Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân(22-12-1989 - 22-12-2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2019):

Người thương binh bên bờ sông Nan

  • 09:50 | Chủ Nhật, 22/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tháng 2-1964, chàng trai 18 tuổi Trần Hữu Dần ở ven bờ sông Nan, thuộc xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn) lên đường nhập ngũ. Sau 9 tháng huấn luyện đặc công, Đoàn 8, đơn vị của ông đi “Bắc Đô” (tức đi “B ngắn”).

Đoàn 8 đặc công gồm 40 người mặc quần áo bà ba đen vượt Trường Sơn sang Lào rồi vào Quân khu Trị Thiên. Đoàn 8 về hoạt động ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ban ngày, họ nằm dưới những căn hầm bí mật, ban đêm mới lên diệt ác trừ gian, đặt mìn đánh xe cơ giới, giang thuyền của địch. Tháng 6-1966, ông Dần đã điều khiển máy điểm hỏa cho nổ tung một chiếc xe vận tải quân sự GMC của địch, diệt 30 tên Mỹ. Trận đó, ông được tặng danh hiệu dũng sỹ diệt xe cơ giới.  

Cuối năm 1966, có một chiếc tàu vận tải của địch bị mắc cạn trên vùng biển Lăng Cô. Đội biệt động số 5 của ông (mang mật danh “Chị Thừa Một”) đã phối hợp với đội du kích xã Bình An áp 2 quả mìn hẹn giờ vào 2 khoang, đánh chìm chiếc tàu trọng tải hàng nghìn tấn.

Năm 1967, ông được đích thân Tỉnh đội trưởng Thân Trọng Một điều ra trinh sát sân bay Phú Bài theo dõi cách bố phòng của địch. Ông được bà mẹ Nguyễn Thị Vang nuôi giấu dưới căn hầm bí mật chỉ cách hàng rào sân bay chưa đến 500m. Ngày 13-9-1970, theo lệnh của tình báo Quân khu (mật danh “Có Mai Chị”), cả hai đội “Chị Thừa Một” (đặc công nước) và “Chị Thừa Hai” (đặc công khô) tập kích sân bay.

Ông Trần Hữu Dần giới thiệu những kỷ niệm về các trận đánh từng tham gia.
Ông Trần Hữu Dần giới thiệu những kỷ niệm về các trận đánh từng tham gia.

Đúng 1 giờ sáng, các mũi tiến công của ta đã nổ súng tiêu diệt Sở chỉ huy, phá hủy điện đài và các trận địa pháo, hệ thống kho tàng của địch. Sau 90 phút chiến đấu, ta đã phá hủy 5 chiếc máy bay F105, tiêu diệt được 150 tên lính Mỹ và ngụy. Khi quân ta rút lui ra đến hàng rào ngoài cùng thì quân địch phản kích dữ dội.

Ông Dần bị trúng một viên đạn đại liên bắn thẳng vào đùi trái. Ông trườn lên được 3m thì bị chúng bồi tiếp 2 quả M79, mảnh đạn dính đầy người.  Ông dồn hết sức lực còn lại, dùng 2 tay bươn về cái khe lầy cách hàng rào 100m và đầm mình dưới bùn chỉ để hở cái đầu với 2 con mắt, trên phủ lá khô. 

Sáng 14-9-1970, bọn địch truy lùng xung quanh sân bay. Chúng buộc xác các chiến sỹ ta đã hy sinh vào những chiếc xe zép kéo xung quanh sân bay. Bà mẹ Nguyễn Thị Vang đến nhận mặt nhưng không thấy ông Dần. Biết ông vẫn còn sống, hai mẹ con bà lặng lẽ đi tìm. Đêm 16-9-1970, con chó của bà bỗng sủa mấy tiếng rồi kéo quần bà về phía khe lầy. Ông Dần đã bị ngất 3 ngày đêm nên kiệt sức. Cô con gái của bà Vang là y tá của du kích đã băng bó và mang cháo, nước đến đổ theo ống nhựa vào miệng cho ông. Đêm sau, hai mẹ con bà cùng bà Hoàng Thị Lợi dìu ông Dần đến đồi Lệ giao cho đơn vị cáng lên chiến khu.

Ông Dần được đem ra Bắc điều trị. Ông bị tất cả 36 vết thương. Xương chày và xương mác bên trái bị gãy. Năm 1980, Bệnh viện Quân đội 108 đã nối lại xương chân cho ông nhưng vẫn còn 6 mảnh đạn ở trong người không lấy ra được. Về làng, ông được Hợp tác xã Minh Lệ dựng cho một ngôi nhà tranh trên nền đất cũ sát bờ sông Nan.

Ông xây dựng gia đình với bà Hoàng Thị Kính là một bệnh binh của đơn vị thanh niên xung phong C753-N119-P31 chiến trường Quảng Trị. Buổi đầu, ông bà đã sang đồi Cây Cừa bên kia sông Nan khai phá hơn 2ha đất để trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ. Ngoài chăn nuôi trâu bò, sản xuất hoa màu trên đồng ruộng, hàng ngày, bà Kính đem chè xanh đem ra chợ bán (ông bà có 8 sào chè), thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông còn vận động 11 gia đình theo ông sang phủ kín 11ha đồi trọc Cây Cừa.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Dần còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, vận động bà con hiến đất làm đường, xây nhà văn hóa xóm. Là một thương binh nặng nhưng suốt 14 năm liền, ông luôn "đứng mũi chịu sào" lãnh đạo Chi hội Cựu chiến binh xóm 5, thôn Nam Minh Lệ vững mạnh xuất sắc, đã 2 lần được Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng bằng khen. 

Với những thành tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Trần Hữu Dần đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, được Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Nhì, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì và danh hiệu "Dũng sỹ diệt Mỹ".

Trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2009-2014 và 2014-2019, ông Trần Hữu Dần được Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng bằng khen... Ngày 16-6-2017, ông Dần vinh dự được ra báo công trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Trần Hữu Dần xứng đáng là người đảng viên, cựu chiến binh gương mẫu, người cao tuổi nêu gương sáng cho cháu con học tập.

H.M.Đ