.

Gương mặt sĩ quan trẻ

Thứ Hai, 26/12/2016, 09:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Da nâu của người vùng biển, gầy, rắn, phong trần, thượng úy điều tra viên an ninh Phạm Đức Sơn 30 tuổi mới xây dựng gia đình với một thiếu nữ cùng lực lượng.

Thiếu tá Lưu Bách Điệp sinh trưởng ở làng quê văn vật Cao Lao Hạ, điều tra viên cảnh sát chững chạc điềm đạm tạo cảm giác bình an cho người tiếp xúc.

Người trẻ nhất, mới 27 tuổi phổng phao trắng trẻo, trung úy điều tra viên cảnh sát Lê Hải Nam, nếu mặc thường phục sẽ khiến mọi người nhầm tưởng là công tử... con nhà đại gia.

Thiếu tá Lưu Bách Điệp đang nghiên cứu hồ sơ.
Thiếu tá Lưu Bách Điệp đang nghiên cứu hồ sơ.

Vậy mà thực ra, cả ba vị sĩ quan đều có gia cảnh xuất thân thuộc diện... hoàn cảnh, và đến với cơ quan điều tra bằng những con đường khác nhau.

Đam mê ngay từ khi học phổ thông nhưng thi vào thì... một chọi trăm. Trượt đại học thì đi trung cấp. Ra trường công tác tốt lại thi vào đại học. Con đường vòng, chậm mà chắc. Ví như, bác sĩ mà từng có thời gian làm y tá thì thuần thục đa năng. Thực tế gần hai mươi năm công tác của Điệp chứng minh đều đó.

Sơn thì khác. Mồ côi cha từ trong bụng mẹ, Sơn như cây xương rồng trên cát, rắn rỏi can trường. Anh tâm sự chân thành: Gắng thi vào trường An ninh để mẹ khỏi lo tiền học phí và ra trường khỏi chạy việc. Thi đỗ vào trường An ninh là một chiến tích gần như không tưởng. Vậy mà Sơn đã làm được.

Thượng úy Phạm Đức Sơn.
Thượng úy Phạm Đức Sơn.

Trường hợp của Nam đặc biệt hơn. Anh kể: Ban đầu thi vào trường Biên phòng cũng để tránh học phí, tiền ăn ở như các trường dân sự. Năm đầu trượt, thì vào đại học sư phạm ít ra cũng miễn học phí. Lớp có 25 gái, 5 trai. Hết năm một, cả năm chàng hè nhau thi vào các trường ưa thích: Hai vào biên phòng, đỗ.

Nam và hai cậu khác thi vào đại học Cảnh sát đều đỗ. Chuyện lạ của thanh niên thời nay. Họ có nhiều sự lựa chọn, miễn là có nhiều năng lượng, biết đam mê và nỗ lực. Nhưng cả ba sĩ quan điều tra trên đây đều giống nhau một điểm: Đều công tác từ cơ sở và cùng lọt vào mắt xanh của lãnh đạo cấp trên khi cần cán bộ có năng lực, hệt như huấn luyện viên bóng đá chọn cầu thủ cho đội tuyển vậy.

Bây giờ thì họ đang cùng tôi ngồi quanh bàn ở cơ quan Công an tỉnh, chuẩn bị cho tiểu mục “Gương mặt sĩ quan trẻ” trong số báo chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng Văn phòng Cơ quan CSĐT và lực lượng An ninh điều tra.

Hỏi:

- Công tác điều tra phá án nhiều áp lực không?

Cả ba chàng đều thừa nhận có. Áp lực tâm lý, nhân dân, dư luận chờ đợi, lòng tự trọng của đàn ông muốn đánh bại bọn xấu.

Họ trẻ đến mức cứ buột miệng gọi tôi bằng bác. Chúng tôi biết, sau mỗi đêm, không chỉ ánh bình minh của ngày mới mà những vụ án luôn chờ họ. Mỗi vụ án như một bài toán khó cần lời giải mà không được trợ giúp từ những định lý có sẵn. Phương Tây được hỗ trợ nhiều về kĩ thuật hình sự. Ở ta chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Đây là công việc sử dụng cả năng lực trí tuệ và năng lực cơ bắp (võ thuật). Và nữa, một dung lượng cần thiết của lòng nhân ái.

Trung úy Lê Hải Nam.
Trung úy Lê Hải Nam.

- Về huyện nhiều khi gặp lại các “cựu phạm nhân”, mình thì quên mà họ chủ động chào và nhắc chuyện mình đưa họ vào tù. Vừa cảm động vừa băn khoăn, thấy họ chân thành quá.

- Hành pháp mà cố gắng thấu tình đạt lý, tâm phục khẩu phục, không để họ oán thán cũng phải kỳ công...!

Hỏi:

- Đã lúc nào bị nhầm lẫn trong điều tra phá án?

Cả ba đều trả lời tương đối dè dặt:

- Không được phép, mà còn cấp trên giám sát và phản ứng của đối tượng.

Hỏi:

- Nếu được lựa chọn lại từ đầu?

Cũng trả lời chậm và không trực tiếp:

- Làm gì quen nấy...vả lại, phá được vụ án làm rõ trắng đen, bảo vệ được cho người bị hại thấy sướng lắm bác ạ.

Hiểu rồi. Đó gọi là sự đam mê. Năng lượng đã được kích hoạt, cộng thêm sự đam mê nữa thì tốt rồi...

Tương Huyền