KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG TRẬN ĐẦU CỦA HẢI QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ QUÂN DÂN MIỀN BẮC (5/8/1964-5/8/2024)
Chiến thắng sông Gianh âm vang một thuở
(QBĐT) - Sáu mươi năm trước, đêm 4/8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để lấy lý do mở chiến dịch “Mũi tên xuyên” sử dụng máy bay đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa từ cảng Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh). Cùng với quân và dân miền Bắc, lực lượng Hải quân và Quân chủng Phòng không-Không quân đã không bị động, bất ngờ, ra quân đánh trúng, đánh thắng trận đầu, làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ thù.
Thời khắc lịch sử
Tài liệu Cục Chính trị Quân chủng Hải quân về kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam ghi lại: Ngay sau khi tàu Ma-đốc bị đánh đuổi khỏi vùng biển của ta trong ngày 2/8/1964, đêm 4/8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” lấy lý do mở chiến dịch “Mũi tên xuyên” sử dụng máy bay đánh phá miền Bắc từ cảng Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh).
Tại Quảng Bình, tuyến đầu miền Bắc, máy bay Mỹ tiến hành đánh phá cửa Roòn và cảng Gianh trong ngày 5/8/1964: 12 giờ 30 phút, địch dùng 8 chiếc F8U bay từ phía biển vào đèo Ngang rồi chia làm 2 tốp, một tốp lao xuống oanh tạc căn cứ Hải quân ở cửa sông Gianh, mũi Roòn, ném bom tàu đo đạc 527 đang làm nhiệm vụ ở cửa Roòn; tốp còn lại vòng theo dãy Trường Sơn lên phía thượng nguồn sông Gianh rồi quay về bắn phá cảng Gianh.
Tàu đo đạc 527 và các tàu T181, T183 (Phân đội 7), T173, T175, T177 (Phân đội 6) thuộc Khu tuần phòng 2 kịp thời chặt xích neo, cơ động chiến đấu, phối hợp với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ anh dũng giáng trả các đợt không kích của máy bay địch. Sau 25 phút chiến đấu, bộ đội bắn cháy một máy bay rơi xuống vùng biển phía đông nam cửa Gianh, bắn bị thương một chiếc khác.
Tiếp đó, lúc 16 giờ 18 phút, đế quốc Mỹ cho 11 chiếc máy bay F8U tiến hành bắn phá cảng Gianh lần thứ hai. 6 chiếc không kích tàu T175 ở Hòn La, 5 chiếc khác đánh phá cảng Gianh. Các tàu Hải quân trong tư thế sẵn sàng chiến đấu kịp thời nổ súng, ngay loạt đạn đầu đã bắn cháy một chiếc máy bay địch.
Ngày 2 và 5/8/1964 trở thành một mốc son có ý nghĩa quan trọng, tự hào trong lịch sử quân và dân miền Bắc, lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Đây là chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam, cũng là chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Những người đi qua cuộc chiến
Trên đường thiên lý Bắc Nam, ngang qua Quảng Bình, phía bờ Bắc sông Gianh, sừng sững tạc giữa đất trời, sóng nước là tượng đài chiến thắng ghi dấu chiến công Hải quân nhân dân Việt Nam ra quân đánh thắng trận đầu 60 năm về trước.
Ngày 5/8/1965, nhân dịp kỷ niệm một năm chiến thắng trận đầu, Bác Hồ gửi thư khen bộ đội Hải quân: “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, Hải quân đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta”. |
Từ trên cầu Gianh, nhìn xuôi về biển, dòng Gianh tấp nập tàu, thuyền vào ra. Nơi đây, chiến thắng trận đầu 60 năm về trước ngoài lực lượng bộ đội chủ lực, còn có sự hợp đồng tác chiến của quân và dân đôi bờ sông Gianh, phía Nam là các xã: Thanh Trạch, Bắc Trạch, Hạ Trạch (Bố Trạch); bờ Bắc có phường Quảng Thuận, Quảng Phúc (huyện Quảng Trạch nay là TX. Ba Đồn)...
Cảng Gianh 60 năm về trước thuộc địa phận phường Quảng Phúc. Dấu vết còn sót lại bây giờ chỉ còn một đoạn cầu cảng hình chữ T nằm giữa dòng Gianh. Lịch sử Đảng bộ phường Quảng Phúc (1930-2000) ghi rõ: Địa bàn xã Quảng Phúc là nơi đóng quân của nhiều đơn vị bộ đội, gồm: Đại đội 24, 26 Hải quân sông Gianh; tiểu đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân; trung đoàn cao xạ 85; tiểu đoàn 7,10, 15, đại đội 8 pháo mặt đất; trung đội 24 bảo vệ phà Gianh; Hải đội 10, Đồn Biên phòng 188...
Những năm tháng đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhân dân Quảng Phúc tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cùng với bộ đội đào đắp công sự, kéo pháo, vận chuyển đạn, tiếp tế lương thực, ngụy trang vũ khí, tàu thuyền, chăm sóc thương, bệnh binh... Cuộc sống dẫu còn muôn vàn khó khăn nhưng tình cảm gắn bó giữa quân và dân Quảng Phúc lúc nào cũng làm ấm lòng bộ đội.
Những năm tháng hào hùng của quê hương được ông Nguyễn Bá Quát (SN 1930) ở tổ dân phố Mỹ Hòa, nguyên Bí thư, Chủ tịch xã giai đoạn 1976-1992 chép thành 2 cuốn nhật ký, một cuốn ông tặng xã Quảng Phúc làm tư liệu lịch sử, cuốn còn lại ông lưu giữ cho con cháu mai sau.
Nhớ về sự kiện ngày 5/8/1964, ông Nguyễn Bá Quát kể: “Làm sao quên được! Tôi lúc đó là Ủy viên Ủy ban xã Quảng Phúc cùng anh trai Nguyễn Văn Lộc, Trưởng Công an xã đang trên đường xuống cảng Gianh vận chuyển vôi về cho hợp tác xã. Sông Gianh đang yên bình thế, bỗng đâu xuất hiện các tốp máy bay Mỹ ập đến. Rồi bom rơi khắp một vùng cảng Gianh. Tàu Hải quân ta nhanh chóng chặt đứt neo, cơ động đánh trả máy bay địch. Khi trận đánh kết thúc, chúng tôi huy động nhân dân cùng lực lượng dân quân xuống cảng. May mắn thay, trong trận đánh này, bộ đội ta không có ai hy sinh”.
Cùng thời gian ông Nguyễn Bá Quát chứng kiến trận đánh ở bờ Bắc, phía bờ Nam thuộc địa phận xã Thanh Trạch, Phó Công an xã Nguyễn Tri Phương (SN 1939) cùng lực lượng dân quân bám chặt trận địa 12 ly 7, huy động súng bộ binh bình tĩnh, dũng cảm nhắm từng tốp máy bay địch bổ nhào nhả đạn.
Đại tá Nguyễn Tri Phương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh kể: “Tôi nhớ tại cảng Gianh lúc đó có các tàu Hải quân mang số hiệu T173, T175, T177, T181, T183... Lúc 12 giờ 30 phút ngày 5/8/1964, khi máy bay Mỹ tập kích lần thứ nhất, chúng ta phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, nhờ thế đã bắn cháy và làm bị thương 2 máy bay Mỹ. Trận đánh thứ hai lúc chiều tối, rút kinh nghiệm buổi trưa, các tàu Hải quân nhanh chóng cơ động, vừa cơ động, vừa chiến đấu. Trận địa phòng không 37 ly, 12 ly 7, súng trường, súng bộ binh hai bờ sông Gianh hợp đồng nhịp nhàng. Tất cả đều nhắm thẳng quân thù mà bắn. Cuối cùng... không làm được gì ta, lũ máy bay Mỹ phải cúp đuôi, chuồn thẳng”.
Trong câu chuyện cùng tôi về những năm tháng hào hùng, trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên sông Gianh, ông Nguyễn Tri Phương không tránh khỏi bùi ngùi, xúc động: “Chiến tranh có chiến thắng, có cả mất mát, hy sinh. Đó là trận chiến diễn ra ngày 28/4/1965 giữa 5 tàu Hải quân T124, T161, T163, T165, T173 với trên 80 lượt máy bay Mỹ, mỗi lượt chúng huy động từ 9 đến 20 chiếc. Trong trận đánh này, ta bắn cháy 5 máy bay, làm bị thương nhiều chiếc khác. Về phía ta, 3 tàu bị chìm, 2 tàu còn lại hư hỏng nặng; 37 chiến sĩ hy sinh, 73 chiến sĩ bị thương. Hình ảnh những con tàu, những người lính Hải quân kiên cường, bất khuất quần nhau với máy bay địch suốt một ngày ròng rã mãi mãi khắc sâu trong trái tim người dân đôi bờ sông Gianh. Với những thành tích chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cứu chữa thương binh trong trận đánh ngày 28/4/1965, tôi vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Ngô Thanh Long