Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thế giới đã ghi nhận trên 265 triệu ca mắc COVID-19

  • 09:09 | Chủ Nhật, 05/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 4-12 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng trên 265 triệu ca COVID-19, trong đó có trên 5,2 triệu ca tử vong. Trên 239 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn trên 20 triệu bệnh nhân đang được điều trị.
 
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Đông Nam Á, tình dịch bệnh ở Lào bước đầu có dấu hiệu cải thiện khi số ca mắc mới theo ngày đã giảm xuống mức 3 con số. Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 969 ca mắc mới COVID-19 tại 17 tỉnh/thành phố. Như vậy, sau 4 ngày liên tục ghi nhận ở mức 4 con số, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã giảm xuống mức 3 con số. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước khi ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng ở mức cao (450 trường hợp) trong một ngày tại 168 bản thuộc 9 quận.
 
Indonesia sẽ khởi động chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 trên toàn quốc từ tháng 1-2022 và triển khai đồng loạt trên cả nước. Các loại vaccine tiêm tăng cường ngừa COVID-19 sẽ được cung cấp miễn phí cho những người dân “đủ điều kiện”, trong khi những người còn lại sẽ phải nộp tiền để được tiêm chủng. Tính đến ngày 4-12, nước này đã cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho trên 240 triệu người, trong đó 142 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên và 98,6 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai mũi. 
 
Cảnh sát Quốc gia Indonesia sẽ cấm các hoạt động tập trung đông người trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới 2022 để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo đó, tất cả các hoạt động tập trung đông người chào đón dịp lễ cuối năm đều bị cấm nhằm ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, nhất là trong bối cảnh biến thể Omicron đang gây quan ngại trên thế giới. Trong dịp lễ sắp tới, tất cả các tỉnh thành trên cả nước sẽ thực hiện lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3, kể cả các địa phương đang ở trạng thái PPKM cấp độ 1 và cấp độ 2. Các hoạt động tập trung đông người như bắn pháo hoa, diễu hành, rước kiệu… sẽ bị cấm hoàn toàn.  
 
Singapore quyết định thắt chặt hơn nữa cơ chế xét nghiệm đối với với những người nhập cảnh qua Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL), đồng thời đóng cửa biên giới với thêm 3 quốc gia, nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập nước này. Theo đó, từ ngày 7-12, tất cả du khách nhập cảnh Singapore qua làn VTL sẽ phải thực hiện thêm các xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) hằng ngày. Họ sẽ phải tự làm xét nghiệm và cập nhật kết quả xét nghiệm theo đường link đã được cung cấp. Bộ Y tế cho biết các quy định xét nghiệm tăng cường này sẽ được duy trì trong ít nhất trong 4 tuần, đến hết ngày 2-1-2022. Ngoài ra, Singapore cũng đóng cửa đường biên với Ghana, Malawi và Nigeria. Du khách có từng tới 3 quốc gia này sẽ không được nhập cảnh hay quá cảnh tại Singapore bắt đầu từ ngày 5-12. Trước đó, Singapore đã đóng đường biên với 7 quốc gia châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe từ ngày 28-11.
 
Tại Hàn Quốc, giới chức y tế thông báo ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 theo ngày cao kỷ lục ở nước này, lần lượt là 5.352 ca và 70 ca. Tỷ lệ nhập viện vì COVID-19 đang tăng nhanh, đặc biệt số ca nặng hiện là 752 ca tính đến ngày 3-12. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 3 ca nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này tại Hàn Quốc lên 9 ca. Trong số ca nhiễm mới được ghi nhận, một cặp vợ chồng đã tiêm vaccine đầy đủ, có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi trở về từ Nigeria tuần trước.
 
Hàn Quốc đang chống chọi với làn sóng dịch tồi tệ nhất kéo dài từ tháng 7, thời điểm số ca nhiễm mới ở dưới ngưỡng 2.000 ca/ngày và chính phủ chuyển sang chủ trương "sống chung với COVID-19". Tuần này, số ca nhiễm mới ở nước này lần đầu tiên tăng lên mức 5.000 ca/ngày, gây sức ép lớn đối với hệ thống y tế. Hiện 91,7% người trưởng thành ở Hàn Quốc đã tiêm đầy đủ vaccine. 
 
Quần đảo Cook (Cook Islands) đã ghi nhận ca đầu tiên mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, trong bối cảnh quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương này chuẩn bị mở cửa trở lại đón khách du lịch. Ca mắc ghi nhận ở một bé trai 10 tuổi, đang cách ly sau khi nhập cảnh từ một chuyến bay hồi hương cùng gia đình ngày 2-12. Cậu bé này được cho là từ New Zealand về nước. Quần đảo Cook có khoảng 17.000 dân, là một trong những nước có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất thế giới, với 96% dân số ở độ tuổi tiêm chủng đã được tiêm đủ vaccine, và đã đóng cửa biên giới từ khi dịch COVID-19 bùng phát. 
 
Tại châu Âu, Đức đã thêm 5 quốc gia vào danh sách các nước có "nguy cơ cao" do dịch COVID-19, trong đó có hai nước láng giềng Thụy Sĩ và Ba Lan. Những du khách đến từ 5 quốc gia trên chưa tiêm vaccine sẽ phải tự cách ly 10 ngày. Tuy nhiên, kể từ ngày 5/12, những người đã ở lại 5 nước này trong 10 ngày trước khi đến Đức sẽ bị áp các quy định nhập cảnh khắt khe hơn.
 
Dịch bệnh tại Đức vẫn trong tình trạng báo động. Các chuyên gia y tế lo ngại các biện pháp chống dịch mới được chính phủ vừa thông qua chưa đủ mạnh để có thể phá vỡ được làn sóng dịch thứ tư hiện nay cũng như giảm áp lực cho các bệnh viện. Theo số liệu thống kê mới nhất, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 74.352 ca mắc mới và 390 ca tử vong do COVID-19. Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel đã thúc giục người dân Đức tiêm chủng đầy đủ phòng COVID-19, nhằm giúp nước này thoát khỏi làn sóng dịch lần thứ 4 mà theo bà là đã trở nên "nghiêm trọng" ở nhiều khu vực trên cả nước.
 
Anh ghi nhận nhiều ca nhiễm biến thể Omicron ở vùng England của nước là những người đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Cụ thể, trong số 22 ca nhiễm biến thể Omicron tại England được xác nhận tính đến ngày 30-11, có 12 ca phát hiện nhiễm sau hơn 14 ngày tiêm mũi vaccine gần nhất. Có 2 ca phát hiện nhiễm sau hơn 28 ngày kể từ khi tiêm mũi vaccine đầu tiên; 6 ca chưa tiêm vaccine và 2 ca chưa có thông tin tiêm chủng. Không có ca nào trong số 22 ca này nhập viện hay tử vong do COVID-19. Tính đến ngày 1-12, Anh ghi nhận 32 ca nhiễm biến thể Omicron và trên 82.000 ca nhiễm biến thể Delta. Theo đó, tổng số ca mắc COVID-19 do hai biến thể này tại Anh lên tới ít nhất 1,4 triệu ca. Trong vòng 24 giờ tính tới 9h sáng 3-12 theo giờ Anh, nước này có thêm 50.584 ca mắc mới COVID-19 và 143 ca tử vong. Hơn 80% dân số Anh từ 12 tuổi trở lên đã hoàn thành tiêm chủng.
 
Tại châu Mỹ, Ủy ban Tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada (NACI) khuyến nghị tất cả người Canada trên 50 tuổi và những người dễ bị tổn thương khác - như nhân viên chăm sóc y tế, thổ dân và những người sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn - cần tiêm mũi vaccine tăng cường, sử dụng loại vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA. NACI - một tổ chức độc lập gồm các chuyên gia về vaccine - cũng kêu gọi người Canada từ 18 đến 49 tuổi tiêm mũi tăng cường vaccine mRNA ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm thứ hai. Cũng theo ủy ban này, số ca mắc mới COVID-19, tỷ lệ phải nhập viện, phải điều trị tại các cơ sở chăm sóc tích cực (ICU) và tỷ lệ tử vong tiếp tục cao nhất ở những người không được tiêm chủng. Cơ quan y tế công cộng của thành phố Toronto thuộc tỉnh Ontario cũng thông báo ghi nhận 3 ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron.
 
Tại Mỹ, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết đã tiêm khoảng 2,18 triệu mũi vaccine trong ngày 2-12, mức cao nhất theo ngày trong vòng 6 tháng qua tại nước này. Số liệu của CDC Mỹ cho thấy khoảng 50% trong số mũi tiêm ngày 2-12 là mũi tiêm tăng cường và gần 33% là mũi tiêm đầu tiên. Cơ quan này kêu gọi người dân Mỹ tiêm vaccine phòng hoặc tiêm mũi tăng cường trong bối cảnh xuất hiện biến thể Omicron mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là đáng lo ngại. Tính đến chiều 3-12, tổng cộng 234.743.864 người Mỹ, tương đương 70,7% dân số, đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó 198.211.641 người đã tiêm đủ liều. Mỹ cũng đã tiêm mũi vaccine tăng cường cho 44.035.293 người, tương đương 22,2% người đã hoàn thành tiêm chủng.
 
Thêm 6 bang ở Mỹ đã xác nhận các ca nhiễm biến thể Omicron nhưng các chuyên gia cho biết biến thể Delta vẫn là mối đe dọa lớn nhất khi mùa Đông đến và người Mỹ bắt đầu các kỳ nghỉ và tụ tập. Đến nay biến thể Omicron đã xuất hiện tại khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu tác động của biến thể Omicron. Các bằng chứng ban đầu cho thấy biến thể này gây các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước.
 
Theo Lê Ánh (TTXVN)
 

tin liên quan

Trung Quốc: Bí quyết khống chế dịch COVID-19 thành công của Thượng Hải

Sau khi phát hiện 3 ca mắc COVID-19, các nhà điều tra dịch tễ phải đến hiện trường trong 2 giờ, hoàn tất các cuộc điều tra cốt lõi trong 4 giờ và hoàn thành các báo cáo dịch tễ học trong vòng 24 giờ.
 

Mỹ và Nhật Bản nhất trí phối hợp đối phó với biến thể Omicron

Bộ trưởng Suzuki Junichi nhấn mạnh việc thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định để đối phó với đại dịch đang diễn ra cũng như trong tương lai.
 

Nhiều nước châu Âu ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron

Nhiều nước châu Âu, trong đó có Italy, Đan Mạch, Đức và Hà Lan, ngày 28-11 đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể mới mang tên Omicron của virus SARS-CoV-2 được đánh giá có khả năng lây lan nhanh hơn.