Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình:

Phát huy vai trò nòng cốt trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

  • 22:55 | Thứ Ba, 23/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình là tỉnh duyên hải miền Trung có đặc điểm khí hậu và địa hình phức tạp. Đây là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai có tần suất và mức độ diễn biến mạnh như bão, ấp thấp nhiệt đới, lũ, lụt. Điều này đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân cũng như sự phát triển về kinh tế-xã hội của tỉnh.
 
Trong những năm qua, ngoài thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình luôn xác định công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác biên phòng.
 
Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và TKCN tỉnh Quảng Bình, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, chỉ đạo, mệnh lệnh của cấp trên, đồng thời chủ động thực hiện có hiệu quả công tác ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Người chiến sỹ BĐBP không chỉ quả cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mà còn nhường cơm, sẻ áo, chia sẻ với đồng bào khu vực biên giới trong lúc thiên tai, hoạn nạn.
 
Xác định công tác ứng phó sự cố thiên tai và TKCN là "nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình", hàng năm Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc Luật Phòng chống thiên tai; kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN từ Bộ chỉ huy đến các đơn vị, bổ sung quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch PCTT-TKCN sát với tình hình thực tế, theo phương châm "4 tại chỗ". 
   Chăm sóc y tế, sơ cấp cứu người dân bị nạn trên biển.
Chăm sóc y tế, sơ cấp cứu người dân bị nạn trên biển.
Đồng thời, đơn vị đã phối hợp với địa phương làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác ứng phó sự cố thiên tai, TKCN; duy trì nghiêm các chế độ trực, xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc, sự cố, thiên tai xảy ra trên biên giới, vùng biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cùng chính quyền địa phương và nhân dân ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra. Ngoài ra, BĐBP Quảng Bình đã tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập công tác PCTT-TKCN để từ đó nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành và kỹ năng xử lý tình huống. 
 
Tỉnh Quảng Bình thường xuyên chịu ảnh hưởng của hai loại hình thiên tai chủ yếu là bão và ngập lụt. Nhằm chủ động các phương án phòng, chống sự cố thiên tai, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển tích cực, kịp thời thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào bờ tránh trú hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu tại các khu vực nguy hiểm. Đồng thời, tiến hành kiểm đếm, sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại các khu tránh trú bão, kịp thời báo cáo tình hình, số lượng tàu thuyền về Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.
 
Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cũng chỉ đạo các đồn biên phòng dọc tuyến miền núi phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các khu vực nguy hiểm có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm; hướng dẫn người dân di chuyển an toàn khi qua lại đập tràn, khe suối; chủ động lương thực, thực phẩm để giúp đỡ nhân dân khi bị cô lập. Ngoài ra, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh còn thành lập các đội công tác về các địa bàn dễ bị ảnh hưởng, vùng xung yếu và bố trí lực lượng, phương tiện túc trực 24/24, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố thiên tai xảy ra.
 
Do chủ động làm tốt công tác chuẩn bị và hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, thời gian qua, BĐBP Quảng Bình đã tham gia hiệu quả vào công tác ứng phó sự cố thiên tai, TKCN, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới, biển đảo.
 
Từ năm 2015-2020, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn, sắp xếp cho 17.267 lượt tàu/153.952 lượt ngư dân đang hoạt động trên biển vào bờ và di chuyển tránh trú bão an toàn; báo cáo Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh thông báo cho các cơ quan chức năng liên hệ cơ quan ngoại giao Trung Quốc cho phép 50 tàu/383 lao động xin vào tránh trú bão tại đảo Hải Nam; điều động 18 đợt/28 lượt phương tiện/169 lượt cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Hải đội tổ chức cứu nạn, cứu hộ 16 tàu hàng, tàu cá/98 thuyền viên hoạt động trên biển bị sự cố, tai nạn; tiếp nhận, chăm sóc y tế ban đầu cho 214 ngư dân bị nạn trên biển.
 
Lực lượng biên phòng Quảng Bình cũng đã điều động 477 lượt CBCS các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tham gia chữa cháy 32 vụ cháy rừng. Đơn vị đã điều động 218 lượt CBCS các Đồn Biên phòng Roòn, Nhật Lệ, Cửa khẩu cảng Gianh phối hợp với các chủ phương tiện và ngư dân cứu kéo trên 50 tàu bị mắc cạn tại các cửa sông.
 
Trong các đợt bão, áp thấp nhiệt đới, ngập lụt trên địa tỉnh, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng trên các tuyến biên giới, nhất là tuyến biển bắn hàng trăm quả đạn tín hiệu báo bão; kịp thời điều động trên 2.700 lượt CBCS, với hơn 100 lượt ô tô, hơn 50 lượt ca nô tổ chức di dời trên 1.500 hộ (5.000 người) đến các vị trí an toàn.
 
Sau thiên tai, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã điều động trên 700 lượt CBCS/50 lượt ô tô giúp nhân dân trên địa bàn hai tuyến biên giới, nội địa khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường. Đơn vị cũng phối hợp với các ngành tổ chức tiếp nhận 1 người Trung Quốc bị nạn trên biển được tàu cá của ngư dân phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn) cứu vớt, bàn giao cho Đại sứ quán Trung Quốc tại TP. Hà Nội.
 
Đặc biệt, trong thời gian xảy ra sự cố môi trường biển, Bộ chỉ huy BĐBP đã chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển, Hải đội 2 phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền ngư dân không đánh bắt, sử dụng và kinh doanh các loại hải sản; tổ chức thu gom, xử lý, chôn lấp trên 25 tấn hải sản trôi dạt vào bờ với trên 200 lượt CBCS tham gia. Với những kết quả trên, hàng năm, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đều có tập thể, cá nhân được Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT tặng bằng khen; ngoài ra còn có nhiều tập thể, cá nhân được Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh tặng bằng khen như: Hải đội 2, Đồn Biên phòng Nhật Lệ, Đồn Biên phòng Cà Xèng.
 
Thời gian tới, dự báo tình hình sự cố, thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường. Để thực hiện tốt nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai, TKCN, góp phần giảm nhẹ thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình tiếp tục xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện đó là: quán triệt và thực hiện tốt các chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch ứng phó sự cố thiên tai, TKCN; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về công tác ứng phó sự cố thiên tai, TKCN; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung kế hoạch PCTT-TKCN, phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão sát với tình hình thực tế theo phương châm "4 tại chỗ" và "tích cực phòng ngừa, chủ động ứng phó, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả"; điều tra, thống kê các khu vực trọng điểm, xung yếu trên địa bàn, số hộ dân ở trong khu vực nguy hiểm, xác định vị trí, đường hướng di dời, sơ tán dân khi có tình huống. 
 
Bên cạnh đó, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục tăng cường công tác huấn luyện, tập huấn, diễn tập công tác ứng phó sự cố thiên tai, TKCN cho các đơn vị; huấn luyện TKCN trên biển cho Hải đội 2 và các đơn vị biên phòng tuyến biển nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành trong TKCN; bảo đảm vật tư, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN. Với các phương án đã xây dựng, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh luôn sẵn sàng trong công tác ứng phó sự cố thiên tai, TKCN, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN của tỉnh.
 
Thượng tá Hồ Thanh Sơn
Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh