Tạo "sức bật" cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số-Bài 2: "Vùng khó" chuyển mình
(QBĐT) - Những năm qua, với sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, nhiều bản làng vùng cao ở huyện Quảng Ninh đã từng bước “thay da đổi thịt”. Những cánh rừng, nương rẫy ngút ngàn màu xanh, những con đường bê tông phẳng lỳ men theo triền núi, ánh điện chiếu sáng về tận ngõ… Những bản làng vùng cao như khoác lên mình chiếc áo mới-chiếc áo của ấm no.
Đầu tư phát triển kinh tế-xã hội
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, huyện Quảng Ninh đã tập trung thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh Nguyễn Văn Trung cho biết, tháng 9/2023, trung tâm đã liên kết với Hợp tác xã (HTX) Măng giang Trường Xuân thực hiện dự án “Liên kết chuỗi giá trị măng Trường Xuân”. Tham gia dự án, HTX sẽ liên kết thu mua sản phẩm măng hái tự nhiên cho người dân và thực hiện mô hình sinh kế trồng tre điền trúc lấy măng theo hướng hữu cơ trên diện tích 4ha tại bản Hang Chuồn-Nà Lâm và bản Khe Ngang, xã Trường Xuân.
Trong giai đoạn 2023-2027, các đơn vị sẽ thực hiện tư vấn xây dựng liên kết, tập huấn kỹ thuật sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ giống, vật tư, thiết bị, bao bì gắn với tiêu thụ sản phẩm. Dự án liên kết sẽ góp phần giúp bà con đồng bào Bru-Vân Kiều, xã Trường Xuân có việc làm và thu nhập ổn định. Việc liên kết thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm măng còn góp phần phát triển, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Nhằm tạo sinh kế cho ĐBDTTS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo, huyện Quảng Ninh đã thực hiện 6 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng, đa dạng hóa sinh kế trong năm 2023 và đã thẩm định, phê duyệt 9 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng năm 2024.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh Nguyễn Quang Tuyển cho biết, năm 2023, từ nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, Hội Nông dân huyện đã triển khai thực hiện mô hình phát triển sản xuất cộng đồng nuôi dê sinh sản tại xã Trường Sơn. Theo đó, 13 hộ dân thuộc diện hộ nghèo ở bản Ploang, xã Trường Sơn được tập huấn kỹ thuật sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ và hỗ trợ 44 con dê giống.
Để bảo đảm vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, hội đã phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn cho người dân về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng trị bệnh cho dê; hợp đồng với cán bộ thú y xã để hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, giám sát việc phòng trừ dịch bệnh trên dê cho các hộ dân. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và quy trình đã được tập huấn nên đàn dê của các hộ dân bản Ploang bước đầu đã đạt kết quả tốt. Nhiều hộ dân đã nhân đàn và phát triển mô hình, như: Hồ Văn Anh, Hồ Văn Trinh, Hồ Văn Việt…
Thực hiện dự án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã triển khai hỗ trợ bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ. Hiện nay, huyện đang thực hiện giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích trên 46.326ha; có 925 hộ, với 19 cộng đồng sinh sống ven rừng, trong lõi rừng tham gia khoanh nuôi, bảo vệ. Huyện đã triển khai trợ cấp gạo thực hiện bảo vệ và phát triển rừng năm 2023 cho hai xã Trường Sơn và Trường Xuân là 77.490kg với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng; năm 2024, đã phê duyệt hỗ trợ gạo quý II cho xã Trường Xuân 18.435kg, với tổng kinh phí trên 332 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức cho hay: “Đây là dự án được triển khai hiệu quả. Nhờ đó, đã hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ rừng, trên địa bàn xã không còn tình trạng vào rừng khai thác lâm sản trái phép, người dân chỉ tập trung bảo vệ rừng”.
Xây dựng hạ tầng thiết yếu
Nhiều năm trước, Lâm Ninh là bản đặc biệt khó khăn của xã Trường Xuân. Đường vào bản quanh co, gồ ghề đất đá, mưa lũ thì trơn trượt. Đi lại khó khăn, giao thương chậm phát triển, đời sống của người dân thiếu thốn trăm bề. Bây giờ, đường bê tông đã vào tận bản, điện sáng từ nhà ra ngõ.
Dạo bước trên tuyến đường bê tông phẳng lỳ, Trưởng bản Lâm Ninh Hồ Hơn phấn khởi giới thiệu: “Không chỉ đầu tư làm đường, bản Lâm Ninh còn được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng nhà văn hóa, trạm y tế, trường học, nhà ở, công trình nước sạch… Cuộc sống tại bản không còn gói gọn “tự cung, tự cấp” mà đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, giao thương với các thương lái trong và ngoài huyện”.
Xác định việc đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, thời gian qua, huyện Quảng Ninh đã tập trung triển khai các hạng mục công trình được phê duyệt. Trong đó, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình mang tính kết nối, tạo sức bật cho địa phương phát triển. Các tuyến đường liên bản, nhà văn hóa, trường học, công trình cung cấp nước sạch… đã góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ.
Huyện Quảng Ninh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: 89% thôn/bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 95% hộ ĐBDTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... |
Từ nguồn vốn đầu tư, năm 2022-2023, huyện đã xây dựng 7 công trình, gồm: Tuyến đường nội đồng bản Khe Ngang, khuôn viên nhà văn hóa bản Lâm Ninh, khuôn viên điểm trường mầm non bản Khe Ngang (xã Trường Xuân); khuôn viên Trường tiểu học Long Sơn, nhà văn hóa bản Thượng Sơn, khuôn viên nhà văn hóa bản Đá Chát (xã Trường Sơn)… với tổng kinh phí trên 6,5 tỷ đồng. Năm 2024-2025, huyện tiếp tục phân bổ vốn đầu tư 9 công trình tại các bản thuộc hai xã Trường Sơn và Trường Xuân với tổng mức đầu tư trên 11 tỷ đồng.
Theo Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh Phạm Trung Đông, từ nguồn vốn thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi đã giúp các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống của người dân. Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song việc triển khai chương trình trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tiến độ thực hiện chương trình còn chậm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn chưa đạt kế hoạch; một số dự án, nội dung thành phần không giải ngân được nguồn vốn do không có đối tượng, tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Định mức hỗ trợ kinh phí xây nhà ở cho các hộ dân và ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép còn thấp, đối tượng hỗ trợ là người dân vùng ĐBDTTS nghèo không có vốn đối ứng nên rất khó thực hiện.
Thời gian tới, huyện sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình; tiếp tục lồng ghép nguồn lực từ các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, chương trình đầu tư công tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, giúp đời sống vật chất và tinh thần của ĐBDTTS trong huyện không ngừng được nâng lên.
Lan Chi