Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Lính Quảng Bình ở Trường Sa

  • 15:42 | Thứ Năm, 23/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, họ cùng nhập ngũ và vinh dự trở thành lính đảo Trường Sa. Sau gần 30 năm trong quân ngũ, những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy giờ đã trưởng thành, gắn bó gần trọn đời mình với biển đảo. Với họ, Trường Sa đã trở thành một phần máu thịt thiêng liêng, là quê hương thứ hai với bao kỷ niệm. 
 
Xạ thủ pháo 85 và khẩu hiệu bình dị
 
Năm 1993, khi vừa tròn hai mươi tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Duy Phương (xã Tiến Hóa, Tuyên Hóa) nhập ngũ, được biên chế về tiểu đoàn 1 công binh với nhiệm vụ xây dựng công trình trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 2011, anh được điều động sang Khẩu đội pháo 85. Hiện anh là đại úy, Khẩu đội trưởng khẩu đội pháo 85, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân.
 
“Sáng lau sương, chiều lau bụi” là khẩu hiệu bình dị của lính pháo thủ. Huấn luyện để bảo vệ, phòng thủ đảo và sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ thường nhật của những người lính nói chung, của các xạ thủ pháo nói riêng. Với môi trường trên đảo thời tiết khắc nghiệt, sóng gió bất thường, đặc biệt là sự gây hấn, khiêu khích thường xuyên của các thế lực, càng đòi hỏi mỗi người lính phải quyết tâm, nỗ lực ở mức cao nhất. Đại úy Phương có mặt ở tất cả các  đảo thuộc quần đảo Trường Sa. 
Đảo Sinh Tồn Đông.
Đảo Sinh Tồn Đông.
Sự quen thuộc ấy giúp anh và đồng đội luôn linh hoạt, cơ động trong công tác huấn luyện và tỉnh táo trước mọi tình huống. “Không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt và thực hiện tốt công tác huấn luyện phòng thủ đảo, sẵn sàng chiến đấu, với pháo thủ chúng tôi, bảo quản vũ khí là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Chúng tôi quen thuộc với từng loại vũ khí, gắn bó và hiểu rõ đặc tính của từng khẩu pháo, gần gũi như người bạn thân. Chỉ có như thế chúng tôi mới có thể làm chủ các loại vũ khí kỹ thuật cao, tự tin bảo vệ đảo, không nao núng trước quân thù!’, anh Phương chia sẻ.
 
Công binh “đi trước về sau”
 
Cùng nhập ngũ năm 1993, đại úy Trần Quốc Lưu vẫn nhớ như in về chuyến tàu đầu tiên đến đảo Nam Yết làm nhiệm vụ. Đó là tháng 6-1993, dù đang mùa sóng yên biển lặng nhưng những người lính tiểu đoàn 1 Công binh vùng 4 Hải quân vẫn vô cùng gian nan vất vả khi vận chuyển vật liệu để xây dựng công trình trên đảo.
 
Được mệnh danh là đội quân “đi trước về sau”, lính công binh là những người mở đường, xây dựng các công trình trên đảo trong điều kiện khó khăn và khắc nghiệt. “Ngày ấy, vật liệu từ tàu lớn được chuyển xuống xuồng và kéo vào đảo bằng tời. Khoảng cách từ xuồng vào đảo dài từ 700 đến 1.000m. Chúng tôi dùng tay kéo dây thừng, vừa kéo vừa giữ để xuồng không bị sóng đánh chìm. Tập kết vật liệu lên đảo mà không bị thiệt hại là thành công bước đầu của lính công binh!”, đại uý Lưu chia sẻ.
 
Xây dựng các công trình trên đảo nổi đã khó, đối với các đảo chìm, nhiệm vụ này gian nan gấp bội. Họ phải tính toán từng con nước, tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi từ 1 giờ sáng đến 6 giờ sáng để thi công bởi đây là thời điểm thuỷ triều xuống. Ngâm mình trong nước, họ “đào móng” xuống tầng đá san hô bằng xà beng và búa tạ. Những cây búa sau một thời gian sử dụng với tác động mạnh đã xoè ra như hình bông hoa nhiều cánh. Họ gọi đó là hoa của lính công binh Trường Sa!
 
Tiếp bước anh hùng Trần Văn Phương
 
Thiếu tá Nguyễn Văn Nghiệp (sinh năm 1970, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn), chia sẻ: ước mơ trở thành lính đảo của anh có một phần bắt nguồn từ tấm gương của người anh cùng xóm, anh hùng LLVT Trần Văn Phương. Sự hy sinh của anh Phương đã “tiếp lửa” cho Nguyễn Văn Nghiệp và nhiều thanh niên lên đường bảo vệ Trường Sa. Sau thời gian công tác ở Lữ đoàn đặc công nước 126 và học trung cấp kỹ thuật chỉ huy tăng – thiết giáp, hiện anh Nghiệp là trưởng xe tăng – thiết giáp, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân với nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Anh từng công tác ở các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh.
Đón Tết ở nhà giàn DK1.
Đón Tết ở nhà giàn DK1.
“Lính tăng – thiết giáp là những người ở tuyến đầu, luôn ứng trực 24/24 giờ trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Bất kể tình hình thời tiết, chúng tôi thay nhau trực chiến, ăn, ngủ tại trận địa là chuyện thường xuyên. Mỗi lực lượng, mỗi đơn vị đều có những đặc thù gian khó riêng, nhưng chúng tôi từng có chung “đặc sản”, đó là thiếu nước ngọt, rau xanh và luôn nhớ nhà. Bây giờ, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cán bộ, nhân dân, cuộc sống ở Trường Sa đã bớt gian khó. Mỗi năm tết đến, chúng tôi cũng được đón nhiều đoàn ra thăm đảo, trong đó có các đoàn Quảng Bình, cảm giác quê nhà như gần hơn!”, anh Nghiệp tâm sự.
 
*****
 
Trong gần 30 năm là những người lính bảo vệ quần đảo Trường Sa, cũng như nhiều những đồng đội của mình, số lần được đón Tết cùng gia đình của đại úy Nguyễn Duy Phương, đại úy Trần Quốc Lưu, thiếu tá Nguyễn Văn Nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không chỉ vắng mặt trong thời khắc tết đến xuân về, mà khi mẹ cha qua đời, các anh cũng chỉ có thể ngóng vào đất liền. Họ cũng hiếm khi được chứng kiến khoảnh khắc những đứa con chào đời mà chỉ có thể nghe tiếng con khóc qua điện thoại với nỗi niềm nhớ nhung khắc khoải! Bao nỗi vất vả ở quê nhà với cha mẹ già, con thơ, họ đều nhờ vào đôi bàn tay tần tảo của những người vợ, mãi là hậu phương vững chắc để chồng yên lòng bám biển, bảo vệ quê hương.
 
“Là lính đảo Trường Sa, trước mỗi chuyến đi, tôi đều dặn dò, chia sẻ với gia đình về những khó khăn của người lính đảo. Dẫu nhiều thiệt thòi, nhưng người thân đều thấu hiểu và sẻ chia!”, anh Phương tâm sự.
      
Ngọc Mai