Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Lá chắn thép" nơi biên cương

  • 10:49 | Thứ Sáu, 31/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Gần 2 năm đại dịch Covid-19 xảy ra, những “người lính mang quân hàm xanh” bám chốt “ăn núi, ngủ rừng” suốt dọc dải biên cương, góp phần bảo vệ từng mảnh đất máu thịt của Tổ quốc, gìn giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
 
Thật khó có thể nghĩ rằng, giữa lúc nhân loại đang tập trung phòng, chống đại dịch Covid-19, thì những kẻ gieo rắc "cái chết trắng” vẫn âm thầm tuồn qua biên giới lượng lớn ma túy đến thế. Càng giật mình hơn nếu lượng lớn ma túy ấy lọt qua biên giới, thẩm lậu vào nội địa, thì những hậu quả nó để lại cho xã hội sẽ còn khó có thể tưởng tượng nhiều hơn nữa.
 
Đại tá Đinh Văn Lưu, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT-TP)-Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy, những miếng mồi “siêu lợi nhuận” đã khiến chúng sẵn sàng làm tất cả để đạt được mục đích của mình. Chúng luôn biết khai thác và tận dụng triệt để tất cả những cơ hội có được để hoạt động. Trong điều kiện đặc thù ở khu vực biên giới, chúng lại càng manh động, táo tợn và liều lĩnh. Nhận định được tình hình, ngay từ khi dịch bệnh xảy ra, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động các phương án, sẵn sàng đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ các nguy cơ đe dọa cộng đồng. Vì vậy, dù hành vi, thủ đoạn hoạt động tinh vi đến đâu, chúng cũng khó thoát được “tai mắt” của lực lượng BĐBP.
 
Cũng chính vì vậy, sau mỗi chuyên án đấu tranh thành công, họ lại tiếp tục bước vào một chuyên án khác. Cứ như vậy, các đường dây, tổ chức tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia lần lượt “sa lưới”, bị xóa bỏ ngay từ các “cửa ngõ” biên giới nước ta. Mỗi một chuyên án bị triệt phá, đồng nghĩa với việc cộng đồng, xã hội bớt đi một mối hiểm nguy từ những kẻ chuyên đi gieo rắc "cái chết trắng” này.
 
Để có được những chiến công ấy, những người lính quân hàm xanh không chỉ “nếm mật nằm gai” đương đầu với hiểm nguy, mà họ đánh đổi bằng máu. Đó là cuộc đấu trí âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt. Ở đó còn thể hiện ý chí, bản lĩnh, trí tuệ của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Trung tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh BĐBP trao thưởng lãnh đạo Ban chuyên án QB1121 (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh).
Trung tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh BĐBP trao thưởng lãnh đạo Ban Chuyên án QB1121 (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh).
 
Tại buổi lễ trao thưởng cho các lực lượng đánh án trong Chuyên án QB 1121 thu giữ 304.000 viên ma túy tổng hợp cuối tháng 11-2021, Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP đã đánh giá, đây là chuyên án mẫu mực về tổ chức, cách đánh và công tác phối hợp giữa ban chuyên án và các lực lượng. Bởi đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia do hai đối tượng Kẹo La Khon Vin Khăm Pa Sợt (50 tuổi) và Tích Sỹ Hạp Păn Nha (SN 1996) (sinh sống tại huyện Thu Lạ Khôn, Viêng Chăn, Lào) được tổ chức rất chặt chẽ và khép kín, chủ yếu là người thân trong gia đình. Các đối tượng hoạt động trên nhiều địa bàn, cả ở nội địa lẫn trên biên giới và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động. Đặc biệt, chúng còn triệt để lợi dụng mạng xã hội, như: Zalo, viber, facebook để giao dịch, mua bán ma túy.
 
Đại tá Đinh Văn Lưu cho hay, điều tra, làm rõ vai trò, tìm hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm này chỉ là bước đầu cho việc thành lập chuyên án. Bởi có nắm chắc đường đi nước bước, thời gian, địa điểm, đối tượng giao-nhận ma túy và các di biến động của chúng, mới có phương án, kế hoạch đấu tranh thực sự hiệu quả. Chưa hết, trong quá trình đấu tranh, ban chuyên án cũng phải nhiều lần thay đổi phương án, chiến thuật đánh bắt. Điểm nổi bật và có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của chuyên án này chính là việc tạo các tình huống nghiệp vụ để thúc đẩy tiến độ phá án.
 
“Rung chà cá nhảy” là một trong những biện pháp nghiệp vụ đã được Ban chuyên án đặt ra để dụ dẫn các đối tượng lọt vào “mẻ lưới” khó thoát đó. Ngày các đối tượng nói trên “sa lưới”, “tấm lưới” phong tỏa của các lực lượng BĐBP đã bung ra trên hơn 3km đường biên giới, với những phương án kiểm soát làm trong sạch khu vực phá án, tổ chức mật phục, đón lõng các đường mòn dự kiến đối tượng xâm nhập qua biên giới, sẵn sàng truy bắt và bắt quả tang đối tượng. Đây cũng là chuyên án triệt phá vụ vận chuyển ma túy tổng hợp có số lượng lớn nhất từ trước đến nay (trị giá hơn 30 tỷ đồng) trên tuyến biên giới phía Tây của tỉnh và các tuyến biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia-Trung Quốc, do BĐBP tỉnh chủ trì đấu tranh, bắt giữ.  
 
Tương tự, tháng 3-2021, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã xác lập Chuyên án QB-321 và bóc gỡ đường dây buôn bán, vận chuyển chất ma túy được xem là “khép kín” nhất từ trước đến nay trên tuyến biên giới Việt-Lào.
 
Sau khi xác định được đối tượng cầm đầu, hàng chục trinh sát lão luyện được tung vào tận hang ổ tội phạm để tiếp cận đối tượng và lần lượt giải mã các phương thức hoạt động của đường dây tội phạm. Một thời gian sau, các trinh sát đã lần ra các “mắt xích” trong đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy chuyên nghiệp này là do Bun Vàng trú tại Bô Ly Khăm Xay (Lào) cầm đầu.
Các đối tượng và tang vật trong đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia trong Chuyên án QB 1121.
Các đối tượng và tang vật trong đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia trong Chuyên án QB 1121.
Khoảng giữa tháng 6-2021, Ban chuyên án QB-321 nhận được thông tin về việc đối tượng chuẩn bị đưa “hàng” qua biên giới. Khác với những lần trước, lần này, đích thân "ông trùm" Bun Vàng ra tay, trực tiếp mang “hàng” vượt qua biên giới với tuyến đường mà theo y là an toàn, bí mật nhất.
 
Tham vọng của chúng là sẽ tuồn số lượng “hàng” rất lớn về ém sát biên giới hai nước Việt-Lào, sau đó tìm cách đưa ma túy vào nội địa và tiếp tục vận chuyển đến các nước thứ ba. Tuy nhiên, kế hoạch của tên “trùm” ma túy này không thực hiện được. Bun Vàng bị lực lượng BĐBP tỉnh “tóm gọn” khi đang cõng trên lưng 20 bánh cần sa khô.
 
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, trong điều kiện thực hiện mục tiêu “kép” vừa quản lý, bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới Tổ quốc, vừa phòng, chống dịch Covid-19, BĐBP tỉnh cũng đã tích cực, chủ động trong tấn công, trấn áp, ngăn chặn các loại tội phạm ngay từ “cửa ngõ” biên giới.
 
Việc đấu tranh thành công các chuyên án, nhất là các chuyên án ma túy lớn trong năm qua thể hiện tinh thần dũng cảm, ý chí quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị trong toàn lực lượng BĐBP tỉnh, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Năm 2021, lực lượng PCMT-TP (BĐBP tỉnh) đã đấu tranh thành công 4 chuyên án, 5 kế hoạch nghiệp vụ; chủ trì và phối hợp với các lực lượng bắt giữ, xử lý 75 vụ/52 đối tượng, thu giữ hơn 315.000 viên ma túy tổng hợp, 13kg heroin, 20 bánh cần sa khô (20kg), gần 3kg ma túy đá...
 
Dương Công Hợp

tin liên quan

Thắm tình hữu nghị nơi biên giới Việt-Lào

(QBĐT) - Những ngày cuối năm 2021, chúng tôi ngược đường 20 Quyết Thắng đến với các bản làng  đồng bào Ma Coong nơi vùng biên giới phía Tây của tỉnh. Mặc dù giao thương Việt-Lào nơi miền biên giới này gần như bị "đóng băng" do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng tình cảm truyền thống vẫn luôn được đồng bào hai nước tiếp tục giữ gìn, vun đắp bằng nhiều việc làm, nghĩa cử cao đẹp…
 
 

Triển khai nhiệm vụ quốc phòng-an ninh năm 2022

(QBĐT) - Sáng nay, 30-12, các đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tổng kết nhiệm vụ quốc phòng-an ninh (QP-AN) năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

950 công dân Quảng Bình nhập ngũ vào các đơn vị quân đội trong năm 2022

(QBĐT) - Được sự ủy quyền của UBND tỉnh và Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh, ngày 28-12, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức hội nghị hiệp đồng giao, nhận quân năm 2022.