Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vì cuộc sống bình yên của nhân dân

  • 10:23 | Thứ Hai, 29/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những chiến công đã được ghi nhận, đánh giá đúng với những gì vốn có, nhưng với họ, những chiến sỹ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh trên tuyến đầu phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT-TP), thật khó để kể ra hết những vất vả, hiểm nguy, thậm chí hy sinh mà họ đã từng trải qua. Bởi với họ, đơn giản đó là nhiệm vụ mà họ sẵn sàng gánh vác để giữ bình yên cho cuộc sống hôm nay.
 
Năm 2020 là cột mốc đánh dấu 15 năm thành lập, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng chuyên trách PCMT-TP của BĐBP tỉnh. Đó là một khoảng thời gian không dài nhưng với bề dày những chiến công thu được, họ xứng đáng là lực lượng chủ công trong phòng, chống tội phạm trên hai tuyến biên giới. Nhìn vào những con số thống kê số tang vật, vụ án, chuyên án của lực lượng này đã đấu tranh thành công từ năm 2015 đến nay, thật khó có thể hình dung hết được những hậu họa nó sẽ gây ra cho cộng đồng, nếu lọt qua biên giới, thẩm lậu vào nước ta.
 
Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, lực lượng PCMT-TP đã đấu tranh thành công 29 chuyên án (trung bình mỗi năm 6 chuyên án), trực tiếp và phối hợp đấu tranh, truy bắt, xử lý trung bình hơn 650 vụ án/năm với đủ các loại tội phạm khác nhau. Trong khi thời gian tính từ lúc phát hiện đến khi phá án của mỗi đường dây tội phạm ít phức tạp mất khoảng 2 tháng. Có vụ việc phức tạp kéo dài nhiều tháng, cá biệt có chuyên án kéo dài đến 9 tháng.
 
Đó là các đường dây tội phạm khép kín, đặc biệt là các loại tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy. Thậm chí các đối tượng phạm tội trong các đường dây này chủ yếu là thành viên trong gia đình, dòng họ, hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, nhằm trốn tránh sự phát hiện, bắt giữ, xử lý của BĐBP. Chúng manh động và nguy hiểm đến mức sẵn sàng sử dụng hung khí, vũ khí “nóng” để chống trả, uy hiếp tính mạng lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ khi bị phát hiện. 
 Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao thưởng đột xuất Ban chuyên án ma túy QB1219L phá thành công vụ buôn bán, vận chuyển 60.000 viên ma túy tổng hợp qua biên giới.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao thưởng đột xuất Ban chuyên án ma túy QB1219L phá thành công vụ buôn bán, vận chuyển 60.000 viên ma túy tổng hợp qua biên giới.
Vì vậy để phát hiện, xâm nhập, điều tra, xác minh, lên phương án đấu tranh với các loại tội phạm này, lực lượng đánh án phải sử dụng đồng bộ, đồng thời nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau. Biện pháp nghiệp vụ là cách gọi của lực lượng chuyên trách PCMT-TP, mà theo đại tá Đinh Văn Lưu, Trưởng phòng PCMT-TP (BĐBP tỉnh) diễn giải, đó là tổ chức nắm tình hình ngoại biên, nội biên một cách toàn diện, có chiều sâu.
 
Sau khi phát hiện, sẽ tiến hành xác minh, tổ chức lực lượng điều tra đường dây để làm rõ vai trò của các đối tượng, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn, đặc điểm hoạt động của tội phạm, rồi mới xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, tham mưu cấp trên triển khai sử dụng lực lượng đánh án. Vắn tắt trong mấy cụm từ đơn giản có tính “nghiệp vụ” như vậy, nhưng đó là cả một quá trình đấu tranh dài lâu, mà mục tiêu duy nhất là vừa phải bảo đảm hiệu quả, vừa an toàn tính mạng cho lực lượng đánh án.
 
Đại tá Đinh Văn Lưu cho biết, mỗi vụ án, mỗi chuyên án là một “bài toán”, là một trận chiến sinh tử của anh em trong toàn lực lượng với các đối tượng phạm tội. Vì vậy, sau mỗi chuyên án, ban chuyên án tổ chức rút kinh nghiệm, những việc làm được, những việc chưa làm được, đặc biệt là phát hiện ra những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của đối tượng.
 
Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, bởi nếu không cập nhật phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, mà cứ đi theo lối mòn sẽ rất khó có thể nắm bắt đối tượng để phá án, trong khi thủ đoạn hoạt động của chúng luôn luôn thay đổi. Ngay trong một chuyên án, ban chuyên án cũng phải liên tục tìm kiếm, thay đổi phương án, chiến thuật, cách đánh bắt cho phù hợp với tình hình hoạt động của đối tượng.
 
Với lực lượng đánh án, yếu tố bí mật là một trong những yêu cầu bắt buộc. Những ngày, tháng nằm mật phục giữa rừng sâu, họ phải luôn luôn bảo đảm “đi không dấu, nấu không khói”, có khi lương thực mang theo đã cạn kiệt, anh em phải ăn rau rừng. Nhiều khi thấy nước dưới khe nhưng không dám xuống lấy uống vì sợ lộ dấu vết, đối tượng sẽ phát hiện. Cũng có lúc, lực lượng mật phục phải di chuyển đội hình rất nhiều lần, lúc ở khu vực biên giới, lúc bí mật cơ động sang khu vực ngoại biên, trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt, khi nắng nóng như đổ lửa ở phía ngoại biên Lào, lúc dầm dề giữa mùa mưa trên biên giới nước ta.
 
Chưa hết, chiến đấu trong hoàn cảnh ấy, những người lính biên phòng còn gặp phải không ít hiểm nguy khi đối mặt với tội phạm. Đại tá Lưu đã từng chứng kiến những khoảnh khắc sinh tử ấy. Đó là nhát dao của đối tượng tội phạm đang cố thủ trên xe trong một chuyên án ma túy triển khai trên đất bạn Lào, khi trinh sát của ta giật cửa xe, lao vào trấn áp, bắt giữ. Lúc này, một đối tượng khác (cùng ngồi trên xe) đã dùng dao đâm vào chiến sỹ trinh sát của ta hòng thoát thân.
 
Nhưng nhanh như cắt, chiến sỹ trinh sát đã kịp lách người né được nhát dao sinh tử đó và chỉ bị một vết thương nhẹ, xượt qua mang tai. Chính sự dũng cảm và mưu trí của những người chiến sỹ trên tuyến đầu phòng, chống tội phạm ấy, mà lần lượt những đối tượng, đường dây tội phạm lần lượt bị xóa bỏ ngay từ các “cửa ngõ” biên giới nước ta.
 
Gần 36 năm là lính biên phòng, trong đó có 15 năm công tác trong lực lượng PCMT-TP, đại tá Đinh Văn Lưu chia sẻ: “Với mỗi một người lính biên phòng đang công tác và chiến đấu trong môi trường nói trên, bên cạnh sự mưu trí, bản lĩnh vững vàng, họ phải là người có năng lực toàn diện. Nhất định phải giỏi từ nghiệp vụ, võ thuật, đến công nghệ và sử dụng thành thạo các loại vũ khí. Và một điều hết sức quan trọng nữa là phải có “bàn tay sạch”. Bởi là lực lượng chủ lực phòng, chống tội phạm, họ phải đối mặt với những âm mưu cám dỗ, lôi kéo của những đối tượng phạm tội”.
 
Xã hội càng phát triển, các đối tượng tội phạm càng hoạt động tinh vi và không từ bỏ một kẽ hở, thủ đoạn nào. Vì vậy, cuộc chiến phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm xâm nhập qua đường biên giới, chưa bao giờ là kết thúc. Nói như đại tá Đinh Văn Lưu: “Là lực lượng làm nhiệm vụ “chốt chặn” của các loại tội phạm nơi biên cương của Tổ quốc, chúng tôi xác định luôn sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, nhân dân lên trên hết. Tất cả là vì cuộc sống bình yên, vì hạnh phúc của nhân dân”.
 
Từ năm 2015 đến nay, lực lượng PCMT-TP của BĐBP Quảng Bình đã trực tiếp và phối hợp đấu tranh, truy bắt, xử lý 3.367 vụ/3.794 đối tượng/11 tổ chức; chủ trì xác lập đấu tranh thành công 29 chuyên án; thu gần 800.000 viên ma túy tổng hợp, 563,95kg ma túy đá, 520,4g heroin, 2,354kg cần sa, 14kg thuốc phiện, 3.028kg pháo, 1.552,8kg vật liệu nổ, 4.998.399 lít dầu, 89 súng/18.829 viên đạn các loại, và nhiều tang vật khác. Trong đó, đã khởi tố 62 vụ án hình sự/80 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 646 vụ/1.099 đối tượng và 9 tổ chức, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6 tỷ đồng; điều tra ban đầu và phối hợp chuyển giao các lực lượng 2.114 vụ/1.725 đối tượng.
 
Với những thành tích nêu trên, trong 5 năm qua, lực lượng PCMT-TP đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng 6 Huân chương Chiến công hạng Ba (4 tập thể và 2 cá nhân); 88 bằng khen, 115 giấy khen của Bộ Quốc phòng, Ban chỉ đạo 389 TW, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình, Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn.... 5 năm liền từ 2015-2019, đơn vị luôn đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 
Dương Công Hợp