Vườn mẫu "nâng tầm" nông thôn mới
(QBĐT) - Thời gian qua, các địa phương trong toàn tỉnh đã tích cực vận động, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, hình thành những mô hình vườn mẫu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phong trào xây dựng vườn mẫu không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức, sản xuất khoa học mà còn góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và tạo cảnh quan nông thôn mới xanh-sạch-đẹp.
Những khu vườn kiểu mẫu
Ấn tượng đầu tiên khi đến thăm vườn mẫu của gia đình ông Cao Minh Hiền, ở thôn Vân Bắc, xã Quảng Hải (TX. Ba Đồn) là khu vườn được quy hoạch khoa học, hàng lối thẳng tắp, xanh mướt. Trên diện tích 2.000m2, ông chủ yếu trồng ổi lê Đài Loan và hoa lan các loại.
Chia sẻ về khu vườn của mình, ông Hiền cho biết, trước đây trên mảnh đất này ông đã trồng thử nghiệm rất nhiều loại cây ăn quả khác nhau nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Năm 2013, ông bắt đầu tìm tòi, học hỏi và bắt tay vào trồng ổi. Sau khi có chủ trương thực hiện vườn mẫu, ông trở thành người tiên phong trong phong trào xây dựng vườn mẫu ở địa phương. Không chỉ quy hoạch lại khu vườn, ông Hiền còn đầu tư hệ thống tưới tự động và hệ thống châm phân hiện đại. Phân bón cho cây được truyền qua hệ thống ống đưa về tận từng gốc. Khác với những vườn ổi ở các địa phương là thu hoạch theo mùa thì vườn của ông Hiền lại được bán quanh năm nhờ kỹ thuật chăm sóc và cắt tỉa nhánh thường xuyên.
“Ổi lê quả to, ngọt và giòn, được thị trường ưa chuộng nên người dân xung quanh và thương lái đến mua ngay tại vườn, khâu tiêu thụ rất thuận lợi.Vườn ổi nhà tôi có đến 400 gốc nhưng không phải đem ra chợ bán mà luôn trong tình trạng không có ổi để bán tại vườn. Mỗi năm, tôi bán ra thị trường 16 tấn ổi, đem lại thu nhập gần 300 triệu đồng”, ông Hiền chia sẻ.
Sau 5 năm thực hiện, vườn mẫu chuẩn NTM của gia đình ông Dương Bá Hiếu ở thôn Xuân Lai, xã Mai Thủy (Lệ Thủy) đã được “khoác áo mới”. Với diện tích hơn 3.200m2, ông Hiếu quy hoạch vườn thành nhiều khu vực để trồng nén, mè, thanh long, ổi, sắn, chè… Tại mỗi khu vực, ông đều lắp đặt hệ thống tưới hiện đại bảo đảm đủ nước tưới cho cây. Nhờ vườn có hệ thống thoát nước xung quanh, rác thải được phân loại ngay tại hộ gia đình, trong đó, rác hữu cơ xử lý ngay tại vườn, rác vô cơ được thu gom đưa về bãi tập kết rác trung chuyển trong thôn đúng quy định.
Nhờ được trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây của gia đình ông Hiếu phát triển tốt, cho năng suất cao. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, ông luôn áp dụng quy trình chăm sóc cây theo hướng hữu cơ, nên sản phẩm rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Thời điểm hiện tại, không chỉ tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp, mỗi năm gia đồng ông Hiếu thu về hơn 300 triệu đồng từ vườn mẫu.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy, trên địa bàn huyện hiện có 99 vườn kiểu mẫu (trong đó có 44 vườn được công nhận theo bộ tiêu chí của UBND tỉnh) ở các xã Xuân Thủy, Thanh Thủy, Hồng Thủy, Mai Thủy, Trường Thủy, Cam Thủy, Liên Thủy…
Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy Trần Duy Hưng cho biết, với mục tiêu phát triển kinh tế vườn hộ gắn với xây dựng cảnh quan nông thôn xanh-sạch-đẹp, phong trào xây dựng vườn mẫu được triển khai tích cực, rầm rộ tại các địa phương trong toàn huyện. Từ phong trào, đã giúp người nông dân có động lực quy hoạch cải tạo vườn tạp, đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Các vườn được công nhận vườn chuẩn trên địa bàn có quy hoạch hợp lý, khoa học, có tính thẩm mỹ cao; phần lớn các vườn đều có hệ thống tưới tiêu tiên tiến, áp dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất. Các sản phẩm từ vườn là kết quả từ sự lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương và nhu cầu tiêu thụ, thị hiếu của thị trường; yếu tố cảnh quan, môi trường cũng được các hộ đầu tư, quan tâm.
Nâng "chất" nông thôn mới
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận cho hay, phong trào xây dựng vườn mẫu đang được nhiều địa phương trên địa bàn huyện chú trọng thực hiện. Các xã, thị trấn tích cực vận động người dân cải tạo vườn tạp hướng tới xây dựng vườn mẫu đạt chuẩn.
Những khu vườn được cải tạo sạch, đẹp không chỉ mang đến diện mạo khang trang cho hạ tầng cơ sở mà còn giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được khởi sắc. Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng vườn mẫu gắn với thực hiện chương trình xây dựng NTM, các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của kinh tế vườn. Đồng thời, định hướng cho người dân đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm...
Xác định rõ vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng vườn mẫu, tháng 10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xây dựng vườn mẫu NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo đó, để được công nhận đạt chuẩn vườn mẫu, các khu vườn phải bảo đảm đạt 5 tiêu chí, gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản phẩm từ vườn, môi trường-cảnh quan và thu nhập. Trong đó, có một số quy định cụ thể đối với từng tiêu chí, như vườn mẫu có diện tích từ 300m2 trở lên; sản phẩm hàng hóa phải bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; chuồng trại chăn nuôi phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật và vệ sinh môi trường; cảnh quan, không gian xanh-sạch-đẹp, an toàn; thu nhập trên một đơn vị diện tích gấp 5 lần so với thu nhập từ trồng lúa…
Đến nay, toàn tỉnh có 66 khu dân cư NTM kiểu mẫu (tăng 16 khu dân cư so với năm 2023), 102 vườn mẫu được công nhận theo bộ tiêu chí của UBND tỉnh (tăng 10 vườn so với năm 2023). |
Theo Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy Trần Duy Hưng, việc thực hiện thành công các mô hình kiểu mẫu đã trở thành điểm nhấn trong xây dựng NTM của huyện. Không chỉ góp phần tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp, việc triển khai xây dựng và nhân rộng các vườn mẫu còn trực tiếp góp phần vào việc thực hiện, nâng cao một số chỉ tiêu của tiêu chí môi trường, thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất… trong chương trình xây dựng NTM. Để xây dựng vườn mẫu không dừng lại ở mô hình, huyện đã ban hành kế hoạch hành động và cơ chế hỗ trợ thực hiện. Huyện đã trích kinh phí hỗ trợ 15 triệu đồng cho mỗi vườn mẫu đạt chuẩn. Lộ trình trong thời gian tiếp theo, huyện đề ra mục tiêu 1 năm tăng từ 5-10 vườn kiểu mẫu.
“Phong trào xây dựng vườn mẫu NTM trên địa bàn tỉnh đã tạo diện mạo mới cho những vùng nông thôn, nhiều làng quê đã trở thành những “miền quê đáng sống”. Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng vườn mẫu gắn với thực hiện chương trình xây dựng NTM, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa của vườn mẫu; hỗ trợ, hướng dẫn người dân xây dựng vườn mẫu khoa học, phù hợp với quy hoạch tổng thể. Để vườn mẫu phát triển hiệu quả và có tính “lan tỏa” ngoài hỗ trợ của chính quyền địa phương thì bản thân hộ làm vườn phải chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng, liên kết với các hộ kinh doanh trong ngoài tỉnh tạo đầu mối tiêu thụ sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững…”, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Tuấn cho hay.
Lan Chi