Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Mùa thu hoạch sim bên mái Hoành Sơn

  • 08:25 | Thứ Sáu, 02/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bắt đầu từ tháng 6 âm lịch, sim rừng lại chín rộ bên mái Hoành Sơn. Những năm gần đây, ngoài việc lên rừng hái “lộc rừng”, người dân các xã Quảng Kim, Quảng Hợp, Quảng Tiến…(Quảng Trạch) đã trồng và khoanh nuôi cây sim rừng, mở ra một hướng đi mới, cho thu nhập cao…
 
Kiếm tiền cho năm học mới
 
Những ngày này, con đường mòn dẫn lên dãy núi Hoành Sơn luôn rộn ràng tiếng chào hỏi, nói chuyện của những người đi hái sim rừng. Đang vào mùa sim rừng chín rộ, nên người dân (đa số là chị em phụ nữ, học sinh) ở các xã Quảng Kim, Quảng Hợp (Quảng Trạch) tranh thủ lên núi hái “lộc trời”.
 
Sau một buổi hái sim rừng trên núi, chị Từ Thị Hoa (thôn 2, xã Quảng Kim) trở về với một gùi quả nặng trĩu. Chị Hoa cho biết: “Mùa sim chín cũng là mùa nông nhàn, các cháu nghỉ hè nên mấy mẹ con thường đi hái sim kiếm chút tiền trang trải cuộc sống và mua sắm sách vở, áo quần chuẩn bị vào năm học mới”.
Người dân thu hoạch sim trong vườn nhà.
Người dân thu hoạch sim trong vườn nhà.
Theo chị Hoa, muốn hái được nhiều sim, chị phải thức dậy và đi từ 3 giờ sáng, chịu khó tìm những nơi sim mọc dày để hái. Nếu đi muộn, người đi trước hái hết rồi, mình “đi mót” thì chỉ được vài cân thôi. Khi hái cũng cần để ý đến những quả xanh, ương, “căn” được bao giờ thì sim chín để đi hái lại.
 
Đang vào mùa chín rộ nên mỗi buổi luồn rừng, 2 mẹ con chị cũng hái được khoảng 10kg sim. Quả sim hiện đang được thương lái thu mua với giá 25.000 đồng/kg nên mỗi buổi, 2 mẹ con cũng kiếm được 250.000 đồng.
 
Giữa kỳ nghỉ hè nên trong đoàn người đi hái sim trên dãy Hoành Sơn không hiếm những em học sinh trung học. Em Nguyễn Thị Hiền (học sinh lớp 11, Trường THPT Quang Trung) cho biết, những năm qua, mỗi dịp hè, em thường theo mẹ và các chị trong thôn đi hái sim rừng. Công việc này với em cũng không nặng nhọc lắm, chỉ cần chịu khó, siêng năng là kiếm được tiền. Vụ sim kéo dài khoảng hơn 2 tháng, chăm chỉ đi hái sim, em cũng thu được khoảng 5 triệu đồng. Nhờ quả sim rừng mà mấy năm nay em không phải xin tiền bố mẹ để mua sách vở, quần áo cho năm học mới nữa. Bố mẹ em cũng đỡ đi một khoản lo.
 
Theo những người đi hái sim, năm nay do trời ít mưa, cây sim ra hoa muộn nên năng suất không cao bằng năm ngoái. Mặc dù vậy, mỗi ngày vẫn có hàng trăm người lên dãy núi Hoành Sơn hái sim. Sim hái được bao nhiêu, thương lái đều thu mua hết, có “tiền tươi” sau mỗi buổi hái sim nên ai cũng vui.
 
Chị Giã Thị Kim, một thương lái thu mua sim ngay tại cửa rừng cho biết, trung bình mỗi ngày chị thu mua khoảng 4 tạ sim, ngày cao điểm có khi lên đến 6 tạ. Chị thu mua sim của bà con sau đó nhập lại cho các mối lớn hơn để xuất đi tiêu thụ ở các tỉnh xa.
 
Trồng sim, cho thu nhập khá
 
Không chỉ lên rừng “hái lộc” vào mỗi mùa sim chín, những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng kinh tế từ cây sim, nhiều hộ dân ở các xã Quảng Hợp, Quảng Kim, Quảng Tiến… đã tiến hành trồng, khoanh nuôi bảo vệ cây sim rừng. Hướng đi này đã và đang mang lại thu nhập khá, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân.
Thương lái thu mua sim.
Thương lái thu mua sim.
Ông Chu Văn Thi (thôn 2, xã Quảng Kim) có trang trại rộng gần 10ha. Trước đây, trên diện tích này gia đình ông chủ yếu trồng bạch đàn và cây chè. Những năm gần đây, nhận thấy cây sim cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông đã khoanh nuôi và trồng mới sim thay thế số diện tích bạch đàn vừa khai thác. Hiện, sau 3 năm trồng và chăm sóc, cây sim đã bắt đầu cho thu nhập. Theo ông Thi, trồng sim cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng cây bạch đàn.
 
“Cây sim hiện đang được xã xác định là một trong những giải pháp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả trong điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết khắc nghiệt tại địa phương. Hiện, chúng tôi cũng đang khuyến khích bà con tận dụng diện tích đất bờ thửa bỏ hoang để trồng sim; dùng cây sim để trồng thành hàng rào, vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa có thêm thu nhập.
 
Đặc biệt, trên địa bàn xã, số diện tích đất nằm dưới đường dây 500kV rất lớn (khoảng 30ha), không thể trồng rừng và các loại cây trồng khác, xã cũng hướng dẫn, khuyến khích bà con trồng sim. Tuy nhiên, hiện, cây sim chưa có giống ươm, bà con chủ yếu bứng từ rừng về. Vì vậy, chúng tôi cũng khuyến cáo chỉ được bứng cây sim ở những nơi cho phép và tách tỉa từ những bụi sim trong vườn để làm giống, không được phá rừng” Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp Bùi Hải Lưu chia sẻ.

Là một trong những người “tiên phong” đưa cây sim về trồng thành vườn rừng, ông Nguyễn Ánh Ngọc (thôn Bưởi Rỏi, xã Quảng Hợp) chia sẻ: Nhận thấy cây sim có giá trị kinh tế nên từ năm 2017, gia đình ông đã tiến hành khoanh nuôi và trồng mới được hơn 2ha sim. Hiện, cây sim trong vườn ông Ngọc đã phát triển tốt, rất sai quả. Ước tính mỗi vụ, gia đình ông có thu nhập trên 70 triệu đồng từ cây sim.

Theo ông Ngọc, cây sim cũng dễ trồng. Khi đã trồng sống, chỉ cần bón phân nhẹ, tưới nước là sim cho quả. Mỗi vụ sim kéo dài hơn 2 tháng, cứ khoảng 3 ngày thì thu hoạch 1 lần. Khi cây sim già cỗi, trái ít, chỉ cần cắt nhánh, sim sẽ vươn chồi trở lại.
 
Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp Bùi Hải Lưu cho biết: Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn xã có khoảng 30ha sim được người dân trồng và khoanh nuôi bảo vệ. Nhiều hộ có diện tích trồng và khoanh nuôi khá lớn, như: Nguyễn Ánh Ngọc (2ha), Nguyễn Ngọc Cường (1,5ha), Nguyễn Văn Thái (1,2ha). Đây là những hộ có thu nhập cao, từ 50-70 triệu đồng/vụ nhờ trồng sim.
 
Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Kim Nguyễn Đức Hùng, tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng số diện tích sim được người dân trồng trên địa bàn xã cũng khoảng hơn 20ha, tập trung nhiều ở thôn 5. Đáng chú ý, ngoài việc trồng sim trong vườn rừng, người dân Quảng Kim còn lấy cây sim để trồng thành hàng rào xanh trong xây dựng nông thôn mới, vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa có thu nhập…
Phan Phương

tin liên quan

Bây giờ đang mùa sen

(QBĐT) - Bây giờ đang mùa sen, về làng là tôi đi ra đồng. Phía ấy, lúa tái sinh ven phá Hạc Hải đã cúi đầu chắc hạt, lác đác vào chín, sen cũng vừa rộ. 

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Quảng Bình có nhiều dòng sông, những bến sông không chỉ gắn liền với cuộc sống người dân mà còn là những kỷ niệm yên bình.

Vang mãi bản hùng ca

(QBĐT) - Trong ngôi nhà nhỏ tại phường Hải Thành (TP. Đồng Hới), những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi năm xưa từng tham gia trận đánh biệt kích đêm 30/6/1964 trên bãi biển Nhật Lệ, thôn Đồng Thành (nay thuộc phường Hải Thành) giờ đã tóc bạc da mồi, cùng nhau ôn lại kỷ niệm.