Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Kỷ niệm 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 12-12-2021):

Những đơn vị tiền thân của LLVT Bình Trị Thiên

  • 08:45 | Thứ Bảy, 18/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cách mạng Tháng Tám thành công, trong không khí sôi sục cách mạng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, nhân dân ta ra sức xây dựng lực lượng mọi mặt. Đi đôi với nâng cao đời sống kinh tế và văn hóa, cả nước tích cực phát triển lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, quyết tâm bảo vệ Nhà nước công nông còn non trẻ, chống lại dã tâm xâm lược của các thế lực đế quốc...
 
Tại Bình-Trị-Thiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ ba tỉnh, trên cơ sở lực lượng du kích và tự vệ đã cùng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương thắng lợi, kết hợp với sự hưởng ứng mạnh mẽ của các binh sĩ yêu nước và phong trào tham gia quân đội cách mạng sôi nổi của thanh niên, học sinh, sinh viên, các chi đội Vệ quốc quân mang tên các nhà yêu nước Trần Cao Vân, Nguyễn Thiện Thuật, Lê Trực được thành lập. Đó là những đơn vị tiền thân của Đại đoàn Bình Trị Thiên (Đại đoàn 325, sau này gọi là Sư đoàn 325).
 
Chi đội Trần Cao Vân thành lập tháng 9-1945 ở Huế. Quân số ban đầu khoảng 2.000 người. Năm 1946, đơn vị đổi tên thành Trung đoàn Trần Cao Vân và cuối năm 1947 đổi thành Trung đoàn 101. Chi đội Nguyễn Thiện Thuật thành lập ngày 19-9-1945 tại thị xã Quảng Trị. Quân số ban đầu có hơn 2.000 người.
 
Năm 1946 đổi thành Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật và năm 1947 thành Trung đoàn 95. Chi đội Lê Trực thành lập cuối tháng 9-1945 tại thị xã Đồng Hới. Quân số ban đầu có hơn 1.000 người. Cuối năm 1947 Chi đội đổi tên thành Tiểu đoàn 274 và tháng 4-1949 thành Trung đoàn 18.
 
Buổi đầu thành lập, cả ba chi đội gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mỗi chi đội chỉ vài trăm khẩu súng cũ kỹ đủ các kiểu và vài trăm viên đạn. Cán bộ, chiến sỹ đều là những người giàu lòng yêu nước, tự nguyện gia nhập LLVT cách mạng, chưa hiểu biết gì về quân sự, lại phải đương đầu ngay những thử thách quyết liệt.
 
Ngày 23-9-1945, được quân Anh giúp sức, thực dân Pháp nổ súng tấn công ta ở Sài Gòn, rồi mở rộng chiến tranh ra toàn Nam bộ, Campuchia và Nam Trung bộ, với tham vọng chiếm cả Đông Dương. Cuối tháng 10-1945, bọn tàn binh Pháp co cụm ở Trung Lào, được tiếp viện, đánh vào miền Tây Quảng Bình, Quảng Trị.
 
Để đập tan sự đe dọa của kẻ thù trên vùng biên giới và phối hợp với tiếng súng kháng chiến của quân và dân Nam bộ, các Chi đội Trần Cao Vân, Nguyễn Thiện Thuật, Lê Trực lập tức tiến lên phía Tây đường 9 và đường số 12 chiến đấu. Đến đầu tháng 12-1945 quân ta đã anh dũng chiến đấu đánh bật quân địch ra khỏi Khe Sanh, Lao Bảo.
 
Tiếp đó, được sự giúp đỡ của nhân dân Lào, quân ta băng qua vùng rừng núi hiểm trở, tiến sâu vào vùng căn cứ của địch, tập kích thị trấn Sê Pôn, diệt và bắt gọn 33 tên Pháp, thu toàn bộ vũ khí và lừa, ngựa, làm cho quân địch khiếp sợ. Trên đà thắng lợi, quân ta tiến công đánh tan bọn Pháp ở Mường Phìn, Hội Cay, cầu Thạc Thuông dọc đường số 9, Mụ Dạ, Ba Na Phào dọc đường 12…
 
Bằng những chiến công đó, các chiến sỹ Bình- Trị-Thiên đã mở đầu xuất sắc trang sử chiến đấu của mình và bước đầu rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong tác chiến, chuẩn bị cho những cuộc đọ sức gay go, quyết liệt mới.
 
Không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã phản bội Hiệp định sơ bộ ngày 6-3 và tạm ước ngày 14-9, trở mặt, nổ sung tấn công ta nhiều nơi. Hưởng ứng chủ trương của Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ngày 18 và 19-12-1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch ngày 20-12-1946 và Chỉ thị toàn dân kháng chiến ngày 22-12-1946 của Trung ương Đảng, nhân dân cả nước vùng lên quyết sống mái với quân thù, cứu nước, cứu nhà.
 
Lúc này, trên địa bàn khu 4, địch còn tập trung ở Vinh (Nghệ An) khoảng một trung đội, ở Huế một tiểu đoàn 750 tên. Đi đôi với chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài, Liên khu ủy và Ủy ban Kháng chiến Liên khu 4 chủ trương sử dụng LLVT địa phương bao vây tiến công quân Pháp ở Vinh và Huế.
 
Đêm 19 rạng ngày 20-12-1946, hòa cùng tiếng súng đánh địch ở Thủ đô Hà Nội và cả nước, các chiến sỹ Trung đoàn Trần Cao Vân và tự vệ Huế, được sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân, đã đồng loạt tấn công vào các trại lính của Pháp, liên tục 50 ngày đêm, tiêu diệt hơn 200 quân Pháp.
 
Trước tình hình đó, viễn chinh Pháp ở Đông Dương tăng cường lực lượng, ồ ạt tấn công vào Bình-Trị-Thiên. Ngày 17-1-1947, hơn 5.000 quân Pháp từ Đà Nẵng theo Quốc lộ 1 và đường biển đánh ra Huế, đánh vào cửa Thuận An và cửa Tư Hiền. Sau khi chiếm được Thừa Thiên-Huế, vào trung tuần tháng 2-1947, địch dồn lực lượng đánh ra Quảng Trị. Sáng 27-3-1947, hải quân Pháp tấn công vào cửa biển Nhật Lệ, cửa biển sông Gianh và thị xã Đồng Hới…
 
Trung đoàn Trần Cao Vân, Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật, Chi đội Lê Trực vừa mới thành lập, kinh nghiệm chưa có, trình độ tác chiến còn non, vũ khí thô sơ và thiếu thốn, lại phải đương đầu với đội quân xâm lược nhà nghề, nhưng đã kiên cường chiến đấu ghi đậm nhiều chiến công trên đèo Hải Vân, đèo Phước Tượng, Mũi Né, dọc sông Truồi, Rào Quán, Đầu Mầu, Mai Lĩnh, Cầu Duồi, trên cửa sông Nhật Lệ, Thuận Lý, Diêm Điền, Hòa Duyệt… để lại trong lòng nhân dân sự cảm phục sâu sắc và mãi mãi không quên những chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.
 
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, sự giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân khắp cả nước, Đại đoàn Bình trị Thiên- Đại đoàn 325 đã từng bước lớn mạnh và trưởng thành. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại đoàn 325 tham gia nhiều chiến dịch, đánh hơn 400 trận lớn nhỏ, diệt và bắt sống hơn hai vạn tên địch, thu nhiều phương tiện vũ khí.
 
Trận chống càn đầu tiên thắng lợi giòn giã của chủ lực Bình Trị Thiên ở Mỹ Xuyên tháng 8-1949 chứng tỏ bộ đội ta đã có thể phát triển tiến công địch với những hình thức cao hơn. Đó là chiến thắng Xuân Bồ (5-1950), chiến thắng ở Chấp Lễ-Hạ Cờ, chiến thắng ở Thanh Lâm Bồ (7-951), chiến thắng ở Sen Bàng (5-1952), chiến thắng ở Ba Đồn (ngày 31-5-1952) đập tan tuyến phòng ngự của quân Pháp ở phía Bắc Quảng Bình…
 
Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 325 sẽ mãi không quên ngày đơn vị đánh thắng trận đầu ở Thanh Hương, Mỹ Xuyên, Phong Điền, Thừa Thiên-Huế (ngày 11-3-1951), đánh bại hai binh đoàn của thực dân Pháp. Đơn vị đã chọn ngày này làm ngày truyền thống của Sư đoàn 325. Đến nay, đã tròn 70 năm lịch sử, truyền thống “đoàn kết-kiên cường-thần tốc-táo bạo-quyết thắng” vẫn luôn là điểm tựa để bộ đội Đoàn Bình Trị Thiên ra sức rèn luyện, thi đua, ghi thêm những chiến công.
 
Là 1 trong 6 đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta, trải qua hai cuộc kháng chiến, Sư đoàn 325 đã chiến đấu khắp các chiến trường, từ Thừa Thiên-Huế ra đến đồng bằng sông Hồng, từ chiến trường miền Nam đến khu vực Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Cán bộ, chiến sỹ sư đoàn đã tham gia hơn 2.000 trận đánh lớn, nhỏ; tiêu diệt và bắt sống hàng vạn tên địch, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
 
Với những thành tích nổi bật trong chiến đấu, Sư đoàn 325 vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Quyết chiến, Quyết thắng”. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sư đoàn đảm nhiệm một hướng đột kích quan trọng trên hướng tiến công chủ yếu của Quân đoàn 2. Một bộ phận của sư đoàn trong đội hình thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập, góp phần xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. 
 
Với nhiều chiến công như vậy, sư đoàn, 4 trung đoàn, 3 tiểu đoàn, 8 đại đội, 1 tiểu đội và 10 cán bộ, chiến sỹ đã được Đảng, Nhà nước và Quốc hội tuyên dương danh hiệu cao quý "Anh hùng LLVT nhân dân"; hàng nghìn tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
 
 Kim Cương

tin liên quan

Đoàn kết hữu nghị, chung sức vượt qua đại dịch

(QBĐT) - Dịch Covid-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu cũng như khu vực. Phát huy truyền thống đoàn kết gắn bó, hòa bình, hữu nghị, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình cùng với lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Khăm Muộn (Lào) đã có nhiều biện pháp phối hợp tích cực, kịp thời ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19 xâm nhập qua biên giới.

Nâng cao chất lượng trong diễn tập khu vực phòng thủ TP. Đồng Hới

(QBĐT) - Sáng nay, 17-12, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ sự nghiệp Khoa học-Công nghệ (KH-CN) cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ: "Nghiên cứu hoạt động của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong diễn tập khu vực phòng thủ TP. Đồng Hới", do Ban Chỉ huy Quân sự TP. Đồng Hới chủ trì thực hiện.

Sơ kết 2 năm thực hiện chương trình phối hợp "Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân"

(QBĐT) - Sáng nay, 17-12, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 1 tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình phối hợp "Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân" tại Quảng Bình.