Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vững vàng nơi biên cương

  • 07:51 | Thứ Hai, 15/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giữa đại dịch Covid-19, họ lùi sâu vào rừng lặng lẽ dựng lán, “canh” phòng dịch bệnh xâm nhập từ bên kia biên giới. Khi nhân dân oằn mình vật lộn trong cơn lũ lịch sử, họ dầm mình trong biển nước để cứu dân. Nói như Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh: “Càng khó khăn bao nhiêu, nguy hiểm bao nhiêu, chúng tôi, những cán bộ chiến sỹ (CBCS) BĐBP, người lính Cụ Hồ càng phải quyết tâm bấy nhiêu”...
 
“Giải cứu”... dân
 
Không còn những nếp nhà sàn của một bản làng Vân Kiều bình yên bên lưng núi, giờ đây 34 hộ dân (với 152 nhân khẩu) ở bản Sắt, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) phải sinh sống trong các căn lều bạt căng tạm. Bà Hồ Thị May (70 tuổi) nhìn sang phía bản cũ kể, mấy chục năm sinh sống nơi đây, giờ bà mới chứng kiến trận lũ lớn như vừa rồi. Những năm trước, lũ lụt cũng chỉ ngập vài nhà trong vài ngày là hết.
 
Nhưng năm nay, nước lũ cứ dâng lên cao mãi, ngập sàn, rồi đến gần mái nhà. Hầu hết nhà sàn của bà con đều bị ngập. Bà con phải chuyển đến tránh lũ trong những ngôi nhà chưa bị ngập. 5 ngày, rồi hơn 10 ngày, nước lũ cứ “bám” bản mãi, không chịu rút cạn, trong khi bà con không có phương tiện để ra ngoài. May sao, có BĐBP vào tiếp cận và ứng cứu.
Lán trại do BĐBP dựng cho người dân bản Sắt di dời tránh ngập lụt và sạt lở.
Lán trại do BĐBP dựng cho người dân bản Sắt di dời tránh ngập lụt và sạt lở.
Thượng tá Lê Đình Huân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng (BP) Làng Mô cho biết, sau khi nước lũ dâng cao, biết tình hình của bà con, đồn liền cử lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương mang theo phương tiện, cắt rừng vào bản để cứu dân. Tình hình lúc đó rất nguy cấp, bởi bản Sắt không chỉ bị ngập và chia cắt, mà hàng trăm sinh mạng của người dân nơi đây đang đứng trước nguy cơ sạt lở núi đe dọa. Dãy núi phía sau bản xuất hiện những vết nứt sâu, chạy dài hàng chục mét.
 
Không còn lựa chọn nào khác, phương án di dời dân nhanh chóng được tiến hành. Vì tình thế rất cấp bách, cơn bão số 10 đang đe dọa nên trước mắt, đơn vị nhanh chóng sử dụng cơ sở vật chất của mình để dựng 9 lán trại cho bà con ở. Cùng lúc đó, hàng chục CBCS và lực lượng quân sự địa phương cũng khẩn trương chặt tre nứa, mua lều bạt để dựng lán. Chỉ trong 2 ngày, toàn bộ bà con ở bản Sắt đã được di dời ra khỏi vùng ngập lụt và khu vực nguy hiểm. Và giờ đây, khu vực nơi 34 hộ dân bản Sắt di dời đến đã có 33 lán trại và một lán khá rộng làm nơi dạy học cho giáo viên, học sinh.
 
Đối mặt hiểm nguy
 
Thượng tá Phan Thanh Bổng, Đồn trưởng Đồn BP Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo nhớ lại: “Khoảng 10 giờ sáng ngày 19-10-2020, chúng tôi phát hiện tường nhà ở và nhà làm việc của đơn vị có dấu hiệu sụt lún và có nhiều vết nứt dài gần 1m. Khoảng 2 tiếng sau, nhiều vết nứt lớn hơn tiếp tục xuất hiện.
 
Chúng tôi lập tức báo cáo về Bộ chỉ huy xin chỉ đạo và đề nghị cho di chuyển quân ngay để phòng tránh nguy cơ sạt lở đất. Khoảng 13 giờ 30 phút, đơn vị bắt đầu sử dụng xe bán tải để di chuyển quân ra khỏi đồn. Đến 19 giờ tối hôm đó, khi công tác di dời hoàn tất, lực lượng, người và toàn bộ tài sản của đơn vị vừa rút, thì cả quả núi ngay bên cạnh đồn đổ sụp xuống, kéo theo khu vực đóng quân của đồn cũng bị sập và chìm sâu vào lòng đất”.
 
Chưa hết, Thượng tá Bổng kể tiếp, trong quá trình vận chuyển, đường Quốc lộ 12A ở ngay phía trước đồn càng ngày càng rạn nứt lớn, nên đơn vị phải tạm ngừng di chuyển cơ sở vật chất, cho bộ đội về vị trí an toàn. Nếu không phát hiện và di .chuyển kịp thời thì hậu quả khôn lường.
 
Vừa đến nơi ở mới an toàn, nhận thấy các hộ dân ở bản Cha Lo ở gần đó cũng đang trong tình thế nguy hiểm, đơn vị tiếp tục huy động lực lượng cùng chính quyền địa phương đến, một mặt vận động bà con di dời, mặt khác tìm kiếm, bố trí nhà của dân ở khu vực gần đó cho bà con ở nhờ. Một ngày sau, ngày 21-10, toàn bộ tài sản và 34 hộ dân (với 127 khẩu) ở bản Cha Lo được di dời về ở ghép cùng bà con ở bản Bãi Dinh (cách đó 8km).
 
Suốt những ngày mưa lũ sau đó, các tổ công tác của đồn chia nhau đến tất cả các bản làng trên địa bàn để kiểm tra nguy cơ sạt lở, có phương án di dời. “Cho đến giờ đây, chúng tôi mới thực sự yên tâm, thở phào nhẹ nhõm. Chứ trong những ngày mưa lũ diễn ra, anh em CBCS bám dân, bám địa bàn, ăn không ngon ngủ không yên”, Đồn trưởng Đồn BP CKQT Cha Lo cho biết thêm.
 
Ăn Tết ở... chốt
 
Từ trung tuần tháng 3-2020, khi cao điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, những chốt BP của lực lượng BĐBP tỉnh nhằm kiểm soát người qua lại trên các tuyến đường chính và đường mòn ở khu vực biên giới đã được thành lập. Suốt từ đó đến nay, ròng rã hơn 10 tháng qua, những người chiến sỹ quân hàm xanh ấy đã kiên trì bám chốt, kể cả lúc tình hình dịch bệnh trong nước tạm thời lắng xuống.
 
Mặc dù chỉ là cửa khẩu phụ, lưu lượng phương tiện hàng hóa và người qua lại ít, nhưng chưa bao giờ các CBCS Đồn BP Cửa khẩu Cà Roòng, xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) chủ quan, lơ là với dịch bệnh Covid-19. Từ khi dịch bệnh xảy ra, Đồn đã thành lập 3 chốt ở các bản Troi, Aky, Nôồng Củ, nơi người dân 2 bên biên giới thường xuyên qua lại và có các tuyến đường mòn, lối mở. Không còn những tấm võng với mảnh dù, bạt căng tạm làm nơi ăn, ở, canh trực như những ngày đầu khi dịch bệnh mới bùng phát, mà giờ đây các chốt chặn dịch bệnh của BĐBP dọc tuyến biên giới phía Tây đã “kiên cố” hơn.
BĐBP đưa các em học sinh ở bản Sắt đi học khi nơi đây còn ngập lụt.
BĐBP đưa các em học sinh ở bản Sắt đi học khi nơi đây còn ngập lụt.
Đại úy Lưu Trọng Bình, Đội trưởng Đội trinh sát (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cà Roòng), phụ trách Chốt biên phòng AKy cho biết: “Suốt 10 tháng nay, từ khi dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào nước ta, anh em CBCS phải cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, vừa trực chốt “canh” Covid-19, tuần tra nắm địa bàn. Dù trong hoàn cảnh nào, hay nhiệm vụ gì, anh em đều quyết tâm thực hiện, vì biên giới an toàn, thì hậu phương mới yên bình”.
 
Để ý thấy bên cạnh chốt Aky, những khoảnh rau xanh nhỏ nhắn, được các CBCS BĐBP nơi đây trồng và chăm sóc cẩn thận để cải thiện thêm cho bữa ăn người lính giữa rừng. Đại úy Bình cho cho hay: “Lương thực thực phẩm tuy đã được cung cấp đầy đủ, nhưng chút rau xanh này cũng góp thêm phần cải thiện đời sống cho anh em. Đó cũng là một cách để anh em BĐBP thích nghi với cuộc sống trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 này. Còn chuyện đón Tết, với anh em BĐBP, Tết xa nhà đã là điều rất bình thường. Nhưng Tết này, chắc chắn anh em sẽ cùng nhau ăn Tết ở... chốt.”.
 
Dường như bản lĩnh và tố chất của những người lính bộ đội Cụ Hồ là vậy. Họ chia sẻ, vì nhiệm vụ, hễ ở đâu gian khó, ở đâu nhân dân cần, ở đó các anh-những người lính quân hàm xanh đều có mặt.
 
Dương Công Hợp