Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Bước lên rừng gỗ lớn-Bài cuối: Để bước đi thêm vững chắc

  • 08:35 | Thứ Hai, 19/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Đến năm 2025, Quảng Bình phấn đấu ổn định diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng là 110.000ha, bao gồm 16.200ha rừng gỗ lớn (RGL). “Tuy nhiên, trong lộ trình phát triển cần phải giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc thì các địa phương mới mạnh dạn và có bước đi đột phá đối với RGL”, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Văn Duẫn chia sẻ.

>>> Bài 1: Đột phá thế mạnh gò đồi

>>> Bài 2: Thu tiền tỷ nhờ gỗ rừng trồng

Vẫn còn những nỗi lo…

Bên cạnh những thuận lợi có được về đất đai, công tác phát triển trồng RGL, rừng được cấp chứng chỉ FSC còn gặp phải những khó khăn vướng mắc cần có hướng xử lý của các cấp chính quyền.

Theo ông Nguyễn Văn Sự, xã Cao Quảng (Tuyên Hóa), trồng RGL có chu kỳ kinh doanh kéo dài, dễ bị ảnh hưởng bởi gió bão, gây thiệt hại. Ông Sự cũng nhắc lại trận bão lớn vào tháng 8/2017 tràn qua huyện Tuyên Hóa và làm thiệt hại khoảng 9.000ha rừng trồng. “Lúc đó, gia đình tôi có 5ha rừng trồng sắp đến kỳ thu hoạch thì bị bão bẻ gãy hết. Phần bị gãy ngang thân, phần bị gãy tận gốc nên phải bán với giá… củi khô chứ không thể làm gì được hơn. Thậm chí, để trồng lại rừng còn phải thuê người chặt dọn hậu quả của bão thì mới đào được hố trồng cây. Vì vậy, người trồng rừng ở đây cũng chưa thể hồ hởi lắm với RGL”, ông Sự bộc bạch.

Chú trọng xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư ở lĩnh vực chế biến gỗ tinh sâu để tạo sự liên kết với người trồng rừng.
Chú trọng xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư ở lĩnh vực chế biến gỗ tinh sâu để tạo sự liên kết với người trồng rừng.

Gắn với tâm lý lo ngại thiên tai thì người trồng rừng cũng có những băn khoăn khác. Đó là chi phí trồng RGL cao so với thu nhập của người trồng rừng nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư trồng. Phần đông các hộ dân trồng rừng với diện tích dưới 10ha nên cũng khó để chuyển diện tích sang trồng RGL. Theo ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy (Lệ Thủy), thường thì những gia đình có diện tích rừng vài chục ha trở lên và cũng đã có thu nhập nhiều năm, tích lũy được ít vốn thì mới có điều kiện chuyển sang trồng RGL. “Vì vậy, đa phần bà con có diện tích dưới 10ha rừng thì cũng rất khó khăn khi chuyển đổi”, ông Văn nói thêm.

Qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều bà con trồng rừng cho hay, trồng rừng gỗ nhỏ bán theo trọng lượng thì cần lúc nào bán lúc đó. Trên địa bàn có nhiều đại lý thu mua với giá thị trường, bà con cần tiền có thể bán rừng ngay ngày mai là có đồng vào, đồng ra. Tuy nhiên, khi đã lên RGL rồi thì khó có thể chủ động để bán. Ông Võ Văn Xướng, một chủ rừng ở xã Thái Thủy (Lệ Thủy) bộc bạch: “Chỉ riêng chuyện chưa thấy được đầu ra cụ thể ở đâu cũng đã làm cho người trồng rừng như chúng tôi không an tâm khi lên RGL”.

Thêm lý do làm trào cản của phát triển RGL nữa là người trồng rừng chưa nhận thức hoặc chưa thấy rõ lợi ích từ chứng chỉ rừng FSC, còn lo ngại về đầu ra của gỗ có chứng chỉ. Từ đó, đã làm hạn chế sự tăng trưởng của RGL.

Tháo gỡ rào cản…

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) khẳng định: Phát triển trồng RGL là nội dung quan trọng trong kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đề án “Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng RGL tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2025”, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị rừng trồng, tạo nguồn nguyên liệu bền vững cho chế biến và xuất khẩu, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh.

Nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng, bảo vệ môi trường và phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó có RGL là hướng đi đúng, nhưng cần có bước đi phù hợp, chắc chắn. “Các địa phương cũng cần chú trọng đến hình thành vùng nguyên liệu gỗ công nghiệp và gỗ lớn, gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm”, ông Tuấn cho hay.

Rừng trồng dần phủ xanh diện tích đất trống đồi núi trọc của các địa phương trong tỉnh.
Rừng trồng dần phủ xanh diện tích đất trống đồi núi trọc của các địa phương trong tỉnh.

Để thực hiện kế hoạch trồng RGL, trồng rừng gắn với chứng chỉ rừng FSC đạt hiệu quả cao, huyện Lệ Thủy tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hiệu quả của trồng và chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ lớn. Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cho hay, các cấp chính quyền đã tích cực vận động chủ rừng tham gia thực hiện trồng và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang RGL, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. “Chúng tôi ưu tiên nguồn kinh phí để trồng RGL và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Đồng thời, đưa các giống cây lâm nghiệp có năng suất, sản lượng cao, có khả năng chống chịu, hạn chế sâu bệnh hại rừng, hạn chế rủi ro cho người trồng rừng”, ông Hán cho biết thêm.

Việc kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực, có nhu cầu thu mua bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng chứng chỉ rừng FSC; tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đánh giá chứng chỉ rừng FSC và bao tiêu sản phẩm đang được tỉnh chú trọng. Đây cũng là mấu chốt để tăng nhanh diện tích RGL.

Ông Nguyễn Văn Sáng, một chủ rừng ở xã Thái Thủy (Lệ Thủy) cho rằng, trên địa bàn xã có khoảng 3.900ha rừng trồng và mới phát triển được 150ha RGL là tỷ lệ còn khiêm tốn. Để phát triển RGL, rất cần các cá nhân, tổ chức có điều kiện đứng ra tích tụ đất rừng, gom nhiều diện tích nhỏ thành diện tích lớn, kiểu như gom ruộng thành cánh đồng lớn trong liên kết sản xuất lúa gạo. “Nếu doanh nghiệp liên kết với bà con để cùng tham gia trong các khâu cây giống, canh tác, bao tiêu sản phẩm thì chắc chắn trong vài năm tới, diện tích RGL trên địa bàn sẽ tăng cao và người dân an tâm sản xuất hơn”, ông Sáng tâm tư.

Nhằm xây dựng đầu ra ổn định cho RGL, những năm qua, Quảng Bình đã xúc tiến kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến gỗ tinh sâu để tạo sự liên kết với người trồng rừng. Các doanh nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh còn chủ động xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với chứng chỉ FSC.

Huyện Quảng Ninh đã có Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững huyện để hỗ trợ người trồng rừng. Ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các xã, đơn vị, chủ rừng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ gia đình trên địa bàn đăng ký và thực hiện kế hoạch trồng RGL. Hạt Kiểm lâm phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện thực hiện hỗ trợ cấp cây keo giống chất lượng cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng RGL với diện tích 100ha.

“Ngoài ra, chúng tôi còn tư vấn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chủ rừng chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ nhỏ sang RGL; phối hợp rà soát diện tích rừng trồng hộ gia đình tham gia đăng ký chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho hơn 1.000ha tại các xã Trường Xuân, Trường Sơn”, ông Quế nói thêm.

Quảng Bình đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh phát triển trồng RGL, như: “Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025”, hỗ trợ trồng RGL cho các hộ gia đình với tổng diện tích 1.000ha, kinh phí 7,92 tỷ đồng; “Hỗ trợ thí điểm mô hình trồng rừng phòng tránh thiên tai”, hỗ trợ trồng RGL cho người dân tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh) và xã Kim Thủy (Lệ Thủy) với diện tích 200ha, kinh phí 3,13 tỷ đồng...

Tỉnh còn thực hiện hỗ trợ trồng RGL từ kinh phí trồng rừng thay thế (Quỹ bảo vệ và phát triển rừng); chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025… để khuyến khích trồng RGL. Đây là hướng đi đúng với xu thế phát triển xanh và bảo vệ môi trường sinh thái hiện nay.

Phan Anh và nhóm P.V

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Quảng Bình có nhiều dòng sông, những bến sông không chỉ gắn liền với cuộc sống người dân mà còn là những kỷ niệm yên bình.

Vang mãi bản hùng ca

(QBĐT) - Trong ngôi nhà nhỏ tại phường Hải Thành (TP. Đồng Hới), những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi năm xưa từng tham gia trận đánh biệt kích đêm 30/6/1964 trên bãi biển Nhật Lệ, thôn Đồng Thành (nay thuộc phường Hải Thành) giờ đã tóc bạc da mồi, cùng nhau ôn lại kỷ niệm. 

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông hoàn thành sẽ góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh.