(QBĐT) - Những tháng ngày “bán mình” cho ma túy đã bào mòn sức vóc, thể lực của người nghiện. Sau cai nghiện ma túy (CNMT), họ mang tâm lý mặc cảm, tự ti lại thiếu bản lĩnh, ý chí quyết tâm cộng với cái lắc đầu từ chối khi đi xin việc làm từ phía các nhà tuyển dụng đã khiến con đường hoàn lương của những người từng lầm lỡ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bởi vậy, để nới rộng hơn “khe cửa hẹp” đưa người nghiện sau cai hòa nhập cộng đồng rất cần sự chung tay từ nhiều phía.
Được học nghề, có việc làm ổn định để tạo dựng lại cuộc sống là nhu cầu chính đáng của những người nghiện ma túy sau cai và cũng là giải pháp hữu hiệu phòng ngừa tái nghiện. Những năm qua, song song với công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy, thay đổi nhận thức của cộng đồng về tránh phân biệt đối xử với người sau CNMT, việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện sau cai trở về tái hòa nhập cộng đồng luôn được các cấp, ngành và các đoàn thể quan tâm.
Từ đó, tạo động lực và niềm tin cho người sau cai nghiện quyết tâm từ bỏ ma túy, chí thú lao động để có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, có được việc làm ổn định sau cai nghiện đối với nhiều người từng nghiện ma túy lại là vấn đề rất khó khăn.
Sinh năm 1988, 36 tuổi đời, khi những người cùng trang lứa đã có trong tay sự nghiệp ổn định, gia đình hạnh phúc thì cuộc đời anh N.V.H. ở xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới) vẫn là con số 0 tròn trĩnh, không nghề nghiệp, không vợ con và không cả ước mơ, hoài bão. Tất cả chỉ vì ma túy. Sa chân vào “cái chết trắng” gần 10 năm, bao lần anh H. tự nhủ phải quyết tâm dứt bỏ nó để hoàn lương nhưng đều thất bại.
Với sự động viên của người thân, H. nhiều lần CNMT thành công tại gia đình. Sau mỗi lần như thế, anh lại quyết tâm làm lại cuộc đời, bắt đầu từ việc đi xin việc làm. Khổ nỗi, biết anh từng nghiện ma túy, không nơi nào dám nhận. Không để bản thân nhàn rỗi, anh xin làm phụ hồ, thợ sơn nhưng vì cơ thể bị ma túy tàn phá, sức khỏe yếu không làm được công việc nặng nhọc nên được dăm bữa, nửa tháng, anh lại nghỉ việc. Lông bông, bạn bè lôi kéo, anh lại “bập” vào ma túy. Cứ thế, hết lần này đến lần khác, anh quay lại “vũng bùn”.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến người nghiện sau cai khó tìm được việc làm, ông Trần Đình Quý, Giám đốc Cơ sở CNMT tỉnh cho biết: Mặc dù đã được điều trị, rèn luyện nhưng sức khỏe của người sau cai nghiện vẫn bị “bào mòn” rất nhiều. Thêm vào đó, họ thiếu tự tin, kỹ năng trong phỏng vấn xin việc và bị cạnh tranh gay gắt với những người có chứng chỉ nghề bên ngoài. Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự kỳ thị, định kiến của xã hội với người nghiện còn khá nặng nề. Đa phần các cơ sở, doanh nghiệp vẫn luôn coi họ là đối tượng có “lý lịch đen” nên còn e ngại, không thiện cảm, đề phòng và ít dành cơ hội việc làm cho người nghiện sau cai.
Để người nghiện sau cai tìm được việc làm, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề đóng vai trò rất quan trọng. Tại Cơ sở CNMT tỉnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất do quá trình xây dựng chưa đồng bộ, nhưng đơn vị đã từng bước khắc phục, mở rộng khu lao động trị liệu, tìm kiếm nhiều việc làm, như: Đan lát, dán giấy, trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm… vừa để học viên lao động phục hồi sức khỏe vừa tạo cơ hội cho họ được tiếp cận, học nghề.
Bên cạnh đó, cơ sở phối hợp với Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình mở lớp đào tạo nghề sơ cấp cho các đối tượng. Nhiều học viên trong quá trình học nghề nắm bắt kỹ thuật khá nhanh. Song chương trình dạy nghề tại đây chủ yếu mang tính “trị liệu” cho học viên nên chưa tạo được nhiều cơ hội việc làm cho người nghiện khi tái hòa nhập cộng đồng.
Sau CNMT, công tác quản lý đối tượng khi trở về cộng đồng thuộc trách nhiệm của các địa phương. Nhưng thực tế cho thấy, tại nhiều nơi, công tác này đang bị bỏ ngõ bởi sự thiếu quan tâm, quản lý chặt chẽ từ chính quyền, các đoàn thể ở địa phương. Bởi vậy, đa số người sau CNMT trở về muốn tìm công việc phù hợp đều phải… “tự bơi”. Cũng có nhiều trường hợp địa phương quan tâm hỗ trợ nhưng chính bản thân đối tượng lại không mấy mặn mà. Theo thống kê của nhiều địa phương, số đối tượng sau CNMT có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay so với số tái hòa nhập cộng đồng.
Theo thống kê từ Cơ sở CNMT tỉnh, từ ngày 1/1/2022-31/3/2024, cơ sở đã tiếp nhận 114 đối tượng đến cai nghiện, trong đó, 90 người cai nghiện bắt buộc, 24 người cai nghiện tự nguyện; tính đến tháng 8/2024, cơ sở quản lý 64 đối tượng cai nghiện bắt buộc, xét giảm thời hạn cho 7 đối tượng, tái hòa nhập cộng đồng cho 7 đối tượng.
Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới) Đào Văn Tuấn, việc quản lý, tạo việc làm cho đối tượng nghiện ma túy sau cai tại địa phương hiện gặp không ít khó khăn, bởi lẽ, đa số người nghiện đều ở độ tuổi thanh niên nhưng lại thiếu ý chí, lười lao động. Xã luôn chỉ đạo cấp ủy, đoàn thể các thôn có người nghiện động viên họ chăm chỉ lao động, phát triển kinh tế, tránh xa các tệ nạn xã hội. Tranh thủ các lớp học nghề của Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, địa phương cũng khuyến khích họ tham gia để nâng cao tay nghề, nếu không xin được việc làm tại các cơ sở, doanh nghiệp thì tự đầu tư phát triển kinh tế tại gia. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đối tượng sau CNMT tham gia.
Những vướng mắc trên chính là nguyên nhân thu hẹp dần cánh cửa đưa người nghiện ma túy sau cai tái hòa nhập cộng đồng. Và lẽ dĩ nhiên, “vướng ở đâu, gỡ ở đó”, để người nghiện sau cai có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, trước hết, cần làm tốt công tác định hướng dạy nghề, giải quyết việc làm cho họ cả trong quá trình cai nghiện và sau cai nghiện.
Cấp ủy, chính quyền ở cơ sở cần nâng cao trách nhiệm, phân công các ban, ngành, đoàn thể quản lý đối tượng sau cai, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ sở, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tạo điều kiện về việc làm cho những đối tượng đã hoàn thành tốt chương trình quản lý sau CNMT. Nên chăng cần có cơ chế hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho người nghiện sau cai cũng như cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thu hút người sau cai nghiện bị thất nghiệp.
Quan trọng hơn cả là tâm thế của đối tượng khi tái hòa nhập cộng đồng, bởi chính họ phải tự cứu lấy cuộc đời mình, chứ không thể hoàn toàn giao phó cho ai khác. Nếu được tạo điều kiện và chính bản thân người nghiện luôn tự tin vào bản thân, quyết tâm từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời thì cơ hội việc làm sớm muộn gì cũng đến...
(QBĐT) - Được xã hội dang tay đón nhận, có công việc ổn định để hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện ma túy là mong muốn của hầu hết những người từng lầm lỡ, sa chân vào vũng lầy ma túy.
(QBĐT) - Những năm qua, với sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều bản làng vùng cao ở huyện Quảng Ninh đã từng bước "thay da đổi thịt". Những bản làng vùng cao như khoác lên mình chiếc áo mới-chiếc áo của ấm no.
(QBĐT) - Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã góp phần làm thay đổi diện mạo các bản làng vùng cao ở huyện Quảng Ninh.