Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Khi yêu thương được trao gửi

  • 08:24 | Thứ Năm, 15/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong các cơ quan, đơn vị LLVT tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần học tập, làm theo Bác và thắt chặt thêm tình cảm quân dân. Một trong những điển hình tiêu biểu là mô hình “Bữa cơm cho em”.
 
Đã thành thông lệ, mỗi tháng một lần, cán bộ, nhân viên Ban chỉ huy Quân sự Lệ Thủy lại băng rừng, vượt suối đến với các cháu nhỏ tại điểm trường mầm non bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy (Lệ Thủy).
 
Đợt này, họ lên đúng dịp Trung thu nên hành lý mang theo có phần nhiều hơn, hấp dẫn hơn vì có cả bánh trung thu, đèn ông sao, trống to, trống nhỏ và cả những lời thăm hỏi ân tình, lắng đọng….
 
Nhận được sự quan tâm, cô, trò nhà trường hết sức cảm động. Các cán bộ, nhân viên Ban chỉ huy Quân sự huyện cũng vì thế mà phấn khởi đến quên hết mệt nhọc.
Cán bộ, chiến sỹ băng rừng, vượt suối để mang quà cho các em học sinh.
Cán bộ, chiến sỹ băng rừng, vượt suối để mang quà cho các em học sinh.
Trung tá Trần Văn Ngọc, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị Ban chỉ huy Quân sự Lệ Thủy kể cho chúng tôi nghe cơ duyên đến với các cháu: Dịp đó, Ban chỉ huy Quân sự huyện đi khảo sát địa bàn để làm công tác dân vận. Ý định ban đầu của các anh là chỉ kéo quân lên ít ngày, giúp bà con một vài công trình, phần việc có ý nghĩa... Nhưng khi đến thăm các cháu nhỏ, các anh thấy điều kiện ăn, ở, học tập của các cháu còn quá khó khăn, thiếu thốn, nhất là chứng kiến bữa trưa của các cháu mang theo chủ yếu là cơm trắng chấm muối. Thế là Đảng ủy-Chỉ huy đơn vị nghĩ ra ý tưởng mỗi tháng một lần tổ chức cho các cháu “Bữa cơm có thịt”. Sau này, khi mô hình phát triển, bữa cơm cho các cháu không chỉ đơn thuần là “có thịt” nữa mà còn có đầy đủ chất dinh dưỡng; tên gọi “Bữa cơm cho em” cũng đổi từ đó.
 
Điểm trường mầm non Bạch Đàn hiện có 34 cháu chia làm 2 lớp nhà trẻ, mẫu giáo. Học sinh là con em các hộ gia đình dân tộc thiểu số sinh sống dọc các triền núi. Thu nhập chủ yếu của bà con chỉ trông chờ vào mấy ha lúa rẫy canh tác được nên cố gắng lắm cũng chỉ đủ ăn vài tháng. Đến cái ăn còn chưa đủ thì dám mơ chi việc học cho con em.
 
Thấu hiểu, chia sẻ khó khăn với bà con, cô trò nhà trường và cũng để tiếp tục thực hiện mong mỏi “miền núi tiến kịp miền xuôi” của Bác kính yêu, ngay từ lần khảo sát để làm công tác dân vận, dù biết là rất khó khăn, gian nan, vất vả, tập thể Đảng ủy-Chỉ huy đơn vị vẫn quyết làm cho bằng được với ý nghĩ thật giản đơn: “Làm người lính thì ngại chi gian khó”…
 
Rồi việc làm của cán bộ, nhân viên cơ quan Quân sự huyện chẳng mấy chốc mà lan tỏa. Ngoài vai trò tiên phong, nòng cốt là cơ quan Quân sự huyện, phải kể đến sự ủng hộ nhiệt tình, sự sẻ chia đầy trách nhiệm của thủ trưởng Bộ chỉ huy, của cán bộ, chiến sỹ các phòng, ban, cơ quan Quân sự tỉnh. Được cổ vũ, động viên và ủng hộ nhiệt tình nên bước chân của “Bộ đội Cụ Hồ” cũng bớt mỏi khi phải vượt qua hàng trăm cây số đường rừng quanh co.
 
Điều trân quý là cán bộ, chiến sỹ bộ đội địa phương và dân quân đến với các cháu hoàn toàn bằng phương tiện cá nhân. Nhiều đồng chí chỉ tính sơ bộ từ cuối năm ngoái đến nay đã hành quân quãng đường tổng cộng trên nghìn cây số.
 
Ngoài sự đóng góp bằng tiền mặt, nhiều người còn hỗ trợ những vật dụng cần thiết, có giá trị như: bếp ga, dụng cụ cấp dưỡng, tivi, máy phát điện, hệ thống dây điện, sách vở, quần áo, đồ dùng học tập… với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng.
 
Qua từng đợt, mô hình “Bữa cơm cho em” không còn đơn thuần là việc các cô, chú tiết kiệm từ đồng lương hàng tháng của mình rồi mua sắm, mang vác thực phẩm tươi từ miền xuôi lên, tự tay nấu nướng, chế biến cho các cháu mà hoạt động đã mở rộng ra, quà tặng cũng phong phú hơn rất nhiều. 
Cán bộ, chiến sỹ Ban chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy tổ chức bữa cơm cho học sinh điểm trường mầm non bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy.
Cán bộ, chiến sỹ Ban chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy tổ chức bữa cơm cho học sinh điểm trường mầm non bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy.
Cô Hoàng Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường mầm non Lâm Thủy chia sẻ: Nhờ sự quan tâm bằng vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ cơ quan Quân sự huyện Lệ Thủy nói riêng, của LLVT tỉnh nói chung, cũng như của các nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh nên điều kiện sinh hoạt, học tập của các cháu cải thiện hơn rất nhiều so với những năm trước. Các cháu cũng đến trường chuyên cần hơn, yêu trường, mến lớp hơn. Tuy vậy, so với nhu cầu giảng dạy, học tập thì nhà trường vẫn rất cần sự quan tâm, chia sẻ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài quân đội…
 
Có thể thấy, mô hình “Bữa cơm cho em” của cán bộ, nhân viên cơ quan Quân sự huyện Lệ Thủy nói riêng, LLVT Quảng Bình nói chung chính là cầu nối để thắt chặt hơn tình cảm quân dân.
 
Đặc biệt hơn nữa, từ mô hình này, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã nhân rộng ra nhiều mô hình ý nghĩa ở khắp các địa phương trong tỉnh như: “Nâng bước em đến trường” của Ban chỉ huy Quân sự huyện Tuyên Hóa, “Bữa cơm cho bệnh nhân nghèo” của Ban chỉ huy Quân sự huyện Quảng Trạch, TP. Đồng Hới, “Chung tay cùng trẻ em khuyết tật vùng giáo” ở xứ đạo Hướng Phương (thị xã Ba Đồn)…
 
Ghi nhận thành tích đạt được, vừa qua, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh vinh dự được Tỉnh ủy Quảng Bình và Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015-2020.
 
Thế nhưng, với cán bộ, chiến sỹ LLVT Quảng Bình thì phần thưởng lớn hơn cả là được trao gửi yêu thương, được quan tâm, chia sẻ khó khăn với các cháu nhỏ và người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào có đạo như là cách để tiếp nối truyền thống “gắn bó máu thịt với nhân dân”.
 
Lan Anh