Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Về giữa... yêu thương

  • 11:39 | Chủ Nhật, 27/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hàng chục em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được họ cưu mang, giúp đỡ trong tình yêu thương và trách nhiệm. Ở đó, các em được tiếp sức, nuôi dưỡng mơ ước đến trường và được rèn luyện, giáo dục cách ứng xử, kỹ năng sống. Họ chính là cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh.
 
Đồn Biên phòng là “gia đình” thứ 2
 
Hơn 3 năm sống, học tập tại Đồn BP Nhật Lệ, em Phạm Gia Nghĩa (SN 2007) ở TDP 3, phường Hải Thành (TP. Đồng Hới) đã xem đồn là ngôi nhà thứ 2, còn các CBCS ở đây như là người thân trong gia đình.
 
Gia đình Nghĩa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố Nghĩa bị bệnh hiểm nghèo, mẹ lại không có công ăn việc làm ổn định. Trong gia đình lại còn có ông bà nội đã già yếu, trên 90 tuổi. Từ nhỏ, 2 chị em Nghĩa đã lớn lên trong cảnh thiếu thốn, vất vả.
 
Năm 2016, khi Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường”, Nghĩa là 1 trong 4 trường hợp được Đồn BP Nhật Lệ giúp đỡ. Số tiền trợ cấp hàng tháng 300 nghìn đồng của CBCS nơi đây đã trở thành động lực “tiếp sức” thêm cho con đường đến trường của Nghĩa. 
Sau một thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, 5 em nhỏ “con nuôi đồn BP” ở Đồn BP Cà Xèng đã dần thay đổi, tiến bộ hơn.
Sau một thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, 5 em nhỏ “con nuôi đồn BP” ở Đồn BP Cà Xèng đã dần thay đổi, tiến bộ hơn.
Năm 2018, khi chương trình “Con nuôi đồn BP” được triển khai, xét thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình Nghĩa (lúc này Nghĩa đang là học sinh lớp 6), Đồn BP Nhật Lệ đã đưa em vào nuôi dưỡng tại đơn vị.
 
Nghĩa kể, lúc mới vào sống tại đơn vị, Nghĩa cũng sợ các chú bộ đội lắm, vì chú nào cũng nghiêm. Nhưng một thời gian, thấy chú nào cũng thương yêu, chăm sóc, bảo ban, Nghĩa không còn sợ nữa.
 
Lúc ở nhà, ngoài giờ học, 2 chị em Nghĩa còn phải phụ giúp mẹ nhặt rau để mẹ có thời gian đi làm và chạy chợ. Giờ vào sống ở đây, em được ăn thức ăn ngon hơn và có thời gian học tập nhiều hơn. Ngoài ra, em còn được các chú bộ đội dạy chơi các môn thể thao để nâng cao sức khỏe.
 
Trung tá Nguyễn Trung Dũng, Chính trị viên Đồn BP Nhật Lệ cho biết: “Từ khi vào sống ở đơn vị, không những thể lực, sức khỏe của Nghĩa được nâng lên, mà thành tích học tập càng ngày tốt hơn. Từ một cậu bé “cò hương”, ốm yếu, giờ đây cậu học sinh chuẩn bị bước vào lớp 9 đã ra dáng thanh niên, chững chạc, tự tin hơn trước rất nhiều”.
 
Chị Võ Thị Hoa, mẹ của Gia Nghĩa cho biết, anh chị đến với nhau khá muộn. Ba của Nghĩa vốn đã bị câm điếc bẩm sinh từ nhỏ. Năm 2014, anh tiếp tục bị bệnh u não. Gia đình vốn đã vất vả lại càng thêm túng thiếu, nên 2 chị em Gia Nghĩa càng nheo nhóc, vất vả. Từ đó, một mình chị là trụ cột và là lao động chính kiếm sống nuôi cả gia đình. Mỗi ngày hết chạy chợ, buôn bán mớ rau, còn ngoài ra ai thuê gì làm nấy. Kể từ khi ba Nghĩa bị bệnh, một mình chị khó có thể đảm đương được chuyện  học hành của 2 chị em Gia Nghĩa.
 
“May sao có các chú BĐBP giúp đỡ, động viên nên con đường học tập không những Nghĩa, mà còn của chị gái Nghĩa (năm nay bước sang lớp 11) không bị đứt đoạn. Từ khi Gia Nghĩa được vào sống tại đồn, tôi lại càng yên tâm hơn”, chị Hoa chia sẻ.
 
Không những thế, cuối năm 2020 vừa qua, gia đình chị được CBCS Đồn BP Nhật Lệ kêu gọi các nhà tài trợ giúp đỡ, sửa chữa, cải tạo lại nhà. Ngôi nhà cũ, gần bên bờ sông Nhật Lệ giờ đây có thể giúp chị yên tâm hơn trước mỗi mùa mưa bão đến.  
 
Yêu thương và trách nhiệm
 
Khác với hình ảnh xộc xệch, lấm lem của những đứa trẻ khác ở vùng cao xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), 5 em nhỏ con nuôi của Đồn BP Cà Xèng (4 em người Rục và 1 em người Sách, thuộc dân tộc Chứt) luôn sạch sẽ, gọn gàng từ áo quần đến mái tóc. Dường như được sống trong môi trường quân đội, được chăm chút, nuôi dưỡng, các em trở nên tự tin, nhanh nhẹn và hoạt bát hơn.
 
Trong số 5 em nhỏ này, Cao Ngọc Huyên (SN 2006) tộc người Sách, ở bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) được xem là anh cả. Bởi, Huyên lớn tuổi nhất và là trường hợp “con nuôi đồn BP” đầu tiên được Đồn BP Cà Xèng nhận nuôi dưỡng từ tháng 5-2019.
 
Huyên vừa tốt nghiệp THCS và chuẩn bị theo học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Mồ côi bố từ nhỏ, Huyên sống với mẹ và chị gái. Chính vì vậy, nếu không được Đồn BP Cà Xèng đưa về nuôi dưỡng, kèm cặp, chắc chắn con đường đến trường của Huyên sẽ không có được kết quả như ngày hôm nay.
 
Thiếu tá Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên Đồn BP Cà Xèng cho biết: “Sau trường hợp của Cao Ngọc Huyên, đơn vị đã tiếp tục khảo sát, lựa chọn và nhận nuôi thêm 4 em người Rục ở bản Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa). Các em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ở đồn, các em không chỉ được nuôi ước mơ đến trường, mà còn được rèn luyện, giáo dục cách ứng xử, giao tiếp và các kỹ năng sống hàng ngày. 
Em Phạm Gia Nghĩa trong “gia đình” thứ 2 ở Đồn BP Nhật Lệ.
Em Phạm Gia Nghĩa trong “gia đình” thứ 2 ở Đồn BP Nhật Lệ.
Tuy nhiên, do các em tuổi còn nhỏ và ảnh hưởng lối sống ở nhà của bà con, thời gian đầu, CBCS cũng gặp phải không ít khó khăn, như: các cháu thường trốn về nhà, thường xuyên ngủ dưới nền nhà, đi chân đất...
 
Song vượt lên tất cả, với tình cảm yêu thương, trách nhiệm, sau một thời gian gần gũi, động viên, kèm cặp, các em đã thích nghi, thay đổi, tiến bộ hơn, không chỉ trong nhận thức, hòa nhập cuộc sống, mà còn đạt được kết quả học tập tốt”.
 
Đại tá Lê Văn Tiến, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết, từ năm 2016 đến nay, các đơn vị BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu “Nâng bước em tới trường” 73 em (hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng) và nhận nuôi dưỡng 23 em “con nuôi đồn Biên phòng”, trong đó có 8 em học sinh Lào. Đây là những trường hợp có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, mồ côi, không nơi nương tựa.
 
Chương trình không chỉ mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà còn thể hiện tình cảm và trách nhiệm của lực lượng BĐBP đối với người dân ở các địa bàn biên giới. Hiệu quả bước đầu của mô hình còn là động lực để cán bộ, chiến sỹ BĐBP tiếp tục thực hiện nhiều mô hình hướng về cơ sở, tạo điều kiện cho học sinh nghèo được học tập, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết quân dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.
 
Dương Công Hợp