.
Kỷ niệm 53 năm ngày truyền thống Hải quân (5-8-1964 - 5-8-2017):

Mãi âm vang "đánh thắng trận đầu"

Thứ Bảy, 05/08/2017, 11:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây 53 năm, Hải quân nhân dân Việt Nam trong lần đầu tiên ra quân chiến đấu đã đánh đuổi tàu khu trục Ma đốc, bắn rơi 8 máy bay và bắt sống trung uý giặc lái đầu tiên của Mỹ trên vùng biển, vùng trời miền Bắc, làm nên truyền thống “đánh thắng trận đầu”. Phát huy truyền thống ấy, trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, trong đó có nhiều thế hệ người lính Quảng Bình, đã cùng nhau viết nên trang sử hào hùng trong sự nghiệp giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương.

 

 Sơ đồ trận đánh đuổi tàu Ma đốc Mỹ.
Sơ đồ trận đánh đuổi tàu Ma đốc Mỹ.

Như lịch sử đã ghi, “chiến thắng trận đầu” của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam gồm hai dấu mốc quan trọng là ngày 2 và ngày 5-8-1964. Ngày 2-8-1964, tại khu vực Hòn Mê – Lạch Trường (tỉnh Thanh Hoá), tàu khu trục Ma đốc Mỹ đã bị Hải quân nhân dân Việt Nam đánh đuổi, phải rút chạy khỏi vùng biển của ta. Cay cú trước thất bại này, ngày 4-8-1964, Mỹ dựng lên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc bộ” để mở chiến dịch trả đũa.

Ngày 5-8-1964, địch sử dụng 40 máy bay chiến đấu hiện đại, điên cuồng bắn phá các căn cứ Hải quân của ta ở ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ninh. Với sự hiệp đồng tác chiến, phối hợp chặt chẽ của các lực lượng trong toàn quân, chúng ta đã đánh trả quyết liệt các đợt công kích của địch, làm nên truyền thống “đánh thắng trận đầu” vẻ vang.

Ngày 5-8 hàng năm đã trở thành ngày không thể nào quên trong ký ức những người lính biển. Nằm bên bờ biển Đông, Quảng Bình đã có nhiều thế hệ người lính tham gia vào lực lượng Hải quân, góp phần cùng cả nước viết nên trang sử hào hùng trong sự nghiệp giữ gìn biển đảo quê hương. Trong số những người lính ấy, có cựu chiến binh Phan Xuân Dạch (sinh năm 1943), nguyên Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, người có 11 năm công tác tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Vào thời điểm tháng 8-1964, khi Hải quân nhân dân Việt Nam lập nên kỳ tích “đánh thắng trận đầu”, ông không có mặt trực tiếp trong đội hình Hải quân, nhưng là lính thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 270 tăng cường cho Tỉnh đội Quảng Bình đóng quân tại xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới). Đơn vị ông cùng với các lực lượng và nhân dân trong tỉnh tích cực phối hợp với lực lượng Hải quân để bảo vệ vùng trời, vùng biển quê hương.

Và dường như có “duyên nợ” với lực lượng, năm 1968, ông chính thức chuyển về Hải quân. Năm 1983, ông là Thường trực HĐND huyện đảo Trường Sa, năm 1987 là Phó Chủ tịch UBND huyện và năm 1988, ông đồng thời là Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa.

Những năm tháng ấy, quần đảo Trường Sa đứng trước bao gian lao thử thách. Tháng 3-1988, khi xảy ra trận hải chiến ở đảo Gạc Ma, ông Phan Xuân Dạch đang có mặt trong đoàn cán bộ đi thăm và mang quà của nhân dân cả nước ra các đảo Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, Phan Vinh, An Bang, Thuyền Chài, Sinh Tồn Đông, Sinh Tồn Lớn. Khi đoàn cán bộ đang ở đảo Sinh Tồn Lớn thì súng nổ ở Gạc Ma. Lúc này, ông được lệnh di chuyển sang đảo Tiên Nữ để bám trụ cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo cho đến hết chiến dịch.

Trong câu chuyện của mình, ông không ngừng nhắc tên những đồng đội đã từng sống và chiến đấu những năm tháng ấy. Đó là đồng chí Nguyễn Xuân Bương (đảo trưởng đảo Tiên Nữ), đồng chí Nguyễn Văn Vịnh (đảo phó đảo Sinh Tồn), đồng chí Nguyễn Đăng Phán (đảo trưởng đảo Phan Vinh), đồng chí Nguyễn Sói (bác sĩ Lữ đoàn 146)...   Theo số liệu của Ban liên lạc Hải quân tỉnh, trên địa bàn hiện có khoảng gần 4.000 cựu chiến binh từng tham gia trong lực lượng Hải quân.

Nhắc đến những thế hệ lính biển, trong đó có Trường Sa và trận hải chiến Gạc Ma, không thể không nhắc đến tấm gương của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương. Gần 30 năm trước, anh đã cùng đồng đội chiến đấu và anh dũng hy sinh khi giữ đảo Gạc Ma. Nơi quê nhà, sau những đớn đau tưởng chừng không gượng dậy nổi, mẹ anh là bà Hồ Thị Đức (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn) tiếp tục động viên con trai thứ hai là anh Trần Văn Hồng lên đường, gia nhập vào đội hình những người lính đảo Trường Sa. Sau Trần Văn Hồng là Trần Văn Hiệp tiếp nối hai người anh trai, trở thành lính biển.

Cùng hy sinh ở đảo Gạc Ma trong trận hải chiến năm 1988 còn có anh Nguyễn Mậu Phong (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh), thời điểm đó anh Phong là đảo trưởng đảo Gạc Ma. Khi chồng hy sinh, vợ anh là chị Trần Thị Liễu một mình nuôi hai con nhỏ là Nguyễn Mậu Trường (sinh năm 1986) và Nguyễn Tiến Xuân (sinh năm 1988). Lớn lên, hai anh em Trường và Xuân lại viết đơn tình nguyện nhập ngũ và trở thành lính biển để tiếp bước cha.

Chiến sĩ Trường Sa xây dựng đảo
Chiến sĩ Trường Sa xây dựng đảo

Những người lính trong trận hải chiến năm xưa người mất, người còn. Nhưng họ đã sống, chiến đấu với hào khí “đánh thắng trận đầu” của Hải quân nhân dân Việt Nam và tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Đất nước hòa bình nhưng biển quê hương vẫn nhiều phen dậy sóng nên những cuộc chia tay cứ mãi nối dài. Cùng với cả nước, hàng năm Quảng Bình lại tiễn các tân binh nhập ngũ. Theo số liệu thống kê của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, trong 10 năm (2007 - 2017), Quảng Bình có 2.050 công dân nhập ngũ và biên chế vào lực lượng Hải quân. Tiếp bước cha anh, những người lính trẻ hôm nay lại lên đường bảo vệ biển đảo quê hương.

Và không chỉ có người lính đang ngày đêm cầm chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương, mà ở hậu phương, những người vợ, người mẹ, người con... vẫn âm thầm nỗ lực làm tròn trọng trách gia đình và xã hội, để chồng, con yên tâm công tác, giữ gìn biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Và nơi hậu phương, thấu hiểu những thiệt thòi, hy sinh của họ, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn đồng hành, chăm lo, động viên những người thân của họ vững lòng vượt qua mọi khó khăn.

Đồng hành với lịch sử trên 60 năm ra đời và truyền thống “đánh thắng trận đầu” vẻ vang của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, cùng với nhân dân cả nước, Quảng Bình đã có nhiều đóng góp to lớn và tự hào. Hào khí chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam tháng 8-1964 đã, đang và sẽ mãi là niềm tự hào và là động lực to lớn để những người lính nói chung, lính Hải quân nói riêng, tiếp tục gắn bó, xây dựng và bảo vệ  biển đảo quê hương, hoà nhịp trái tim cùng âm vang tiếng sóng...

Ngọc Mai