Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Châu Á sẽ bị động nếu không kiểm soát tốt COVID-19 trước khi Mỹ tăng lãi suất

  • 16:00 | Thứ Ba, 22/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Theo kênh CNBC đó là nhận định của nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty dịch vụ tài chính Moody’s Analytics. 
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Vịnh Marina, Singapore, ngày 14-5-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Vịnh Marina, Singapore, ngày 14-5-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Ông Steve Cochrane cho rằng các nước châu Á phải kiềm chế các làn sóng dịch bệnh COVID-19 để chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong tương lai.
 
Tuần trước, các quan chức FED tỏ dấu hiệu có thể tăng lãi suất vào năm 2023, mặc dù trước đó, hồi tháng 3, họ từng bình luận rằng FED sẽ không tăng lãi suất ít nhất cho tới năm 2024.
 
Lãi suất ở Mỹ tăng sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng trung ương ở các nước khác có thể phải tăng lãi suất để phòng vệ. Tăng lãi suất có thể giúp các nước tránh tình trạng dòng vốn chảy quá nhiều ra khỏi nền kinh tế, nhưng tăng lãi suất quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ kinh tế giảm tốc.
 
Ông Cochrane nhận định: “Các nước châu Á phải kiểm soát COVID-19 để một khi FED thực sự tăng lãi suất, các nền kinh tế châu Á đang ở tình trạng tốt và có thể thích nghi với quá trình thay đổi này”. Ông Cochrane dự báo FED có thể tăng lãi suất 25 điểm cơ bản mỗi quý từ năm 2023. 

 

Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 25-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 25-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhiều nền kinh tế châu Á như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia đang trải qua làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới trong những tháng gần đây, buộc các chính quyền phải áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Làn sóng lây nhiễm mới cũng xuất hiện khi tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 chậm lại ở Mỹ và châu Âu.
 
Trong một báo cáo tháng này, Ngân hàng Thế giới cho biết sản lượng kinh tế ở 2/3 quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương sẽ vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và chỉ thay đổi vào năm 2022. Các nhân tố cản trở tăng trưởng kinh tế tiềm năng ở những quốc gia này là các đợt bùng phát COVID-19 kéo dài và ngành du lịch toàn cầu sụp đổ.
 
Theo ông Cochrane, các đợt bùng phát COVID-19 khắp khu vực châu Á đang làm giảm mức cầu nội địa và giữ lạm phát ở mức trung bình. Nhận xét về tiến độ tiêm chủng tăng tốc ở một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore, ông Cochrane nói: “Điều đó tốt nhưng vẫn phải tiếp tục tăng tốc”. Ông cũng lưu ý rằng một số quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Philippines chưa kiểm soát tốt dịch và tiến độ tiêm chủng chậm chạp.
 
Theo Thùy Dương/Báo Tin tức