu diesel đường bộ, nhưng nhập khẩu của Nga vẫn chiếm khoảng 10% lượng tiêu thụ của châu Âu.
Nhiên liệu hoặc sẽ phải được lấy từ các nhà máy lọc dầu ở những nơi khác trên thế giới - ví dụ như ở Ấn Độ hoặc Arabia Saudi - hoặc được sản xuất thêm ở châu Âu, với điều kiện là có đủ biên độ sử dụng trong các nhà máy lọc dầu của Lục địa già.
Olivier Neirynck, Giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn các nhà kinh doanh nhiên liệu (Brafco), đảm bảo rằng sẽ không thiếu hụt. Đặc biệt là không phải ở Bỉ - nơi các nhà máy lọc dầu lớn ở Antwerp - TotalEnergies và Exxon - đã thực hiện các khoản đầu tư cần thiết để có thể xử lý các chất lượng khác nhau của dầu thô.
Tuy nhiên, ông Olivier Neirynck thừa nhận rằng nguồn cung này cho các nguồn mới nhiều khả năng sẽ khiến giá tăng cao, nếu chỉ để trang trải chi phí vận chuyển bổ sung để vận chuyển dầu thô từ các nước sản xuất xa hơn Nga.
Không có gì để mong đợi từ OPEC +
Trong môi trường cực kỳ căng thẳng này, nơi mà dòng chảy thương mại phải chuyển hướng trong một vài tháng, áp lực tăng giá không nên bỏ qua. Trong khi đó, người tiêu dùng ngán ngẩm khi nguy cơ lại phải đối mặt với giá xăng tiếp tục tăng. Sau cuộc họp chính sách hôm 2/6 vừa qua, OPEC+ đã quyết định tăng mạnh sản lượng khai thác thêm 650.000 thùng/ngày, cao hơn nhiều mức tăng sản lượng 432.000 thùng/ngày được thực hiện từ tháng 4/2022.
Sản lượng tăng đáng kể sẽ là biện pháp duy nhất có thể làm dịu cơn bùng nổ giá dầu mỏ, nhưng rất khó xảy ra.
Yếu tố cuối cùng bị đe dọa, và không kém phần quan trọng, theo Olivier Neirynck, đó là Trung Quốc sẽ trỗi dậy sau khi thoát khỏi làn sóng COVID-19 mới nhất đã ảnh hưởng đến quốc gia này, làm tê liệt một số thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh và làm chậm hoạt động kinh tế của đất nước. Giám đốc kỹ thuật của Brafco kết luận: Việc dỡ bỏ dần các hạn chế và tốc độ phục hồi nhu cầu của Trung Quốc sẽ là “yếu tố quyết định giá dầu tăng hay giảm”.
Theo Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.