Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Israel cấm người nước ngoài nhập cảnh, Jordan phong tỏa dịp lễ hội

  • 14:37 | Thứ Năm, 21/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Chính quyền Israel yêu cầu người Israel trở về từ nước ngoài phải tự cách ly 14 ngày và gia hạn cấm hoàn toàn người nước ngoài nhập cảnh Israel ít nhất đến ngày 15-6, thay vì ngày 30-5.
Hành khách tại sân bay quốc tế Ben Gurion, Israel. (Nguồn: Reuters)
Hành khách tại sân bay quốc tế Ben Gurion, Israel. (Nguồn: Reuters)
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 20-5, Cơ quan quản lý sân bay Israel thông báo lệnh yêu cầu người Israel trở về từ nước ngoài phải tự cách ly 14 ngày và gia hạn cấm hoàn toàn người nước ngoài nhập cảnh Israel ít nhất đến ngày 15-6, thay vì ngày 30-5 như kế hoạch cũ.
 
Trong khi đó, hãng hàng không Israel El Al thông báo sẽ không tổ chức các chuyến bay đi và đến Israel cho đến ngày 20-6.
 
Quyết định này dựa trên yêu cầu của Bộ Y tế Israel về tự cách ly khi đến Israel, lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài và nhu cầu đi lại thấp.
 
Ngày 20-5, Bộ Y tế Israel xác nhận thêm 6 ca nhiễm virus SARV-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 16.665 ca, trong đó có 279 ca tử vong. Đây là số ca nhiễm trong ngày thấp nhất tại Israel kể từ ngày 7-3 vừa qua.
 
Nghiên cứu của Đại học Tel Aviv (TAU) cho thấy hơn 70% số bệnh nhân nhiễm virus SARV-CoV-2 ở Israel có nguồn gốc từ Mỹ.
 
Số còn lại đa phần có nguồn gốc từ các nước châu Âu, trong đó Bỉ chiếm 8%, Anh 5%, Tây Ban Nha 3%, tiếp đến là Italy, Philippines và Nga.
 
Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận này sau khi so sánh bộ gene của bệnh nhân Israel với 4.700 bộ gene của những người từ các khu vực khác nhau trên thế giới.
 
Tiến sỹ Adi Stern của Khoa Sinh học Tế bào Phân tử và Công nghệ Sinh học thuộc Đại học Tel Aviv cho rằng làn sóng lây nhiễm cao ở Israel liên quan người từ Mỹ trở về.
 
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng bệnh không tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế và vẫn tham dự các sự kiện đông người đã góp phần làm lây lan bệnh dịch tại Israel. 
 Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Amman, Jordan ngày 27-3-2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Amman, Jordan ngày 27-3-2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cùng ngày 20-5, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề truyền thông của Jordan Amjad Adaileh tuyên bố nước này sẽ áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn trong dịp lễ Eid al-Fitr trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở Jordan tăng mạnh trong những ngày qua.
 
Thông báo của Quốc vụ khanh Adaileh nêu rõ lệnh phong tỏa sẽ được áp đặt nhằm hạn chế tụ tập đông người trong kỳ nghỉ lễ của người Hồi giáo, bắt đầu từ đêm 21-5 đến ngày 24-5 tới.
 
Trong ngày 20-5, Jordan đã ghi nhận thêm 23 ca nhiễm tại thủ đô Amman, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 672 ca.
 
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 20-5, Thủ tướng Tunisia Elyes Fakhfakh đã công bố dự thảo kế hoạch tái thiết nền kinh tế gồm 7 chương, sau khi nước này cơ bản đã khống chế được dịch COVID-19.
 
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Fakhfakh khẳng định Tunisia đã đạt được những thành công to lớn trong việc đối phó với dịch COVID-19.
 
Mục tiêu thời gian tới của chính phủ là duy trì kết quả khả quan này, đồng thời tìm ra cách thức hiệu quả để khôi phục nền kinh tế.
 
Theo dự thảo kế hoạch, nội dung đầu tiên là tăng cường chủ quyền và an ninh quốc gia. Tiếp đến, chính phủ cần phải giữ được kết cấu kinh tế, tập trung để hồi sinh những ngành bị ảnh hưởng nhất, xoá bỏ tình trạng quản lý quan liêu, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, tạo thêm nhiều việc làm, chú trọng cuộc chiến chống tham nhũng…
 
Chương trình tái thiết kinh tế này sẽ được trình lên Quốc hội Tunisia vào cuối tháng tới. Nguồn lực để phục vụ chương trình sẽ được huy động từ các nguồn hiện có của đất nước.
 
Tại Ai Cập, nhà chức trách thông báo toàn bộ 320 bệnh viện đa khoa của nước này sẽ tiến hành xét nghiệm những bệnh nhân có triệu chứng mắc COVID-19.
 
Những người có triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly tại nhà trong khi đợi kết quả xét nghiệm, còn những bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn sẽ được cách ly tại bệnh viện.
 
Tính đến ngày 20-5, Ai Cập đã ghi nhận tổng cộng 14.229 ca nhiễm và 680 ca tử vong do COVID-19./.
 
Theo Công Đồng-Việt Thắng-Quang Trường (TTXVN/Vietnam+)