Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thế giới ghi nhận trên 194,58 triệu ca mắc, 4,17 triệu ca tử vong do COVID-19

  • 08:56 | Thứ Hai, 26/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Theo trang thống kê worldmeter.info, tính đến 21h30 ngày 25-7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận trên 194,58 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có trên 4,17 triệu bệnh nhân không qua khỏi do COVID-19. Hiện số người bình phục là 176,61 triệu người.
 
Biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ đang lây lan nhanh tại nhiều nước, đặc biệt khu vực Đông Nam Á. 
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 25-7, Malaysia và Thái Lan thông báo tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới trong 1 ngày cao chưa từng thấy. Cụ thể, Malaysia ghi nhận 17.045 ca nhiễm mới, trong đó có tới 17.039 ca lây nhiễm trong cộng đồng, còn Thái Lan có 15.335 ca nhiễm mới. 
 
Bộ Y tế Thái Lan đang có kế hoạch chuyển 8,5 triệu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 tới những địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao trong thời gian tháng 8 và tháng 9, phục vụ công tác xét nghiệm người có nguy cơ lây nhiễm cao tại các vùng dịch. 
 
Trong khi đó, các nước Đông Nam Á khác như Indonesia, Philippines, Myanmar....tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày ở mức cao, lần lượt là 38.679 ca, 5.479 ca và 4.998 ca. 
Chuyển cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Bandung, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuyển cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Bandung, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil, trở thành quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất thế giới. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này được cho là cao hơn mức trung bình toàn cầu.
 
Những ngày gần đây, Indonesia đang trở thành tâm dịch COVID-19 ở châu Á và nhiều chuyên gia cảnh báo rằng tình hình này đang tạo ra những điều kiện cho sự xuất hiện của một biến thể virus SARS-COV-2 còn nguy hiểm hơn Delta. Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ hàng đầu người Indonesia, nhận định: "Các biến thể mới luôn xuất hiện ở những khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính thì nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát. Tại Indonesia, con số này cao hơn 10% trong khoảng 16 tháng ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là trên 30%. Vì thế rất có khả năng xuất hiện một biến thể mới hoặc siêu biến thể".
 
Trong bối cảnh đó, Indonesia quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế cấp độ 4 đối với các hoạt động cộng đồng (PPKM) từ ngày 26-7 - 2-8-2021 với một số điều chỉnh quy định liên quan đến các hoạt động cộng đồng và đi lại để đảm bảo phòng dịch và duy trì hoạt động kinh tế, động lực xã hội của cộng đồng.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Cũng là nước có số ca mắc cao, Hàn Quốc sẽ áp dụng mức độ giãn cách xã hội cao thứ hai (cấp độ 3) ở ngoài khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận bắt đầu từ ngày 27-7, nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 ở các tỉnh thành vào cao điểm của kỳ nghỉ Hè.
 
Tại châu Âu, sự lây lan biến thể Delta đang trở thành mối quan ngại của nhiều quốc gia. 
 
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã tăng trở lại từ đầu tháng 7, ông Helge Braun, Chánh văn phòng của Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo số lượng ca nhiễm virus mới sẽ tăng trong những tuần tới và có thể lên tới 100.000 ca mỗi ngày vào cuối tháng 9
 
Ông cho rằng cần tăng nhanh tỷ lệ tiêm chủng và thay đổi cách ứng phó để tránh kịch bản 1 ngày ghi nhận 850 ca nhiễm/100.000 người. Theo ông, nếu kịch bản này xảy ra sẽ gây tác động vô cùng lớn bởi khi đó sẽ rất nhiều người phải cách ly, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các nhà máy - điều đã xảy ra tại Anh.
 
Theo Viện dịch tễ Robert Koch, tổng số ca mắc COVID-19 tại Đức là 3,76 triệu người sau khi ghi nhận 1.387 ca mắc mới trong ngày 24-7. Tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 trong 7 ngày qua đã lên tới 13,8 người/100.000 người. Ông Braun kêu gọi người dân Đức đi tiêm chủng để bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ cộng đồng trước sự lây lan của dịch COVID-19.
 
Theo Lan Phương (TTXVN)