Quan tâm chế độ ưu đãi đặc thù với giáo viên dạy giáo dục quốc phòng an ninh
Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) yêu cầu quan tâm thực hiện các chế độ, ưu đãi đặc thù đối với giáo viên giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng an ninh (GDQPAN).
Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục quốc phòng an ninh (GDQPAN) năm học 2024-2025, yêu cầu chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện chất lượng, hiệu quả môn học GDQPAN theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đối với việc phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GDQPAN, Bộ yêu cầu các Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh, TP giao chỉ tiêu tuyển dụng đủ giáo viên GDQPAN theo quy định. Kiên quyết khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ, có kế hoạch cụ thể điều chuyển, biệt phái, tăng cường giáo viên GDQPAN từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Đối với nội dung giảng dạy thực hành, Bộ yêu cầu không sử dụng giáo viên không đúng với chuyên ngành GDQPAN. Cần xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyển dụng giáo viên GDQPAN đủ số lượng, đúng chuyên ngành. Chủ động các phương án tạo nguồn tuyển dụng thông qua hình thức đào tạo mới, đào tạo đại học văn bằng thứ 2.
Đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên GDQPAN phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương theo Chỉ thị 14/CT-TTg, ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GDQPAN có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp giảng dạy môn học GDQPAN; bảo đảm đủ về số lượng, tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy các nội dung thực hành đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn học GDQPAN.
Chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GDQPAN cốt cán để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng tại cơ sở; gắn tự bồi dưỡng với nội dung sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong trường, cụm trường để nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn về GDQPAN.
Ưu tiên lựa chọn giảng viên chuyên ngành Chỉ huy tham mưu, Chính trị và An ninh
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT yêu cầu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên GDQPAN; bảo đảm đủ số lượng giảng viên cơ hữu giảng dạy nội dung chương trình môn học GDQPAN theo quy định.
Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên có phẩm chất, đạo đức, trình độ, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, kỹ năng phương pháp giảng dạy, quản lý đáp ứng yêu cầu quản lý và giảng dạy môn học GDQPAN.
Giảng viên thỉnh giảng phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên ngành đào tạo đúng với nội dung được phân công giảng dạy; có sức khoẻ và độ tuổi phù hợp, có phương pháp, kỹ năng sư phạm đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Ưu tiên lựa chọn giảng viên chuyên ngành Chỉ huy tham mưu, Chính trị và An ninh đã, đang công tác trong các nhà trường quân đội, công an.
Theo Chinhphu.vn