Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Có hẹn với Hạc Hải…

  • 08:00 | Chủ Nhật, 02/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nơi vùng đầm phá mênh mông sông nước ấy, những phận người vẫn thủy chung với cuộc mưu sinh, với những chật vật, vất vả cùng nghề. Với họ, mấy mươi năm qua, phá Hạc Hải là nơi chốn bình yên, đủ đầy để nuôi sống bao cuộc đời. Dẫu vậy, họ vẫn nuôi lớn hy vọng vào một sự đổi thay nơi vùng đầm phá mênh mông này.
 
Bạn tôi bảo, phá Hạc Hải đẹp nhất là vào mùa lúa chín. Khi ấy, cả vùng đầm phá mênh mông vàng rực bởi màu lúa-màu của ấm no. Chim chóc trở về làm tổ. Cuộc sống như hồi sinh sau những ngày ngập trong mưa lũ. Cuối tháng 4, lúa bắt đầu trĩu hạt, chúng tôi đến Hạc Hải để đón đợi mùa đẹp đẽ nhất của nơi này-khoảng thời gian mà bạn tôi vẫn gọi đó là mùa của hạnh phúc.
 Bức họa đồng quê. Ảnh: Lê Đức Thành
Bức họa đồng quê. Ảnh: Lê Đức Thành
Chúng tôi chọn đến với Hạc Hải vào lúc 4 giờ chiều và quyết định ngủ một đêm trên phá để thức dậy đón bình minh. Vậy là cả những thời khắc đẹp nhất trong ngày đều đủ đầy cảm xúc: hoàng hôn, trăng lên và bình minh đến. Trên chiếc thuyền máy-phương tiện mưu sinh của những người dân vùng đầm phá này, chúng tôi xuôi về Hạc Hải.
 
Cô bạn cùng khóa tên là Ý Anh-hiện là giảng viên Trường đại học Quảng Bình có vẻ hào hứng hơn cả. Ý Anh đang là chủ nhiệm của một đề tài về du lịch sinh thái trên phá Hạc Hải. Trong ánh mắt lấp lánh niềm vui của cô vừa háo hức được trải nghiệm vừa như thắp lên hy vọng vào một sự đổi thay cho chính cuộc sống của người dân nơi này.
 
Chiếc thuyền máy lướt đi trong mênh mông nước. Hoàng hôn phủ bóng xuống mặt sóng, đỏ au. Trong thời khắc ấy, tựa như những lo toan, muộn phiền đều trôi tuột theo con nước, chỉ còn cảm giác khoan khoái và bình yên bủa vây. Trong tiếng máy nổ bành bạch trên sóng, anh Nguyễn Công Xuân (Hoa Thủy, Lệ Thủy)-người đàn ông có gần 30 năm sống trên phá Hạc Hải tự hào khoe với những người khách lạ: “Đây là mùa mà phá Hạc Hải đẹp nhất trong năm”.
 
Đúng như anh nói, dưới bóng hoàng hôn, những lau lách, ruộng lúa và cả những đàn vịt nhởn nhơ bơi trên nước đều lấp lánh, đẹp lạ lùng! Anh Xuân bảo, đến Hạc Hải vào mùa này để thấy cuộc sống hồi sinh kỳ diệu như thế nào, để thấy sau những chật vật, cơm áo thì vẫn còn đó những bình yên đón đợi. 
Kéo rập trên phá Hạc Hải là trải nghiệm khó quên.
Kéo rập trên phá Hạc Hải là trải nghiệm khó quên.
Người đàn ông ấy say sưa kể về phá Hạc Hải như thể trên từng mao mạch cơ thể đã ngấm nước vùng đất ấy. Thi thoảng, đôi ba chiếc thuyền máy đi ngược lại, họ hồ hởi chào hỏi chúng tôi như những người thân lâu ngày gặp lại. Dường như, những con người nơi vùng đầm phá này, tâm hồn cũng mênh mang, rộng mở như sông.
 
Thuyền dừng lại bên một bờ đê nhỏ ngay sát ruộng lúa mênh mông. Nơi đó, chị Đỗ Thị Hoa-vợ anh Xuân đang đón đợi với vài ba món đặc sản vùng đầm phá. Chị kể, mấy hôm trước, nghe tin sẽ có đoàn khách đến trải nghiệm phá Hạc Hải, anh Xuân cứ khấp khởi mừng. Vậy là dựng vội hai chòi canh, sửa soạn chỗ vệ sinh để đón khách.
 
Có lẽ chưa bao giờ, khoảng không gian tưởng chỉ có đôi vợ chồng lui tới lại trở nên đông vui như hôm nay. Chiều dần buông. Mặt trời trôi về phía núi. Chúng tôi mặc sức hít hà bầu không khí trong lành nơi chốn này, mới chợt nhận ra hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là được tận hưởng từng giây phút bình yên trôi qua như thế.
 
Màn đêm phủ dần lên từng khuôn mặt người. Dưới ánh điện hiu hắt, chúng tôi quây quần bên nhau. Chị Hoa bảo, vì là khách quý, nên được đãi món rạm sữa-món đặc sản hiếm hoi của vùng đầm phá này. Món ngon ngọt mát và trong lành như tình người nơi chốn này. Bữa ăn đặc biệt diễn ra ngay giữa mênh mông sông nước, giữa tiếng guitar bập bùng. Anh Xuân kể, anh đã tưởng tượng đến khung cảnh được đón khách đến trải nghiệm phá Hạc Hải như thế này từ rất lâu. Nhưng ý tưởng mới kịp nhen lên thì mùa lũ này đến mùa bão khác nối nhau ập đến…
 
Vợ chồng anh dắt díu nhau ra nương nhờ vào vùng đầm phá này từ năm 1994, từ lúc mưu sinh bằng đánh bắt con tôm, con cá cho đến khi đập Mỹ Trung ngăn mặn được xây lên, anh chị đổi qua trồng lúa rồi nuôi cá, tôm. Với anh, phá Hạc Hải đã nuôi sống gia đình đi qua bao ngày gian khó. Cuộc sống đủ đầy, con cái trưởng thành cũng nhờ cả vào phá Hạc Hải. Vậy nên, Hạc Hải với anh cũng thân thương, ruột thịt như hơi thở.
 
Dù không dài rộng, không còn mênh mang như Hạc Hải của những ngày cũ nhưng vùng đầm phá này vẫn còn dung chứa những sản vật lưu danh. “Giá mà nơi đây cũng phát triển được du lịch như vùng phá Tam Giang ở Huế thì thích hè”, anh Xuân nói, rồi đưa ánh nhìn ra giữa khoảng không xa xa lấp lánh ánh đèn. Nơi ấy, phía quốc lộ, những dòng xe vẫn vội vã trôi đi trong đêm tối.
Mùa lúa chín cũng là mùa chim làm tổ trên phá Hạc Hải.
Mùa lúa chín cũng là mùa chim làm tổ trên phá Hạc Hải.
Đêm ấy, sau khi theo vợ chồng anh đi buông lưới, thả rập, chúng tôi trở về ngủ lại trên lán, giữa mênh mang nước và tiếng ếch nhái rộn rã trong đêm. Đó là một đêm trăng rất đẹp và thanh bình. Ánh trăng lấp lánh dát bạc trên mặt nước và chảy tràn trên bờ đê nhỏ. Thỉnh thoảng, đôi ba chiếc thuyền máy trở về sau một đêm mưu sinh trên sóng nước, phá tan không gian tĩnh lặng của vùng đầm phá lúc đêm về.
 
Chúng tôi đã thức ngủ cùng dòng nước để nghe hơi thở của vùng đầm phá lúc nửa đêm về sáng, nghe con cá mắc lưới quẫy đuôi vọng hoài nhịp sống và để thấy yêu hơn chính vùng đất đã gắn bó với bao phận người nổi nênh nơi này.
 
Bình minh trên phá Hạc Hải đến muộn hơn mọi ngày bởi sương phủ kín không gian. Chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng hát của một ngư phủ nào đó từ xa vọng lại. Anh Xuân cười hiền: “Ở đây, cuộc sống cũng rộn ràng không khác trên bờ”. Hẳn nhiên, nhiều phận người đã thoát ra khỏi những chật hẹp của cuộc đời mình để ước mơ và hoài vọng. Và họ có quyền để nuôi hy vọng cho những đổi thay nơi vùng đất này.
 
Bình minh, những bông lúa đọng sương đêm trĩu hạt. Hạc Hải đã bắt đầu phủ lên mình màu của ấm no và sung túc. Đó là lúc những đàn chim quay về đây trú ngụ và làm tổ. Dọc lau lách hai bên ruộng lúa, những tổ chim sẻ nằm san sát bên nhau. Bên trong những chiếc tổ nhỏ xinh và được đan lát khéo léo ấy, những trứng chim bung nở. Những cuộc đời bé nhỏ lại bắt đầu cựa mình. Vậy nên, không khó hiểu khi người dân gắn bó với vùng đất này luôn tự hào vùng đầm phá quê mình là vùng đất của sự hồi sinh. Còn bạn tôi lại bảo, đó là vùng đất của hạnh phúc và yên bình.
 
Rời Hạc Hải khi ánh nắng đã chảy tràn trên mặt nước. Đi qua bao mùa bão lũ, bao ngày khó nhọc, sự sống vẫn không ngừng sinh sôi nơi vùng đầm phá này. Những con người nơi đây vẫn lạc quan tin vào những ngày mai tươi sáng cho chính họ và cho vùng đất mà họ yêu thương. Còn chúng tôi, kết thúc chuyến đi này lại có hẹn hò nhau sẽ trở lại Hạc Hải vào ngày lúa chín vàng-mùa chim làm tổ.
 
Ghi chép của Diệu Hương