Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
(QBĐT) - Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) không chỉ được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ, có giá trị nổi bật toàn cầu mà còn là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng mang giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học (ĐDSH) của trái đất. Với những nỗ lực chung của các bên liên quan, VQG PN-KB hiện là một trong những điểm sáng về công tác bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, giúp duy trì các giá trị ĐDSH, phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho người dân. Việc tham gia chương trình Danh lục Xanh sẽ giúp VQG PN-KB từng bước khẳng định các thành công của mình; đồng thời bảo đảm việc vận hành VQG đi đúng hướng với yêu cầu chung của thế giới…
Rừng bách xanh hơn 500 năm tuổi
Bách xanh đá (Calocedrus rupestris Aver) được phát hiện vào năm 2004, là loài thực vật quý, hiếm, đặc hữu của Việt Nam. Bách xanh đá được Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp tình trạng bảo tồn nguy cấp. Hiện, theo kết quả khảo sát có 11 tuyến ghi nhận sự xuất hiện của bách xanh đá, phân bố tập trung chủ yếu ở khu vực núi đá vôi từ Km30-Km44 đường 20 Quyết thắng, thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của vùng lõi VQG; khu vực bản A Rem (xã Tân Trạch, Bố Trạch) và bản Nịu (xã Thượng Trạch, Bố Trạch) thuộc phân khu phục hồi sinh thái của VQG nằm trong tiểu khu 288A, 288B, 288C, 644, 645, 291B với diện tích khoảng hơn 5.000ha.
Bách xanh đá là loài cây lá kim, gỗ lớn, thường xanh, tán rộng; sinh sản đơn tính bằng hạt và được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất, bởi tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn. Đây là một loài thực vật cổ và đặc hữu của Việt Nam, hiện chỉ còn sót lại chủ yếu ở VQG PN-KB. Việc phát hiện quần thể bách xanh đá là một minh chứng khoa học khẳng định tính nguyên sơ và độc đáo về ĐDSH của VQG PN-KB.
Với điều kiện nơi sống hẹp, phân bố hạn chế, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các quần thể có kích thước nhỏ và bị chia cắt cùng với thông tin về ý nghĩa phong thủy của bách xanh đá nên nhiều người dân đang tìm cách săn lùng gỗ loài cây này, dẫn đến bách xanh đá đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, để bảo vệ và bảo tồn quần thể bách xanh đá nguyên sinh lớn nhất Việt Nam này, các cơ quan chức năng cần ưu tiên tuần tra, bảo vệ trong diện tích vùng cư trú nơi mà bách xanh đá tập trung thành rừng với mật độ cao; lập phương án quản lý, giám sát trong phạm vi vùng phân bố bách xanh đá; lựa chọn các ô tiêu chuẩn thích hợp để theo dõi, lập hồ sơ theo dõi diễn biến nhằm đánh giá các xu thế biến động quần thể bách xanh đá; điều tra xác định cây có phẩm chất, sinh trưởng và phát triển tốt để được công nhận cây trội cung cấp hạt giống cùng với thử nghiệm nhân giống bằng hom để tạo nguồn giống trồng thử nghiệm trên vùng phân bố tiềm năng đã được xác định.
Mặt khác, tiếp tục theo dõi đặc điểm vật hậu của loài bách xanh đá; nghiên cứu chuyên sâu về cấu trúc tuổi, diễn thế loài, quần thể nhằm đánh giá những thay đổi trong quá khứ của môi trường và ĐDSH; phân tích ảnh hưởng và tương tác của các yếu tố sinh thái môi trường và cấu trúc thảm thực vật tới phân bố bách xanh đá. Đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu đến quần thể bách xanh đá và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao ý thức bảo vệ quần thể bách xanh đá…
N.Hải
Gìn giữ những nguồn gen quý, hiếm
VQG PN-KB nằm ở khu vực Trung Trung bộ, trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn thuộc vùng sinh địa Indo-Malaysia; với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có lượng mưa trung bình hàng năm trên 2.000mm và độ ẩm trung bình hàng năm trên 80%; cùng với sự đa dạng của các sinh cảnh như rừng trên núi đá vôi, rừng trên núi đất, rừng chuyển tiếp. Đây là những yếu tố quan trọng tạo nên tính ĐDSH và sự giàu có về các yếu tố đặc hữu, nguồn gen quý hiếm.
VQG PN-KB được đánh giá là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu, là mẫu chuẩn điển hình về ĐDSH của vùng sinh thái dãy Trường Sơn; đồng thời đây là nơi có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi lớn nhất Việt Nam.
VQG PN-KB là nơi có hệ động thực vật vô cùng đa dạng và phong phú với 2.953 loài thực vật thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành; 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành. Là khu vực có tính ĐDSH cao, lưu giữ nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN. Trong đó, có 111 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 3 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP và 311 loài được liệt kê trong Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
VQG PN-KB cũng là nơi đã phát hiện 43 loài mới cho khoa học và công bố trên toàn thế giới; trong đó, có 38 loài động vật và 5 loài thực vật. Đây cũng là khu vực chứa đựng nhiều nguồn gen quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ, như: Bách xanh đá, huê mộc, đỉnh tùng, trầm hương, mun sừng, gụ lau, lim xanh, bảy lá một hoa, giảo cổ lam, lan hài xanh, hài đốm, hài xoắn…
VQG PN-KB không chỉ là di sản mà còn là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, do vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần thiết phải có định hướng tầm nhìn; nguồn nhân lực mạnh năng lực, cao về chuyên môn, đủ về con người; hệ thống pháp lý phải minh bạch, đồng bộ, rõ ràng; các trụ cột chính trong bảo tồn và phát triển phải tương xứng, hài hòa…
Phát huy vai trò của lực lượng Kiểm lâm
Ông Nguyễn Nam Định, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Trạch
Kể từ khi VQG PN-KB nằm trong bản đồ di sản của nhân loại, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại VQG PN-KB được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Hiện, về cơ bản các giá trị tài nguyên rừng của VQG được quản lý, bảo tồn nguyên vẹn, trong đó, có vai trò rất lớn của lực lượng Kiểm lâm của VQG PN-KB.
Trạm Kiểm lâm Thượng Trạch được giao nhiệm vụ quản lý gần 29.000ha rừng; trong đó, có 11 tuyến bách xanh đá với diện tích khoảng hơn 5.000ha. Bởi, bách xanh đá mọc trên núi đá vôi có độ cao trên 700m, có độ dốc lớn, loài đặc hữu. Vì vậy, được trạm đưa vào diện bảo vệ nghiêm ngặt với tần suất tuần tra mỗi tuyến có rừng bách xanh đá 2 đợt/tháng.
Hiện, để bảo vệ tốt diện tích rừng được giao quản lý; đặc biệt là đối với diện tích rừng bách xanh đá, Trạm Kiểm lâm Thượng Trạch đã tăng cường công tác tuyên truyền đến với tất cả người dân, áp dụng công nghệ mới trong tuần tra quản lý bảo vệ rừng và giám sát ĐDSH; xây dựng kế hoạch tuần tra hàng tháng sát với tình hình thực tế trên từng địa bàn, tiểu khu; khoanh vùng, xây dựng bản đồ những khu vực có phân bố nhiều động vật, thực vật quý hiếm. Ngoài ra, trạm cũng đã thực hiện công tác định vị, khoanh vùng và đánh dấu từng cây bách xanh đá để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ; đồng thời tổ chức nhiều đợt tuần tra dài ngày trong rừng…
Nhờ vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng trong lâm phận được giao quản lý có những bước chuyển biến tích cực, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời; số vụ vi phạm lâm luật và số lượt người vào rừng trái phép giảm mạnh; tài nguyên rừng cơ bản được bảo vệ tốt; số lượng và tần suất bắt gặp các loài động vật rừng ngày càng nhiều, đặc biệt là các loài linh trưởng…
Tuy vậy, việc tuần tra, bảo vệ diện tích rừng do Trạm Kiểm lâm Thượng Trạch quản lý hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức, như: Các tuyến tuần tra đều có địa hình hiểm trở, nguy cơ sạt lở, ngập úng vào mùa mưa cao; tập quán sinh sống của người dân vùng đệm VQG đã ảnh hưởng lớn tới công tác bảo vệ rừng; vẫn còn tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ, bẫy bắt động vật hoang dã; công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn vẫn chưa được duy trì một cách thường xuyên và sâu, rộng đến người dân vùng đệm…
Ngọc Hải (thực hiện)