Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Dấu chân người lính

  • 08:18 | Chủ Nhật, 06/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đứng chân ở địa bàn vùng Tây Nam huyện Lệ Thủy, những năm qua, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79 (Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15) đã nỗ lực vượt lên khó khăn, gian khổ, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương vừa phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân, vừa xây dựng nền quốc phòng vững mạnh. 
 
Song hành kinh tế với quốc phòng
 
Đoàn 79 được thành lập ngày 15-10-2005, tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tháng 8-2009, đơn vị hành quân ra Quảng Bình, đứng chân ở vùng biên giới Tây Nam huyện Lệ Thủy. Sau 16 năm thành lập và gần 12 năm đóng quân trên địa bàn vùng Tây Nam Lệ Thủy, đơn vị đã không ngừng vượt khó vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Những cánh rừng cao su của Đoàn KT-QP 79 đã cho khai thác
Những cánh rừng cao su của Đoàn KT-QP 79 đã cho khai thác
Thiếu tá Phạm Xuân Tri, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 79 chia sẻ: Thực hiện chủ trương của Chính phủ, quân đội tham gia xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn, cán bộ, chiến sỹ Đoàn KT-QP 79 đã có mặt ở vùng đất phía Tây Nam huyện Lệ Thủy.
 
Đơn vị trực tiếp quản lý, tổ chức thực hiện dự án khu KT-QP Nam Quảng Bình thuộc Binh đoàn 15, với nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định dân cư xã hội, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng-an ninh trong khu vực dự án được Bộ Quốc phòng phê duyệt, trên địa bàn chiến lược khu vực biên giới, gắn với phát triển dự án cao su. 
 
Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy Nguyễn Văn Hùng tâm sự: Mang trong mình sứ mệnh cao cả của người lính Cụ Hồ, những năm qua, Đoàn KT-QP 79 đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã Kim Thủy, Lâm Thủy, Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) và các lực lượng chức năng xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, an toàn làm chủ.
Những cánh rừng cao su của Đoàn KT-QP 79 đã cho khai thác
Những bát mủ cao su đầu tiên được các lao động hợp đồng của Đoàn KT-QP 79 là đồng bào Vân Kiều trực tiếp khai thác
Bên cạnh đó, đơn vị không ngừng củng cố, xây dựng tình đoàn kết quân dân, vận động học sinh đến trường, vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, tích cực phòng chống tệ nạn xã hội, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới.
 
Cùng với thiếu tá Hoàng Văn Việt, Đoàn phó Đoàn KT-QP 79, chúng tôi đi thăm một số công trình cơ sở hạ tầng của đơn vị đầu tư xây dựng trên địa bàn đứng chân. Thiếu tá Việt cho biết: Hơn 10 năm qua, đơn vị đã giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho 167 lao động, trong đó có 44 lao động là người Vân Kiều.
 
Nhiều lao động là con em đồng bào Vân Kiều khi vào làm công nhân cho đơn vị đã thành đôi, trở thành những gia đình trong các khu dân cư gắn với đội sản xuất của Đoàn KT-QP 79. Đây được coi là “kế sách” vững chắc cho sự phát triển dài lâu, gắn phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng-an ninh của đơn vị trên vùng biên giới.
 
Đứng chân trên địa bàn khó khăn, bộ đội Đoàn KT-QP 79 luôn nghĩa tình sắt son với đồng bào, nhiều hoạt động xã hội, hỗ trợ giáp hạt, bão lũ cho người dân được đơn vị thực hiện, với tổng kinh phí 4,34 tỷ đồng… Sau mỗi đợt bão lụt, đơn vị đều triển khai ngay công tác hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào, cũng như cán bộ, công nhân lao động.
 
“Nhiều lúc nước lũ còn ngập sâu, chảy xiết, địa bàn chia cắt rất nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn quyết tân đưa lượng thực vào cho đồng bào đang bị cô lập. Đơn cử như trong trận lũ lụt lịch sử tháng 10-2020, đơn vị đã bố trí lực lượng, phương tiện, nấu hơn 1.200 suất cơm để cứu trợ bà con vùng lũ Lệ Thủy; phối hợp cùng các đoàn cứu trợ cấp phát hàng hóa, lương thực với trị giá hơn 1,6 tỷ đồng”, đại úy Trần Ngọc Hiệp, Chủ nhiệm chính trị, Đoàn KT-QP 79 tâm sự.
 
Niềm vui từ những công trình
 
Để tạo sự chuyển biến cho các xã miền núi của huyện Lệ Thủy, những năm qua, Đoàn KT-QP 79 đã đầu tư xây dựng gần 14,4km đường giao thông, 45km đường điện với 12 trạm biến áp, xây dựng cầu tràn và trạm y tế quân dân y với tổng kinh phí đầu tư trên 96 tỷ đồng; xây dựng các lớn mẫu giáo, mần non để bảo đảm việc học hành cho con em cán bộ, công nhân viên, người lao động trong đơn vị. 
 
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã đầu tư xây dựng cho địa phương 3 điểm nhà trẻ, mẫu giáo 2 nhóm ở bản Làng Ho (xã Kim Thủy), bản Eo Bù-Chút Mút (xã Lâm Thủy) và xã Ngân Thủy; xây tặng 1 nhà văn hóa cộng đồng, 9 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; tổ chức khám chữa bệnh cho 4.084 lượt người, tiêm chủng cho 785 lượt, cấp phát thuốc miễn phí, trị giá hơn 250 triệu đồng. 
Một công trình đường giao thông được đơn vị đầu tư xây dựng
Một công trình đường giao thông được đơn vị đầu tư xây dựng
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Binh đoàn về việc phát triển sản xuất đến đâu xây dựng khu dân cư đến đó, đến nay, Đoàn KT-QP 79 đã xây dựng mới 5 khu dân cư gắn với 5 đội sản xuất, với 107 hộ gia đình, trong đó có 28 hộ gia đình dân tộc thiểu số. Các khu dân cư đều có điện sinh hoạt và hệ thống nước sạch để người lao động sử dụng.
 
Các dự án đầu tư của Đoàn KT-QP 79 đã mang lại hiệu quả thiết thực trong vùng dự án, nhất là công trình điện trung, hạ áp tại các bản Ho Rum, Trung Đoàn (xã Kim Thủy); bản Tân Ly, Eo Bù-Chút Mút và bản mới (xã Lâm Thủy).
 
Hiện tại, đơn vị đang tiếp tục xây dựng 1,5km đường giao thông vào cụm Còi (bản Còi Đá, xã Ngân Thủy) và sắp tới tiếp tục lập dự án xin chủ trương đầu tư hồ thủy lợi két hợp dân sinh ở bản Còi Đá, cầu Khe Sung, công trình nước sạch bản 14 và công trình nước sạch bản Khe Sung, trị giá khoảng 17 tỷ đồng.
Đoạn đường đi vào bản Còi Đá được Đoàn KT-QP đầu tư xây dựng tạo thuận lợi cho đồng bào đi lại
Đoạn đường đi vào bản Còi Đá được Đoàn KT-QP đầu tư xây dựng tạo thuận lợi cho đồng bào đi lại
Trên đường vào bản Còi Đá (xã Ngân Thủy), chúng tôi được mục sở thị công trình đường giao thông mà Đoàn KT-QP 79 đang đầu tư xây dựng ở đây. Đoạn đường nối liền với tuyến đường của xã đầu tư, nhưng là ở nơi địa hình khó khăn nhất, đoạn thì phải đục băng qua các mỏm đá tai mèo, đoạn thì phải xây ngầm tràn khá cao.
 
Ông Hồ Sơn, người dân trong bản ra xem công trình hồ hởi nói: “Nhờ bộ đội mà đồng bào có đường đi lại thuận lợi, vận chuyển hàng hóa. Chỗ mô đường khó khăn thì có bộ đội làm, đồng bào ưng cái bụng lắm”.
 
Tạo sinh kế cho người dân 
 
Không quản ngại gian khó, qua những tháng năm đứng chân ở vùng đất biên viễn, Đoàn KT-QP 79 đã triển khai đầu tư các mô hình sản xuất nhằm đa dạng ngành nghề, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân trong vùng sự án.
Những đội sản xuất gắn với cụm dân cư mọc lên trên vùng biên viễn phía Tây Nam huyện Lệ Thủy
Những đội sản xuất gắn với cụm dân cư mọc lên trên vùng biên viễn phía Tây Nam huyện Lệ Thủy
Nổi bật, đơn vị đã đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp với diện tích 269ha, tại xã Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy, trong đó có 38 ha trồng sắn cao sản, 203 ha chuối và 28 ha dứa; đầu tư 1 mô hình chăn nuôi bò hậu bị sinh sản với quy mô 50 con tại 3 xã đến nay phát triển tốt. 
 
Đặc biệt, đối với cây cao su, vượt qua nhiều khó khăn, đến nay đơn vị đã phối hợp với địa phương triển khai 4 dự án trồng mới và chăm sóc với quy mô 1.195ha trên địa bàn 3 xã. Dự án trồng cao su đã khai thác hiệu quả diện tích đất rừng nghèo, bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho 167 lao động gắn bó lâu dài với đơn vị. Hiện tại đã có 250 ha cây cao su của đơn vị cho khai thác, dòng nhựa trắng hứa hẹn mang đến sự đổi thay cho nhiều hộ dân của 3 xã miền núi huyện Lệ Thủy.
Mô hình nuôi bò được đơn vị đầu tư
Mô hình nuôi bò được đơn vị đầu tư
Dưới tán rừng cao su xanh mát vừa cho khai thác trong năm 2021, chị Hồ Thị Sang, người con của đồng bào Vân Kiều nay là công nhân Đội 3, Đoàn KT-QP79 khởi cho biết: “Cây cao su được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên phát triển tốt, mới đưa vào khai thác mà cây đã cho lượng mủ khá. Chúng tôi mừng lắm và hy vọng sắp tới sẽ có cuộc sống ổn định hơn từ cây cao su nhận khoán, để có điều kiện chăm lo cho gia đình, con cái”. 
 
“Bộ đội Đoàn KT-QP 79 luôn bám bản làng, bám dân, đầu tư các công trình điện, đường, trường, trạm rất hiệu quả và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ vậy, đời sống bà con có bước phát triển mới, cơ sở hạ tầng của địa phương cũng có nhiều khởi sắc.
 
Xã Ngân Thủy quyết tâm về đích nông thôn mới trong nhiệm kỳ 2020-2025, nhưng đến nay xã chỉ mới đạt 8/19 tiêu chí, nếu không có sự hỗ trợ của Đoàn KT-QP 79 thì đường đến đích nông thôn mới của xã sẽ rất khó khăn”, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy Nguyễn Văn Hùng nói. 
Diện tích trồng dứa đã cho thu nhập
Diện tích trồng dứa đã cho thu nhập
Khó khăn vẫn còn ở phía trước, nhưng có thể nói rằng, với phương châm “phát triển kinh tế gắn với xây dựng, củng cố nền quốc phòng vững mạnh, bằng quyết tâm và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ trong thời kỳ mới, Đoàn KT-QP 79 đã góp phần lập nên lá chắn vững chắc nơi vùng “phên dậu” của Tổ quốc. Để hình ảnh những người lính đến từ Tây Nguyên xa xôi ngày nào, đã trở nên gần gũi, thân thương trong lòng người dân các xã miền núi phía Tây Nam huyện Lệ Thủy. 
 
Anh Tuấn